Thu hút nhân tài không thể thực hiện bằng hô khẩu hiệu

Thu hút nhân tài không thể thực hiện bằng hô khẩu hiệu

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Ông Trịnh Long Biên cho rằng, chế độ ưu đãi thu hút nhân tài là quan trọng nhưng điều quan trọng hơn vẫn là ý chí và tâm huyết của những cá nhân đó.

Xung quanh dự thảo Nghị định về phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với ông Trịnh Long Biên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu cũ (nay là tỉnh Điện Biên).

Xã hội - Thu hút nhân tài không thể thực hiện bằng hô khẩu hiệu

Ông Trịnh Long Biên.

Tài năng thực hành hơn tài năng bằng cấp

Dự thảo Nghị định đãi ngộ công chức được Bộ Nội vụ vừa đưa ra có rất nhiều ý kiến trái chiều. Điểm chưa rõ ràng nhất đó là thế nào thì được coi là "công chức tài năng". Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là như thế. Theo tôi, trước hết cần có tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là tài năng, tài năng trong quá trình học tập và tài năng thực hành là khác nhau. Nhiều người trong học tập và trong nghiên cứu thì có rất nhiều thành tích nhưng khi đi vào thực tế lại tỏ ra lúng túng, không đáp ứng được yêu cầu công việc. Dù làm việc trong môi trường công chức hay bất cứ vị trí nào thì quan trọng nhất vẫn là tài năng thực hành.

Theo ông, việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu như dự thảo đưa ra liệu có hợp lý?

Một người làm quản lý có thể phát hiện và có quyền đề xuất tài năng nào đó. Tuy nhiên, nếu họ không đề xuất thì không thể nói là họ vi phạm trách nhiệm, chưa làm tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, khi họ đã đề xuất rồi mà yêu cầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc đề nghị, tiến cử của mình thì còn ai dám mạnh dạn tiến cử.

Khi tiến cử một ai đó, người quản lý có thể nhận thấy ở cá nhân này khá hoặc tốt ở một số mặt, nhưng sau khi được tiến cử, qua một quá trình phấn đấu, bản thân người đó có thể có sự thay đổi, thụt lùi hoặc không thích ứng được môi trường công việc. Nếu như thế thì không thể quy trách nhiệm cho người tiến cử mà phải đòi hỏi trách nhiệm ở bản thân người được xem là tài năng ấy.

Dự thảo nêu rõ, người đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, tốt nghiệp đại học từ loại giỏi trở lên được tuyển thẳng vào công chức. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng hiện nay ở nước ta có tới hàng trăm trường đại học và chất lượng tấm bằng giỏi ở các trường chưa được đồng đều. Nếu thực hiện như dự thảo thì những người đạt bằng khá ở những trường có chất lượng đào tạo tốt và nỗ lực học lên thạc sĩ, tiến sĩ sẽ chịu thiệt thòi. Quan điểm của ông về quy định này?

Hiện nay, xét theo quy định chung của Bộ GD&ĐT thì bằng tốt nghiệp của các trường đại học khi đi xét tuyển hoặc ứng tuyển vào một vị trí công việc nào là có giá trị như nhau. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi tình trạng không đồng đều giữa những người cùng được bằng giỏi nhưng lại tốt nghiệp ở những trường khác nhau. Tình trạng không công bằng như trên là khônh thể tránh khỏi.

Một người tốt nghiệp loại giỏi ở Thái Nguyên có thể sẽ không bằng một người tốt nghiệp loại khá ở một trường top một ở Hà Nội. Chìa khóa giải quyết cho vấn đề này chính là nằm ở khâu khảo thí chất lượng thi cử. Để những quy định của Bộ Nội vụ có thể phát huy hiệu quả và thu hút được tài năng thực sự thì đòi hỏi những sản phẩm của ngành giáo dục phải thực sự tốt.

