“Thu mua nông sản kiêm cho vay nóng” bủa vây dân nghèo phố núi

“Thu mua nông sản kiêm cho vay nóng” bủa vây dân nghèo phố núi

Hồ Hải Nam

Hồ Hải Nam

Thứ 6, 24/11/2017 19:19

Cuộc sống quá khó khăn, nhiều nông dân nghèo đành “bấm bụng” vay nóng của các đại lý thu mua nông sản. Hậu quả, lãi mẹ đẻ lãi con, chủ thu mua được đà ép giá khiến đời sống người dân càng khốn khổ.

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai có nhiều trường hợp người dân "đã nghèo còn gặp eo" phải bấm bụng vay tiền nóng.

Nắm bắt được tâm lý trên, nhiều thương lái vào tận thôn bản vùng sâu, vùng xa mở các đại lý bán tạp hóa, thu mua nông sản kiêm cho vay nóng. Đến mùa vụ nông sản, chủ các đại lý cấn nợ bằng cách đến tận rẫy người dân để thu mua nông sản với giá thấp.

Đã có nhiều trường hợp người dân vừa thu hoạch xong lại lâm cảnh "trắng tay" vì bị siết nợ. Với vòng luẩn quẩn "ăn trước trả sau", đời sống của dân nghèo càng thêm cơ cực.

Chia sẻ với PV, chị Nay Chuôn (ngụ thôn Mlat, xã Chư Mố) ngậm ngùi: “Nhà mình phải chia nhau ra đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền trả lãi cho người ta".

"Hiện nhà mình còn khoản tiền vay của chủ đại lý nông sản là 60 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng. Khi vay chỉ nói bằng miệng, không tài sản thế chấp nhưng cuối mùa vụ phải bán mì cho chủ vay. Do mình vay nợ trước nên khi họ vào rẫy thu mua mì của mình, họ lấy với giá thấp hơn các chỗ khác từ 500 đồng đến 700 đồng/kg", chị Chuôn nói.

Xã hội - “Thu mua nông sản kiêm cho vay nóng” bủa vây dân nghèo phố núi

Chị Nay Chuôn lao đao với khoản nợ 60 triệu đồng không biết khi nào mới trả được.

"Cứ thu hoạch xong là nhà mình cấn nợ cho họ hết. Sau đó, thiếu tiền thì lại chạy ra họ vay để chi tiêu, ăn uống. Không biết, đến khi nào mình mới trả được hết nợ" chị Chuôn cho biết thêm.

Tương tự, gia đình bà Y Moe (ngụ thôn Mlat, xã Chư Mố) cũng vay của đại lý thu mua mì trên địa bàn số tiền 40 triệu đồng vào năm 2012 với lãi suất 3%/ tháng. Đến nay, nợ gốc và lãi đã hơn 43 triệu đồng. 

"Vay ở đại lý dù lãi cao nhưng được cái nhanh. Nhà có 2ha mì, năm nào thu hoạch cũng phải bán để trả lãi cho chủ nhưng vẫn chẳng đủ. Giá mì ngoài thị trường 3.500đ/kg, chủ nợ chỉ mua với giá 2.700đ/kg. Mình rất bức xúc vì bị ép giá nhưng cũng phải bán vì nếu không bán họ sẽ đòi tiền gốc”,  bà Y Moen nói.

Xã hội - “Thu mua nông sản kiêm cho vay nóng” bủa vây dân nghèo phố núi (Hình 2).

Bà Y Moen chia sẻ với PV. 

Theo thống kê của UBND xã Chư Mố, trên địa bàn xã có 370 hộ dân tham gia vay lãi suất cao bên ngoài với số tiền vay cả gốc và lãi là hơn 6 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện, có thời điểm ngành chức năng xác định có 672 hộ dân (504 hộ thuộc diện nghèo và 168 hộ cận nghèo) "vay tín dụng đen" với tổng tiền nợ gốc và lãi lên đến hơn 70 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Tư, Chánh văn phòng UBND huyện Ia Pa cho biết, huyện đang cho rà soát lại vì nhận thấy số liệu thống kê cũ “chưa được tin cậy”.

"UBND huyện giao phòng TN-MT, chi nhánh văn phòng Đăng ký đất đai huyện, UBND các xã rà soát lại diện tích đất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, tuyệt đối không cho phép ký xác nhận các trường hợp sang nhượng, mua bán đất theo diện cấn nợ, trừ nợ", ông Tư cho biết thêm.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.