Nhiều người tin rằng vàng là kim loại quý hiếm nhất, đắt nhất thế giới. Thế nhưng, điều này không chính xác. Thực tế, có một kim loại quý hiếm hơn cả vàng và cũng là loại đắt tiền nhất thế giới, đó chính là rhodium.
Rhodium được xác định vào năm 1803 bởi nhà hóa học nổi tiếng người Anh William Hyde Wollaston-người đã được công nhận nhờ phát hiện ra palladium không lâu trước đó.
Palladium là kim loại có bề ngoài màu bạc, dễ uốn và tương đối mềm, có nhiều điểm tương đồng với bạch kim. Trong khi kiểm tra chiết xuất khoáng chất bạch kim, nhà khoa học Wollaston đã quan sát thấy sự hiện diện của một kim loại màu trắng bạc không tương ứng với các kim loại được liệt kê vào thời điểm đó.
Kim loại mới này được Wollaston đặt tên là "rhodium", liên quan đến thuật ngữ rhodon trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là "hoa hồng".
Với độ cứng tổng thể và điểm nóng chảy cao 1.964 độ C, rhodium thuộc nhóm bạch kim cùng với các kim loại bạch kim, palladium, osmium, iridium, và ruthenium. Khả năng chịu được nhiệt độ nước và không khí lên tới 600 độ C, đồng thời không tan trong đa số axit. Nhờ tính chất hóa học đặc biệt này, rhodium không bị ăn mòn và oxy hóa cũng như ít bị mờ và trầy xước.
Công dụng chính của kim loại này là sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác (có thể gọi là bộ xử lý khí thải) - một bộ phận của hệ thống khí thải của xe ô tô để giảm lượng khí thải độc hại và các chất ô nhiễm ra môi trường.
Ngoài ra, rhodium còn được sử dụng để mạ các món trang sức. Các loại chất liệu kim loại quý khác như vàng trắng và các loại bạc quý khi được thợ kim hoàn mạ rhodium đều sáng và bền hơn. Phương pháp trên đã được giới kim hoàn sử dụng phổ biến từ những năm 1930.
Trong công nghiệp điện tử, rhodium được sử dụng trong sản xuất các tiếp điểm điện nhờ tính dẫn điện và chống ăn mòn cao. Cuối cùng, rhodium còn được sử dụng làm chất xúc tác trong nhiều phản ứng hóa học khác nhau trong công nghiệp.
Rhodium được tìm thấy với số lượng cực kỳ hạn chế trong lớp vỏ trái đất. Nam Phi đang là nước dẫn đầu thế giới về khai thác rhodium, tiếp theo là các nước như Nga, Canada và Mỹ. Tuy nhiên, sản lượng ở các nước này vẫn thấp hơn đáng kể so với Nam Phi.
Rhodium giao dịch chủ yếu trên thị trường kim loại quý quốc tế. Người mua có thể mua rhodium dưới dạng thỏi hoặc đồng xu từ một số nhà môi giới chuyên về kim loại quý.
Tuy nhiên, do giá trị cao nên việc mua rhodium thường được thực hiện với số lượng nhỏ. Bên cạnh đó, rhodium không sẵn có để mua như các kim loại quý khác như vàng hoặc bạc.
Ngoài ra, rhodium còn được bán trên thị trường với giá dao động tùy theo cung-cầu. Ngành công nghiệp ô tô là khách hàng chính mua rhodium để sử dụng trong bộ chuyển đổi xúc tác.
Cuối cùng, một phần đáng kể rhodium được bán thông qua tái chế. Bộ chuyển đổi xúc tác đã qua sử dụng là nguồn cung cấp kim loại quý này.
Rhodium hiện là một trong những kim loại đắt nhất thế giới. Vào tháng 11/2023, giá rhodium dao động từ 280.000 euro (hơn 7 tỷ đồng) đến gần 800.000 euro/kg (hơn 21 tỷ đồng/kg) tùy theo nguồn bán.
Minh Hoa (t/h)