Nguy cơ "đi trước về sau" thu hút FDI
Tại khu vực Bắc Trung bộ, Thanh Hóa được xem là một trong những địa phương khai phá, đi đầu về thu hút vốn FDI khi nhiều năm liên tục dẫn đầu khu vực.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, 6 tháng đầu năm nay, Thanh Hóa đã thu hút được 12 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký là 177,5 triệu USD. Lũy kế đến tháng 6/năm 2024, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 169 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký 14,8 tỷ USD.
Mặc dù có xuất phát điểm sớm và "CV" tương đối đẹp, tuy nhiên thực trạng thu hút FDI tại Thanh Hóa đang cho thấy nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian qua.
Đáng chú ý, những khó khăn này không chỉ từ lý do khách quan bởi các nhà đầu tư nước ngoài mà còn tới từ sự cạnh tranh khốc liệt từ các địa phương khác trong khu vực, với các điều kiện tương đồng hoặc hạn chế hơn nhiều so với Thanh Hóa.
Theo tìm hiểu từ Người Đưa Tin, sau nhiều năm "ngủ quên trên đỉnh" Thanh Hóa đã dần tự đánh mất vị thế khi Hà Tĩnh là địa phương thua kém Thanh Hóa cả về diện tích lẫn dân số và xuất phát điểm đã dần bứt phá.
Số liệu công bố từ UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, tính tới tháng 5/2023, lũy kế Hà Tĩnh đã thu hút được 68 dự án FDI, với vốn đăng ký lên tới 16 tỷ USD, nằm trong top 10 tỉnh thành thu hút vốn FDI của cả nước và đã chiếm ngôi đầu về thu hút FDI khu vực Bắc Trung bộ mà Thanh Hóa nắm giữ nhiều năm qua.
Rõ ràng hơn, một địa phương khác có nhiều nét tương đồng ngay sát vách Thanh Hóa với xuất phát điểm thấp hơn rất nhiều nhưng hiện đang trỗi dậy là một trong những điểm sáng thu hút FDI của cả nước. Đáng chú ý, những dự án mà Nghệ An thu hút được mang tính đột phá cả về lượng và chất với quy mô lên tới hàng tỷ USD, chủ yếu là công nghiệp công nghệ cao, xanh thân thiện môi trường...
Cụ thể, theo công bố từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư), vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An trong năm 2023 đã lần đầu vượt 1 tỷ USD, đạt trên 1,3 tỷ USD, xếp thứ 6/63 tỉnh thành thu hút FDI hàng đầu Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, địa phương này cũng đã thu hút dự án mới và đăng ký điều chỉnh thêm tổng gần 300 triệu USD vốn FDI. Lũy kế đến nay, tỉnh Nghệ An có trên 150 dự án FDI (còn hiệu lực) đăng ký đầu tư, tổng vốn đăng ký đạt trên 4,1 tỷ USD.
Trong đó, điểm đáng chú ý, nguồn vốn FDI tại Nghệ An được đánh giá cao về chất lượng như: sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp chế biến, cơ khí, chế tạo, đầu tư xây dựng hạ tầng... được đầu tư bởi các tập đoàn lớn, uy tín như: Tập đoàn Foxconn – đối tác hàng đầu trong chuỗi cung ứng của Apple; Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn; Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản xuất sản phẩm điện tử, năng lượng xanh... Mặc dù trước thời điểm năm 2022, lũy kế thu hút FDI của Nghệ An chỉ vỏn vẹn ở mức hơn 1,5 tỷ USD.
Như vậy, có thể thấy sự thụt lùi đáng báo động trong công tác thu hút dòng vốn có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược như FDI đối với tầm nhìn quy hoạch phát triển chung của Thanh Hóa thời gian qua.
"Con bài tẩy" công nghiệp năng lượng
Dường như nhận thức được "sức nóng" trong thu hút FDI, trong những năm qua, Thanh Hóa đã rất tích cực thực hiện nhiều giải pháp khơi thông dòng vốn lớn FDI chảy lại tại địa phương này.
Để thực hiện cải thiện môi trường đầu tư cũng như cải thiện trong công tác thu hút FDI, trong năm 2023 và 2024 tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp tăng cường thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch, cải thiện thủ tục hành chính rút ngắn thủ tục đầu tư,... đồng thời tăng cường tích cực tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư xứ Thanh tới các nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, trong giai đoạn 2022-2026, Thanh Hóa sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thiết yếu, đặc biệt tại KKTNS, các KCN và khu vực trọng điểm. Điều này đã được cụ thể hóa một phần tại Nghị quyết 357/NQ-HĐND ngày 11/12/2022 của HĐND tỉnh về việc phê duyệt đề án “Giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng các KCN trong KKTNS”. Trong giai đoạn 2023-2027, Thanh Hóa sẽ ưu tiên dành nguồn ngân sách khoảng hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư các khu tái định cư và giải phóng mặt bằng tại các KCN trong KKTNS.
