Thủ khoa môn Sử trường Báo chia sẻ bí quyết ôn thi

Thủ khoa môn Sử trường Báo chia sẻ bí quyết ôn thi

Thứ 5, 09/05/2013 11:39

Phạm Thị Thủy là thủ khoa đầu vào môn lịch sử của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Gặp Thủy vào một buổi chiều muộn, trong cái nóng oi bức của mùa hè, cô gái có dáng người cao ráo khoác trên mình chiếc áo xanh tình nguyện ướt đẫm mồ hôi.

Chào Thủy, động lực nào giúp em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để có kết quả học tập cao?

Theo em, việc học không phải là ngày một ngày hai, mà đó là cả một quá trình phấn đấu. Ngay từ những năm đi học thời phổ thông thì em đã tự rèn cho mình được một kế hoạch học bài trên lớp cũng như ở nhà, vì thế, em luôn chủ động trong mọi tình huống. Cả bố và mẹ em đều là những người nông dân chất phác, tuy nhiên cũng ý thức được việc học cho con cái. Em là con út trong gia đình, trên em là 2 anh trai, vì sức học yếu nên không học lên cao. Cả nhà đều hy vọng vào em, điều này đã làm em cố gắng học và thi tốt hơn.

Học sinh cuối cấp, bạn nào cũng đi đến các lò luyện thi hoặc thầy cô giáo nào đấy để học thêm kiến thức cũng như bù vào lượng kiến thức còn hổng. Em đã từng ôn thi ở lò luyện thi nào?

Em không ôn thi ở lò luyện thi hay thầy cô giáo nào cả. Em tự mua một vài cuốn tài liệu môn Văn về tự ôn, môn Sử và môn Địa, em hoàn toàn học ở trong sách. Bố mẹ cũng khuyến khích em đi ôn thi ở các lò luyện thi cùng với các bạn nhưng em biết lượng kiến thức và sức học của mình như thế nào nên em tự học là chủ yếu.

Nhiều ý kiến cho rằng, học khối C đa số là học thuộc, đặc biệt là môn Sử, chỉ cần cày ngày cày đêm, đọc thuộc cả quyển sách thì sẽ làm bài thi tốt. Em nghĩ sao về điều này?

Em cũng đã từng nghe nhiều ý kiến như thế. Và theo em, đó là những ý kiến sai lầm nghiêm trọng. Học khối C cũng cần tư duy logic như khối A, không phải đọc vẹt, nhớ rồi bê nguyên xi những gì học thuộc được vào bài làm của mình. Càng ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề theo hướng đề mở, câu hỏi theo dạng, tổng quát rồi phân tích, bắt buộc thí sinh phải có tư duy tổng hợp các kiến thức ở mỗi phần khác nhau thì mới làm đúng đề được. Vì thế, các bạn học thuộc các kiến thức một cách máy móc khi vào ngồi làm bài thi, sẽ nhanh quên kiến thức, làm bài một cách bị động, không xâu chuỗi được các sự kiện ăn khớp với nhau, dẫn đến kết quả thi không cao.

Xã hội - Thủ khoa môn Sử trường Báo chia sẻ bí quyết ôn thi

Kỷ niệm khó quên nhất của em trong kỳ thi đại học?

Thi đại học, kỷ niệm khó quên nhất đối với em là thi môn đầu tiên – môn Văn. Vì chủ quan nhà gần địa điểm thi nên em đến trường thi thì đã muộn, cổng trường đã đóng chặt, bác bảo vệ sau hồi vừa thở hổn hển vừa giải thích của em thì cũng đã chịu mở cổng cho em vào. Chỉ vài phút nữa thôi là em không được thi.

Sau đó, vì tâm trạng mới vào phòng thi còn thấp thỏm, chưa bình tĩnh nên đã ghi nhầm họ tên của 1 bạn thí sinh khác ngồi cùng bàn vào tờ giấy thi của mình. Sau khi viết sang tờ thứ 2 thì mới phát hiện ra là mình ghi nhầm tên. Kỷ niệm ấy sẽ không bao giờ quên, một bài học quý giá cho sự chủ quan của mình.

