Đi thi là một niềm vui
Xuất thân trong một gia đình theo ngành y, Phạm Trí Hiếu (sinh năm 1989) lựa chọn nối nghiệp bố mẹ như một cái duyên. Dẫu biết con đường trở thành bác sĩ không hề đơn giản, song Hiếu đã từ chối cơ hội học tại trường ĐH Ngoại thương để trở thành một bác sĩ đa khoa trong tương lai.
Hiếu tâm sự: "Ngày thi đại học, tôi đã đăng ký thi hai trường. Trường đại học Ngoại Thương được 29 điểm (chưa tính điểm cộng) và trường đại học Y với số điểm 27,5. Số điểm thi đại học Y chỉ vừa đủ điểm để đỗ nhưng tôi vẫn chọn trường Y làm con đường sẽ gắn bó cả cuộc đời với mình. Bởi đơn giản, tôi muốn nối nghiệp cha mẹ và tôi muốn giúp đỡ cộng đồng chữa bệnh, chăm sóc những người mình yêu thương".
Phạm Trí Hiếu, thủ khoa đầu ra ĐH Y Hà Nội năm 2013
Anh chàng thủ khoa này có một triết lý khá thú vị về ngành y mà mình theo học. Hiếu tâm sự: "Theo đuổi ngành y như một kiếp đi tu". Bởi bất cứ ai theo học ngành y thì phải dành gần chục năm học tập ở trường lớp và phải dành cả đời để học từ thực tiễn chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân. Đặc biệt, đây cũng là con đường để mang đến hạnh phúc, giúp đỡ được cho mọi người".
Bật mí về bí quyết để có kết quả cao trong học tập, Hiếu cho biết: "Trong khi nhiều bạn có suy nghĩ, cứ khi nào sắp tới kỳ thi học cũng không muộn thì tôi lại nghĩ khác, để có được kết quả cao và kiến thức sâu trong nghề thì việc tự học phải được diễn ra hàng ngày. Với đặc thù của trường Y, lịch học dày đặc nhưng khi về tới nhà, Hiếu vẫn dành thời gian cho việc học tập và nghiên cứu". Tới kỳ thi, trong khi bạn bè đang căng thẳng lo ôn thì Hiếu lại thấy đi thi là một… niềm vui.
Hay tới những ngày hè, khi các bạn đồng lứa đang "xả hơi" thì Hiếu vẫn miệt mài với những bài giảng của thầy cô. Và, điều quan trọng nữa là trước khi tới trường, Hiếu có thói quen chuẩn bị bài trước, khi lên lớp nghe thầy cô giảng một cách có ý thức để chủ động trong việc học của mình.
Bố, mẹ đều là bác sĩ, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Có lẽ khi nghe kể vềì gia đình Hiếu, không ít người nghĩ con đường của chàng trai này đang trải đầy hoa hồng vì có một nền tảng gia đình tốt. Nhưng nếu nói chuyện với Hiếu, người đối diện sẽ cảm nhận được sự chững chạc, độc lập và tự giác học tập không dựa dẫm vào gia đình.
Chàng trai này còn nhớ như in những ngày cậu còn bé, có những đêm cả nhà đã tắt đèn đi ngủ rồi bất chợt tiếng chuông điện thoại reo lên. Có bệnh nhân cấp cứu, bố, mẹ cậu lại lao ra khỏi nhà đến phòng cấp cứu. Từ nhỏ, cả Hiếu và anh trai đã phải quen với việc tự ngồi vào bàn học kể cả có bố mẹ ở nhà hay không.
Chăm sóc bệnh nhân chính là tình nguyện
Gắn bó với trường Y và những lần thực tế đã giúp Hiếu thêm yêu ngành nghề mình đã chọn. Trong một lần đi thực tập tại bệnh viện, Hiếu đã gặp một nữ bệnh nhân bị ung thư máu. Người phụ nữ này có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Mỗi ngày, ngoài việc chống chọi với bệnh tật, với những cơn đau hoành hành, bệnh nhân này còn phải lo tiền cho từng bữa cơm, từng lít máu truyền. Lúc đó, Hiếu lại càng nung nấu mong muốn trở thành một bác sĩ giỏi để chữa bệnh cho mọi người, để không còn những bệnh nhân như người phụ nữ mà Hiếu đã phải chứng kiến.
Sáu năm học đại học, Hiếu tiếc vì chưa có cơ hội tham gia hoạt động tình nguyện bởi lịch học quá dày và những đề tài nghiên cứu. Nhưng Hiếu quan niệm riêng rằng: "Đối với tôi, bản chất của việc tình nguyện chính là đi giúp đỡ cộng đồng. Và với tôi cơ hội đi thực tập tại bệnh viện, gặp gỡ, giúp đỡ trực tiếp bệnh nhân cũng chính là cơ hội để mình làm tình nguyện.
Việc giúp đỡ cộng đồng không chỉ tới những miền xa xôi giúp người dân làm đường, xây nhà… mà đối với một bác sĩ thì việc làm tình nguyện chính là cố gắng trau dồi kiến thức chuyên ngành thật tốt để trở thành một bác sĩ không chỉ đủ đức mà còn đủ tài. Có như thế mới có thể chữa bệnh cứu người, mới có thể tình nguyện mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người".
Hiếu chia sẻ, bản thân cũng đã tìm hiểu kỹ Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh". Trong tương lai, với đề án này, Hiếu và nhiều đồng nghiệp có cơ hội để mang tri thức, khả năng của mình tới giúp đỡ những đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.
Khi được hỏi về chính sách trọng dụng nhân tài của TP. Hà Nội, Hiếu thẳng thắn bày tỏ: "Đây là một việc làm thiết thực để thu hút nhân tài, tuy nhiên, mỗi người có một hướng đi riêng và quan trọng phải phù hợp với ngành học của mình". Hiện Hiếu đang ôn thi để vượt qua kỳ thi bác sĩ nội trú, trong tương lai Hiếu mong muốn có cơ hội học tập tại nước ngoài song một điều mà Hiếu luôn tâm niệm đó là dù có đi đâu hay làm gì thì vẫn luôn một lòng hướng về quê hương.
Thích triết lý: Mình phải tạo ra... may mắn
Hiếu tâm sự: "Dù điều kiện có tốt đến đâu nếu không có ý thức thì sự thất bại là tất yếu". Bài học "xương máu" này được Hiếu rút ra sau nhiều thất bại. Hiếu kể lại, hồi lớp 3, Hiếu được vào học lớp chọn, trước khi chọn đi thi học sinh giỏi, cô giáo cho lớp 2 bài toán trong đó có 1 bài toán dễ và 1 bài thử thách. Tuy nhiên, do chủ quan và làm cho xong, kết quả là Hiếu bị loại ra khỏi đội tuyển. Rồi đến những năm học phổ thông, không ít lần do chủ quan Hiếu đã mất cơ hội giành huy chương dù khi đi thi, Hiếu rất chắc chắn vào năng lực của mình.
Với những lần vấp ngã ấy, mặc dù bố mẹ không dạy nhưng bản thân Hiếu thấm thía được giá trị của sự thiếu ý thức khi làm bất cứ việc gì. Hiếu tâm đắc với một câu nói trong cuốn Bí mật của sự may mắn với triết lý "Cái khó trong cuộc sống là phải vượt qua bản thân mình. May mắn không tự đến với mình mà mình phải tự tạo ra nó".
Hoàng Mai - Thái Bình