Cũng như Phan Xích Long, Đoàn Văn Cự cùng một số nghĩa sỹ đã phải bỏ mạng trước họng súng của kẻ thù. Bởi binh khí thô sơ không đọ lại với các loại vũ khí tối tân của quân Pháp. Song ông cùng các nghĩa sỹ đã hy sinh một cách anh dũng, để lại tiếng thơm cho muôn đời sau. Gương của Đoàn Văn Cự cũng là một sự phản chiếu rõ nét cho những hội kín yêu nước vào những năm đầu của thế XX trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nam kỳ.
Thầy lang lập Thiên Địa hội
Cùng với Nam kỳ lục tỉnh, tại Biên Hòa phong trào chống thực dân Pháp cũng diễn ra mạnh mẽ. Tuy có những lúc diễn ra âm thầm nhưng lại nung nấu những ý chí lớn lao. Ông Nguyễn Quang Toại, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho biết, có thời điểm các phong trào chống thực dân Pháp hoạt động bí mật theo các hội kín tôn giáo. Điển hình trong số đó là hội kín Thiên Địa hội của Đoàn Văn Cự.
Đoàn Văn Cự sinh năm 1835, người Bình An, Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay là TP.HCM) trong một gia đình nhà nho khá giả. Thời nhỏ, Đoàn Văn Cự là người thông minh, học giỏi. Lớn lên, Đoàn Văn Cự thấm nhuần tư tưởng của những nhà yêu nước và cụ thân sinh ra ông, là người có tinh thần chống thực dân, đã có nhiều hoạt động phản kháng và bị thực dân theo dõi. Vì thế, khi lập gia đình, ông đưa vợ con đến sinh sống tại rừng chồi Bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu, tỉnh Biên Hòa (nay là phường Tam Hòa, TP. Biên Hòa), nơi có ít tai mắt của bọn thực dân.
Tại Bưng Kiệu, Đoàn Văn Cự mở các lớp dạy học và làm nghề bốc thuốc gia truyền, kiêm luôn xem bói tướng cho người dân. Hàng ngày, ông ăn mặc giống như một người tu hành, sống hiền hòa, lương thiện và được nhiều người trong vùng kính nể. Dưới vỏ bọc này, Đoàn Văn Cự đã tạo được uy tín đối với cộng đồng người tại Bưng Kiệu. Từ đây, ông bắt đầu gây dựng Thiên Địa hội, chống thực dân Pháp. Lúc này, Đoàn Văn Cự đã bước sang tuổi 67. Vào thời điểm ấy, hưởng ứng các bang hội khác, nhiều cuộc nổi dậy kháng Pháp đã diễn ra. Điển hình như Trương Công Định chiêu mộ quân sỹ và lập căn cứ tại Gò Công (Tiền Giang) hay vụ Nguyễn Trung Trực đốt cháy tàu quân Pháp trên dòng sông Vàm Nhật Tảo huyền thoại. Cùng với đó là hàng loạt các cuộc nổi dậy dưới "mác" Thiên Địa hội hay hội kín.
Lăng mộ Đoàn Văn Cự hiện nay
Hiểu rõ mục đích và lời kêu gọi kháng thực dân Pháp của Đoàn Văn Cự, đông đảo người dân trong vùng hưởng ứng nhiệt tình nhất là lớp thanh niên, trai tráng. Cứ thế, thời gian trôi qua, lực lượng Thiên Địa hội của Đoàn Văn Cự ngày một mạnh và đông lên. Họ được ông chỉ giáo về nghĩa khí giang hồ, về lòng yêu nước và nhiệm vụ phải làm là đuổi thực dân Pháp đem lại ấm no, hạnh phúc cho muôn dân. Ông Toại cho biết, trong khoảng 3 năm, từ 1902 - 1905, lực lượng Thiên Địa hội đã rất đông, khắp nơi đều có tín đồ, thành viên. Họ giao tiếp và nhận diện nhau thông qua những ám hiệu, ám khí. Đoàn Văn Cự có quy định chặt chẽ trong liên lạc, thông tin. Điển hình như bài thơ: "Dù mang bên Tả, Đảng viên/Đi việc cơ mật nói riêng chủ nhà/Dù mang cái móc trở ra/Bàn sơ chút việc ghé qua đi liền/Dù mang cái móc trở vô/Phải lo cơm nước với đồ nghỉ ngơi".