Có ý kiến cho rằng, gần đây chính sách thu hút nhân tài được Bộ Nội vụ và nhiều địa phương liên tiếp được các địa phương triển khai song chưa thực sự phát huy tác dụng? Theo ông, nguyên nhân của tình trạng trên là gì?

Đà Nẵng được coi là nơi khởi đầu của phong trào thu hút nhân tài vào làm việc trong bộ máy công quyền. Tuy nhiên, nhiều người trở về làm việc họ lại không được sự chào đón của cơ sở và không tránh khỏi cảm giác hối hận. Đã đến lúc chính sách thu hút nhân tài không chỉ là hô khẩu hiệu mà cần sự nhất quán từ trên xuống. Không chỉ có thế, cần có sự kết hợp khăng khít giữa các bộ ngành và đặc biệt là ngành giáo dục.

Nền giáo dục của chúng ta vẫn có rất nhiều ngành đào tạo nguồn nhân lực cho công tác hành chính công vụ. Sinh viên, học viên của ngành đó học ra cũng mong muốn được làm việc đúng với ngành mình học. Ngành giáo dục có những sản phẩm tốt thì bộ máy công quyền mới có những nhân viên chất lượng.

Tài năng nằm ở ý chí

Hiện nay Bộ Nội vụ đang đưa ra nhiều chính sách để thực hiện thu hút nguồn công chức tài năng để nâng cao chất lượng đội ngũ công vụ. Theo ông để công tác này đạt hiệu quả hơn, chúng ta cần phải làm những gì?

Có một thực tế đang tồn tại là mức lương trong môi trường công vụ còn có một khoảng cách khá xa với môi trường làm việc của các doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Tầng lớp sinh viên hay những người đã có bằng cấp sau khi ra trường có rất nhiều lựa chọn. Họ sẽ không ngần ngại chọn cho mình một nơi làm việc có mức lương cao, môi trường mở và đôi khi tránh được những tình huống "tế nhị" ngoài công việc chuyên môn như người ta vẫn nghĩ về môi trường Nhà nước.

Khi các chính sách thu hút nhân tài thực sự chưa hấp dẫn thì việc tiếp tục học lên cao, du học, làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài, các ngân hàng và các tập đoàn tài chính cùng với những cơ hội thăng tiến tốt, thu nhập cao đang là lựa chọn của nhiều người.

Chính vì vậy một trong những cách thức để thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ công chức có tài năng trong hoạt động công vụ là nâng cao chế độ cho các đối tượng làm việc trong ngành này. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng vào việc ưu tiên môi trường và chế độ làm việc thì cũng chưa chắc đã tìm được những công chức tài năng thực sự.

Vậy theo ông như thế nào thì mới được coi là công chức có tài năng thực sự?

Những công chức tài năng thực sự phải là những con người hết mình vì công việc, vì nhân dân và chấp nhận làm việc trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ phải biết kết hợp giữa ý chí của cá nhân với nguyện vọng của tổ chức; phải xem xét bản thân người đó có thực sự chịu khó, năng nổ cống hiến cho công việc hay không.

Thời điểm ông còn công tác, việc tuyển chọn công chức đã được ông thực hiện như thế nào?

Khi còn đương chức, tôi cũng dành nguồn ngân sách nhất định để khuyến khích những người mới tốt nghiệp ở các trường CĐ-ĐH về các xã vùng xâu vùng xa để công tác. Sau đó, trong quá trình làm việc, nếu họ thể hiện tốt năng lực bản thân thì mới tuyển chọn vào biên chế. Tuy nhiên cũng không có nhiều người thực sự muốn về những nơi khó khăn để làm việc, đa số chỉ muốn chọn cho mình những nơi ở thành phố, thị xã... Thế mới nói, ở thời nào, điều kiện nào thì tuyển chọn công chức gốc rễ vẫn là xem xét ý chí của họ.

Phạm Hạnh - Dương Thu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.