Nét mặt niềm nở, vui tính, “Rớt lùn”, biệt danh của cựu VĐV Nguyễn Viết Rớt, cái tên đã làm ngất ngây bao thế hệ người hâm mộ bóng đá Việt Nam.
Ở tuổi 74 nhưng ông Rớt vẫn khỏe mạnh, dẻo dai như thời thanh niên
Thủ môn hành nghề… xe ôm
Ông chia sẻ về cuộc đời sân cỏ của mình sau hơn 20 năm giã từ sân cỏ: "Nhờ đam mê và thường xuyên chơi đá bóng từ nhỏ nên khi bị bắt đi quân dịch thời chế độ cũ, người ta đã chuyển tôi sang đội tuyển Huế khi tôi tròn 19 tuổi", cựu VĐV Nguyễn Viết Rớt kể .
Sau ngày đất nước giải phóng, Nguyễn Viết Rớt trở thành cái tên đứng đầu trong danh sách thành lập đội bóng Bình Trị Thiên (cũ). Với ông, tình yêu bóng đá là duy nhất. "Đất nước thống nhất, được các anh chị trong ban thể thao mời tham gia đội bóng, tôi nhận lời ngay, miễn sao được cống hiến cho đồng bào", cựu thủ thành Nguyễn Viết Rớt tâm sự. 74 tuổi đời với 25 năm theo nghiệp bóng đá, ông Rớt đã từng tham dự vài trăm trận bóng.
Ông Rớt kể lại, "Thời đó, tiền đá bóng không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên bạn bè mua tặng tôi chiếc xe đạp này để cải thiện đời sống". Chiếc xe đạp thồ vừa có tác dụng rèn luyện sức khỏe đồng thời có thêm thu nhập giúp đỡ vợ con.
Thủ môn Rớt vào thời kỳ sung sức nhất
"Có hôm đang trên đường sang sân vận động thi đấu, có một vị khách năn nỉ tôi chở lên ga tàu cho kịp chuyến, lúc đó đồng hồ đã chỉ 15h15', chỉ 15' nữa là trận đấu diễn ra. Sau vài giây đắn đo tôi nhận lời chở người khách. Khi về đến cổng chỉ kịp dúi chiếc xe vào góc tường rồi lao nhanh ra sân. Khán giả hô vang "Thủ môn Rớt, thủ môn Rớt".
Lí giải cho thói quen luôn đạp xe trước mỗi trận đấu, ông hài hước: "Đạp xe giúp chân cẳng dẻo và mạnh lên mới có thể bật cao bắt bóng được, chứ tôi lùn thế này làm sao bắt bóng bổng giỏi", người đàn ông cao 1m59 cắt nghĩa cho biệt danh “Rớt lùn” của mình.
"Bật mí" bí quyết
“Bật mí” về bí quyết tập luyện của bản thân, "Rớt lùn" mỉm cười: "Ngày trước tôi tập luyện nhiều lắm, tập chống đẩy bằng ngón tay, nhảy dây, đề tăng (nhảy cao) hàng trăm cái mỗi ngày. Thời gian rảnh rỗi thì đi đạp xe thồ".
Thủ môn Rớt (ngồi giữa hàng đầu) trong màu áo tuyển Huế năm 1977
"Làm thủ thành cần nhất là sự sáng suốt, tỉnh táo bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng đến tâm lí thi đấu của cả đội. Hàng hậu vệ để lọt bóng người ta có trách cũng chỉ dăm ba bữa chứ thủ môn để lọt lưới khiến họ nhớ cả đời".
Ông cũng cho hay sở dĩ mình có thể thi đấu xuất sắc trong tất cả các trận đấu chính nhờ vào sự kì vọng, tin tưởng của khán giả. Trên sân cỏ, ông luôn tự nhủ rằng không được để khán giả thất vọng và phải thi đấu hết mình. Nhờ đó mà cái tên Nguyễn Viết Rớt trở nên quen thuộc với bóng đá miền Trung, bóng đá Việt Nam.
Trò chuyện với chúng tôi, ông không ngừng liếc đồng hồ. "16h chiều nay có khách quen nhờ chở sang bến xe phía nam", ông Rớt giải thích. Thỉnh thoảng gương mặt vị thủ môn lừng danh một thời lại đượm buồn: "Con cái đều có gia đình cả rồi, ngày ngày tôi chạy được chuyến nào hay chuyến đó. Bà nhà tôi năm nay cũng 70 rồi nhưng ngày nào cũng đi giúp việc cho người ta, tối lại về lo cơm nước".
Hiện gia đình ông Rớt thuộc diện hộ nghèo của phường Tây Lộc, bạn bè gần xa đến thăm ngỏ ý muốn góp tiền giúp ông bà sửa sang căn nhà mái tôn đã dột nát nhiều nơi nhưng ông từ chối.
Câu chuyện giữa chúng tôi bị đứt quãng bởi tiếng gọi xe của một thanh niên. Vội vàng khoác lên người lớp áo mưa, ông Rớt tất tả băng ra ngoài trời giữa cơn mưa xứ Huế.
Mai Long