Thời ấy, từ Bình Đa, chợ Chiếu ở Hiệp Hòa đến tận khu vực núi Nứa của Bà Rịa là cả một vùng rộng lớn đều có tay chân của Thiên Địa hội. Trong Thiên Địa hội của Đoàn Văn Cự có rất nhiều anh hùng hảo hán hay những tay giang hồ cự phách, những tên trộm cướp khét tiếng thời ấy đã được ông thu nạp và giáo huấn, trở thành những dũng tướng trong bang hội. Hiểu rõ được mục đích của Thiên Địa hội, họ hết sức phò tá Đoàn Văn Cự và quyết tâm đuổi thực dân Pháp giành tự do.
Cuộc mai phục bất thành
Quy tụ được đông đảo anh hùng hảo hán khắp nơi cùng sự ủng hộ của bà con nhân dân, Đoàn Văn Cự cùng các thành viên trong bang hội tích cực chuẩn bị mọi mặt để làm chuyện lớn. Việc đầu tiên được Thiên Địa hội chú ý chính là lương thực và vũ khí. Để có lương thực, ông ra sức kêu gọi nhân dân đóng góp và tích trữ tiền bạc mua lương thảo. Về phần binh khí, ngoài việc tìm mua thì ông cũng cho xây dựng lò rèn làm gươm, giáo, mác. Mặt khác, Đoàn Văn Cự còn cho anh em trong bang hội tập luyện võ nghệ, thao dượt binh pháp.
Cứ thế, các hoạt động của Thiên Địa hội nhất loạt theo kế hoạch của bang chủ Đoàn Văn Cự. Lực lượng này ngày càng quy củ và lớn mạnh cả số lượng cùng sự gan lỳ, dũng mãnh và biết tác chiến. Từ chỗ hội kín, Thiên Địa hội của Đoàn Văn Cự dần dần ra hoạt động công khai tại cánh rừng Bưng Kiệu. Cũng chính từ đây, thực dân Pháp đã cho mật thám theo dõi và chúng dần biết được Thiên Địa hội của ông. Sau khi cho theo dõi, thực dân Pháp tại Biên Hòa đã biết được mục đích thực sự của Thiên Địa hội do bang chủ Đoàn Văn Cự cầm đầu. Bọn thực dân quyết tâm dẹp băng đảng này từ trong trứng nước, và một kế hoạch tiêu diệt bất ngờ đã được vạch ra.
Theo tin báo, bọn thực dân Pháp tại Biên Hòa sẽ cử một viên sỹ quan chỉ huy tiểu đội lính Mã Tà (lính cảnh sát) trang bị đầy đủ vũ khí hiện đại vào thời ấy, đến bao vây căn cứ của Thiên Địa hội tại rừng Bưng Kiệu. Đó là ngày mồng 8/4 (âm lịch) năm 1905. Nhận được tin báo, bang chủ Đoàn Văn Cự cho triệu tập các thành viên trong bang hội sẵn sàng nghênh chiến. Bang chủ lệnh cho Hoàng Giáp, Hoàng Mè, những anh hùng hảo hán bày binh, bố trận tại khu vực cánh rừng Bưng Kiệu sẵn sàng nghinh địch. Tuy nhiên, anh em trong bang hội mật phục từ sáng tới chiều tối cũng không thấy tiểu đội Mã Tà xuất đầu lộ diện.
Bố trí mai phục cả một ngày trời không thấy địch xuất hiện, lệnh từ bang chủ được phát đi cho anh em về ăn cơm, vì cả ngày phải mai phục chưa ăn uống gì. Thêm vào đó, Đoàn Văn Cự nghĩ rằng, bọn địch đã hoãn kế hoạch tiến vào Bưng Kiệu. Tuy nhiên, khi các vị trí vừa rút xong thì bất ngờ quân Pháp kéo tới rầm rộ, bao vây cả cánh rừng Bưng Kiệu, thôn Vĩnh Cửu. Dưới sự chỉ huy của một tên đại úy, chúng cho mai phục khắp nơi trong thôn, bao vây hoàn toàn căn cứ của Thiên Địa hội. Thậm chí, chúng còn mai phục trên diện rộng, từ bờ suối Linh đến suối cầu Khỉ. Khi siết chặt vòng vây, sẵn sàng cho cuộc tiêu diệt Thiên Địa hội, tên đại úy cùng thông ngôn và hai tên vệ sỹ tiến tới nhà Đoàn Văn Cự.
