Tác động lớn đến người dân
Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) vừa có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.
Thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm không khí tại một số đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân chính do bụi, khí thải từ xe cộ, xây dựng, công nghiệp với lượng thải lớn chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi - nghịch nhiệt trong giai đoạn giao mùa.
Đối với Hà Nội và TP.HCM, bộ TN&MT đề nghị điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm không khí. Tổ chức và duy trì thường xuyên hoạt động phun nước rửa đường tại các trục, tuyến đường giao thông chính của các đô thị, hạn chế phát tán bụi, thu gom rác triệt để, bụi bẩn trên các trục, tuyến đường giao thông.
Hai đô thị đặc biệt này cũng được đề nghị đẩy nhanh ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải.
Bên cạnh đó là việc thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường.
Ngay lập tức, đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của người dân. Ông Nguyễn Văn Lại, một người dân ở quận 3, TP.HCM cho biết: “Tôi đồng tình với đề xuất thu hồi các loại xe gắn máy cũ nát, lạc hậu đang lưu thông trên địa bàn TP.HCM để giảm gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Tuy nhiên, những chiếc xe gắn máy tuy cũ nhưng nếu được sửa chữa và sử dụng tốt, không gây ô nhiễm thì nên cho phép lưu hành, để những người dân có thu nhập thấp bớt đi “áp lực” phải mua xe mới”.
Kiếm sống với công việc bán thức uống tại vỉa hè hơn 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Diệu (quận 7, TP.HCM) cho biết, chiếc xe gắn máy cũ kỹ chở máy ép hoa quả đang là phương tiện mưu sinh của cả gia đình. Vì thế, chị rất lo lắng nếu xe bị thu hồi vì thu nhập bấp bênh, không thể mua xe mới.
“Nhiều người như tôi mong muốn được giải thích rõ hơn quy định, như thế nào là phương tiện cũ nát, lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường,… để có thể cải tiến chiếc xe của mình hoặc được hỗ trợ đổi phương tiện mới. Đa số người buôn bán nhỏ sống nhờ vào chiếc xe gắn máy cũ, nếu không cho phép lưu thông thì khó khăn lắm”, chị Diệu nói.
Vướng mắc về pháp lý khi thu hồi
Theo các chuyên gia, đề xuất của bộ TN&MT sẽ đem lại nhiều tác động tích cực khi các thành phố lớn cho thu hồi những phương tiện quá cũ, không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về chất lượng khí thải môi trường cũng như an toàn giao thông.
Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng những phương tiện này là lao động có thu nhập thấp hoặc kiếm sống bằng việc chở thuê hàng hóa cho nên phải giải quyết nhiều bài toán về đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới, cục Đăng kiểm VN cho biết: “Việc quản lý xe máy cũ nát để ngăn ngừa ô nhiễm môi trường là yêu cầu bức xúc của xã hội. Tuy vậy, việc này liên quan đến quyền sở hữu tài sản nên gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý khi thu hồi”.
Giải pháp để loại bỏ xe máy cũ nát trong giai đoạn hiện nay là Nhà nước, nhà sản xuất và người dân cùng vào cuộc. Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ để nhà sản xuất thu hồi xe cũ và đổi xe máy mới cho người dân.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần kiểm soát chặt điều kiện lưu hành của phương tiện. Cụ thể như tăng cường kiểm tra, xử lý xe cũ nát vi phạm điều kiện tham gia giao thông (giấy tờ, gương, đèn, thực tế chở...) để góp phần ngăn ngừa xe cũ nát tham gia giao thông.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các nhà sản xuất đều đã đầu tư địa điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ và thông báo trên website. Nhưng đáng buồn là suốt nhiều năm qua vẫn chưa có người dân nào tự nguyện thực hiện.
“Nguyên nhân chính là do Việt Nam chưa có quy định niên hạn ôtô dưới 9 chỗ và môtô, xe máy nên các cơ quan chức năn không có cơ sở pháp lý để thu hồi. Và đối với người dân, giá trị một chiếc ôtô, xe máy vẫn khá lớn nên sau khi không dùng nữa đều tính đến chuyện mua đi bán lại thay vì nộp đến điểm thu hồi và tay trắng ra về”, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy lý giải.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá: “Vấn đề thu hồi xe máy cũ nát cần được xem xét dưới góc độ pháp luật dân sự. Bởi xe máy, mặc dù là cũ nát cũng là tài sản hợp pháp của người dân.
Nếu thu hồi, cần phải dựa trên sự thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản. Việc tịch thu là một biện pháp mang tính cưỡng chế của Nhà nước trong khi thu hồi mang tính tự nguyện, khuyến khích”, luật sư Nhật phân tích.
Quan trọng nhất, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về việc bắt buộc các loại xe phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải được ban hành. Cũng cần có cơ chế, chính sách thu hồi xe máy khi không còn đạt chuẩn bằng việc hỗ trợ cho chủ phương tiện về cơ chế tài chính nhằm từng bước đi đến việc cưỡng chế thi hành, không cho phép lưu thông loại xe không đạt yêu cầu.
Số lượng xe máy chỉ tăng không giảm
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăn.
Trong khi đó, TP.HCM có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2019. Đây được coi là một trong những thủ phạm gây ô nhiễm không khí đang ngày gia tăng, ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.