Qua đây, em cũng hy vọng là các em cuối cấp khi đi thi, nên chủ động đi sớm tới địa điểm dự thi, giữ cho tâm trạng luôn thoải mái, tự tin đọc kỹ đề và làm bài thi tốt.

Xã hội - Thủ khoa môn Sử trường Báo chia sẻ bí quyết ôn thi (Hình 2).

Bí quyết chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học của em là gì?

Muốn học và ôn thi tốt khối C nói chung và môn Sử nói riêng, đều phải chắt lọc kiến thức. Không nên học dàn trải, mà phải biết tự hệ thống kiến thức và xâu chuỗi nó, để đụng đến mảng kiến thức nào thì ta có thể huy động vốn kiến thức được tích lũy trước đó nhanh hơn. Học đến đâu là nắm chắc vùng kiến thức ấy, sau đó lại học tiếp các vùng kiến thức khác; đến một vài chương sau, lại quay lại nhẩm những kiến thức đã học để khỏi quên, một cách lưu lại kiến thức khá chắc và sâu. 

Nhiều bạn cứ học cố bài trong tình trạng buồn ngủ quá đà, như thế sẽ không hiệu quả mà cũng không tốt cho sức khỏe. Thời gian ôn thi, cái cần nhất cho mình là sức khỏe. Ôn thi phải song hành với việc bảo đảm sức khỏe, không nên thức khuya, tránh tình trạng thiếu ngủ trầm trọng, sẽ dẫn đến trí nhớ của bạn kém đi. Chủ động sắp xếp cho mình một thời gian biểu ôn thi từng môn một, để tránh tình trạng quên hay nhầm lẫn. 

Xã hội - Thủ khoa môn Sử trường Báo chia sẻ bí quyết ôn thi (Hình 3).

Và cũng rất máu me tham gia các hoạt động tình nguyện

Trong thời gian ôn thi, bạn nên đi ra ngoài hay tham gia những hoạt động ngắn nào đấy sẽ khiến tinh thần thoải mái hơn, chứ đừng ngồi ì một chỗ cầm quyển sách học, ảnh hưởng không tốt đến kết quả ôn thi. Những ngày gần thi, không nên lo lắng quá mức, hãy nghĩ đến những điều giản đơn nhất, đừng để áp lực thi cử đè nặng, sẽ khiến trí nhớ giảm sút, kiến thức trong phút chốc vụt bay. Tinh thần thoải mái, tự tin và làm bài hết sức có thể.

Thủy có điều gì muốn gửi đến các bạn học sinh cuối cấp đang chuẩn bị thi Đại học sắp tới?

Khi được phát đề thi, không nên vội làm vào ngay trong tờ giấy thi. Đầu tiên, đọc kỹ đề rồi hệ thống ý trong tờ giấy nháp, cũng không nên dành nhiều thời gian vào tờ nháp quá. Có nhiều bạn đã từng mắc vào lỗi này, sa đọa nháp vào tờ giấy nháp mà quên mất thời gian, khi viết chính thức vào tờ giấy thi thì không đủ thời gian nữa, ảnh hưởng lớn đến kết quả điểm thi sau này. Càng ngày, Bộ Giáo dục ra đề thi càng mở, vì thế cần đọc kỹ từng chữ trong đề thi, tránh tình trạng “sai một ly đi một dặm”, xác định sự kiện mà sai là xem như cả câu ấy không có điểm.

Lời cuối cùng em muốn gửi đến các bạn cuối cấp đang chuẩn bị cho kỳ thi Đại học sắp tới là: Bình tĩnh – Tự tin – Chiến thắng.

Cảm ơn Thủy, chúc bạn học tập tại trường giỏi và thành công hơn nữa trên con đường đã chọn là làm báo!

Tên thật : Phạm Thị Thủy

Nickname : Thủy cao kều

Ngày sinh: 23/10/1992

Thủ khoa đầu vào môn Sử năm 2010 (đạt 9.5 điểm), Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Hiện đang là sinh viên năm 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Sở thích : Đi phượt cùng bạn bè, nấu những món ăn tự chế, tham gia các chương trình tình nguyện, đọc sách, truyện và tán gẫu cùng bạn bè…

Phương châm sống: Rất kết câu “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” trong tác phẩm “Mùa lạc” của nhà văn Nguyễn Khải.

Trân Châu

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.