Cũng trong năm 2023, 2024, các hoạt động đối ngoại, xúc tiến, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Tỉnh này đã tổ chức nhiều đoàn công tác đi làm việc, xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Đài Loan, Châu Âu, Thái Lan...
Trong đó, tiếp và làm việc với nhiều đoàn công tác, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (WB), đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan...
Theo đó, sau nhiều nỗ lực, dự kiến trong năm 2024, tỉnh Thanh Hóa kỳ vọng thu hút được trên 20 dự án FDI mới, với vốn đầu tư đăng ký khoảng 3,5 tỷ USD. Như dự án Khu công nghiệp phía Tây thành phố Thanh Hóa của Tập đoàn Sumitomo 400 triệu USD; Dự án Trung tâm thương mại Aeon mall 170 triệu USD, 2 dự án Khu công nghiệp của Tập đoàn WHA (110 triệu USD)… đã hoặc đang đi tới những bước cuối cùng để chính thức đi vào hoạt động.
Đặc biệt, ngoài các dự án nêu trên, trong quý 3 tới đây, dự án Nhà máy điện khí LNG Nghi Sơn với vốn đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD dự kiến sẽ mở thầu vào ngày 30/9. Khi đó, dự án công nghiệp năng lượng tỷ đô này sẽ ảnh hưởng lớn tới thành tích thu hút FDI của Thanh Hóa trong năm nay.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, có 5 nhà đầu tư lớn đã lọt vào danh sách ngắn thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn. Trong đó có 4 nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài gồm: Tổ hợp nhà đầu tư Tập đoàn điện lực lớn nhất Nhật Bản JERA và Tập đoàn SOVICO (Việt Nam); Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO), Tổng Công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tập đoàn xây dựng và kỹ thuật Daewoo (Daewoo E&C) và Tổng Công ty đầu tư xây dựng và thương mại Anh Phát; Nhà đầu tư Tập đoàn năng lượng Gulf đến từ Vương quốc Thái Lan; Nhà đầu tư SK E&s, tập đoàn công nghiệp đa ngành đến từ Hàn Quốc. Còn lại là Tổ hợp nhà đầu tư Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam và Tập đoàn T&T.
Như vậy, trong trường hợp mở thầu, chấm thầu, một trong bốn nhà đầu tư có yếu tố nước ngoài kể trên được chọn, đồng nghĩa thành tích thu hút FDI Thanh Hóa sẽ được cộng thêm 2,5 tỷ USD, đưa địa phương này trở lại với vị thế dẫn đầu khu vực Bắc Trung bộ về thu hút FDI với tổng số vốn lũy kế lên tới trên 17 tỷ USD.
Cũng theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trước dự án điện khí LNG 2,5 tỷ USD dự kiến triển khai, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 2 dự án công nghiệp năng lượng đã được đầu tư vận hành là dự án Lọc Hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD và dự án Nhiệt điệt Nghi Sơn 2,8 tỷ USD. Hai dự án FDI trên có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD, chiếm trên 82% tổng số vốn FDI đăng ký tại địa phương. Tính cả dự án điện khí dự kiến triển khai, Thanh Hóa trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng lớn nhất cả nước với tổng số vốn FDI thu hút được trong lĩnh vực này khoảng 14,5 tỷ USD.
Theo trao đổi trước đó với Người Đưa Tin liên quan hoạt động thu hút FDI trên địa bàn, lãnh đạo Sở Kế hoạch đầu tư Thanh Hóa cho rằng, một trong những lý do chính ảnh hưởng thu hút FDI tại Thanh Hóa là thiếu "mặt bằng sạch". Theo giải thích của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa, mặt bằng sạch có thể hiểu là mặt bằng đã được giải phóng mặt bằng, có thể đã được nhà đầu tư sơ cấp đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghiệp với quy mô diện tích lớn.
Ngoài ra, trước những diễn biến khó lường của tình hình chính trị thế giới đã tác động tiêu cực không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu, gây nên tình trạng suy thoái kinh tế, lạm phát nhiều khu vực. Từ đó, cũng góp phần khiến cho thu hút vốn đầu tư FDI bị ảnh hưởng, đình trệ.