Biết trước được chuyện chẳng lành, Đoàn Văn Cự trong trang phục chỉnh tề ra nghênh đón. Khi tới trước cửa nhà, bọn chúng thấy ông đứng uy nghi, oai phong với đầu chít khăn, mình lại thắt dây đai màu hồng, có dắt đoản đao đầu hổ. Lúc này, tuy đã ngoài 70 nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện, oai vệ. Đoàn Văn Cự đứng ngay bàn thờ tổ, thấy 4 tên xông vào nhà, không nói lời nào, Đoàn Văn Cự rút đoản đao lao tới chém liền mấy nhát vào tên đại úy. Tuy nhiên, hắn lanh lẹ tránh kịp lưỡi đao chí mạng của cụ nhưng cũng bị đứt vành tai và cánh tay trái bị thương. Thoát chết, lấy lại được thế, hắn rút súng và bắn một loạt đạn, cụ Đoàn Văn Cự đứng được một lúc thì ngã xuống.
Khi cụ Đoàn Văn Cự ngã xuống, chúng bắt đầu cho lính xả súng xối xả vào nhà cụ cũng như những ngôi nhà lân cận, đốt phá kho lương thực. Người ta nghe kể lại, lúc ấy súng nổ vang trời, lửa cháy ngùn ngụt, sáng cả một vùng trời vào đêm 8/4. Chúng cho lính đứng giám sát việc tiêu diệt sào huyệt Thiên Địa hội, mặc dù lửa đã cháy rừng rực. Đến tận khuya hôm đó, chúng lại cho một toán lính khác đến thay thế và giám sát, kiên quyết không cho một thành viên nào của Thiên Địa hội có cơ may sống sót. Tuy nhiên, do thông thạo địa hình, lại được cụ Đoàn Văn Cự tính toán đường lui từ trước nên đã có rất nhiều người trốn thoát khỏi họng súng và lửa cháy của kẻ thù. Dù vậy, ngoài cụ Đoàn bị bắn chết cũng có thêm 16 người khác phải bỏ mạng trong đám cháy.
Khi đã chắc chắn tiêu diệt được bang chủ và đồng đảng Thiên Địa hội, quân Pháp mới bắt dân làng khiêng xác cụ Đoàn và 16 đồng đảng đi chôn tại một ngôi mộ tập thể gần đó. Cụ Đoàn ngã xuống như một dũng tướng, khiến người dân vùng Vĩnh Cửu hết sức thương tiếc và đau buồn. Còn anh em nghĩa sỹ cũng mỗi người tứ tán mỗi phương và tiếp tục nuôi lý tưởng kháng thực dân Pháp.
Mộ và đền thờ tại Biên Hòa Ông Toại cho biết, hiện nay, di tích mộ và đền thờ Đoàn Văn Cự ở hai địa điểm: Phần mộ thuộc phường Long Bình, bên phải quốc lộ 1, cách vòng xoay Tam Hiệp chưa đầy 1km. Đó là nơi an táng Đoàn Văn Cự, thủ lĩnh hội kín Thiên Địa hội ở Biên Hòa và 16 nghĩa binh tử vong trong trận tấn công của quân Pháp vào Bưng Kiệu năm 1905. Còn phần di tích đền tọa lạc ở đường Phạm Văn Thuận, phường Tam Hiệp. Ngôi đình cũng được xây cất từ năm 1956 làm chỗ tôn thờ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, cách phần mộ khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Hàng năm, vào ngày 8/4 âm lịch, nhân dân nơi đây tụ tập về đền để thiết lễ giỗ cụ Đoàn Văn Cự và nghĩa binh của ông. |
Trung Nghĩa