ĐBQH lo ngại tính bền vững của nguồn thu ngân sách
Công tác thu ngân sách, cơ cấu nguồn thu, nguồn thu có bền vững không… là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chọn để chia sẻ tại các phiên thảo luận của kỳ họp 11 Quốc hội khóa XIV.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự lạc quan vì nền kinh tế Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã có một số thành tự quan trọng, kéo theo những chuyển biến tích cực về nguồn thu ngân sách.
Đóng góp vào báo cáo nhiệm kỳ của Chính phủ trong phiên thảo luận hội trường sáng 29/3, đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân, Ủy viên ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, đoàn Hà Nội) nhận định: Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là một nhiệm kỳ rất thành công trên tất cả các phương diện.
Tăng trưởng GDP thuộc nhóm 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới, quy mô nền kinh tế vượt qua Singapore, Malaysia để vươn lên đứng thứ 4 trong khu vực và nằm trong Top của 40 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, nợ công giảm sâu gần 10 điểm, từ sát kịch trần, xuống 55,3% GDP, cán cân thương mại nhập siêu chuyển sang xuất siêu đến gần 20 tỷ USD và nâng mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD…
“Đây là điều kiện thuận lợi rất tốt cho những nhiệm kỳ tới, có dư địa để tăng nguồn lực đầu tư bằng nguồn vốn vay; sử dụng kết hợp các chính sách tài khóa và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng, trên quan điểm tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, ông nói.
ĐBQH Ngô Trung Thành (đoàn Đắk Lắk) đánh giá: Kết thúc nhiệm kỳ nhìn lại, thế và lực của đất nước ta đã hơn so với 5 năm trước rất nhiều; quy mô nền kinh tế từ chỗ xếp thứ 48 đã tăng 11 bậc, lên 37 thế giới; chúng ta đã nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới…
Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến lo ngại về tính bền vững của nguồn thu ngân sách hiện nay.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề: Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách còn hạn chế trong khi nhiều dự án phải sử dụng 100% vốn từ ngân sách.
“Trong nhiệm kỳ qua có rất nhiều dự án đã phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang 100% vốn Nhà nước, đó là hàng loạt các dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển và nhiều dự án BOT ở một số địa phương... Hiện nay, tỉ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6% thấp hơn nhiều nước trên thế giới...”, bà Mai nói.
Ngoài ra, bà Mai cho hay, luật Đầu tư công vừa sửa đổi năm 2019 đã giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương trong quyết định những dự án chi tiết để đưa vào danh mục đầu tư, từ đó không ít địa phương đã đưa vào danh mục nhiều dự án chưa đúng tiêu chí, bổ sung hàng loạt dự án mới… trong khi ngân sách có hạn.
“Hiện nay, tổng số vốn đề xuất là 3,8 triệu tỷ đồng, trong khi đó, nguồn lực dự kiến đầu tư từ phía Nhà nước chỉ có 2,750 triệu tỷ, như vậy vượt lên 1,050 triệu tỷ và chúng ta cũng chưa biết là sẽ lấy từ đâu? Trong đó có tới 1.200 dự án mới trong tổng số 4.000 dự án chỉ tính riêng năm 2021. Điều này đã tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác”, vị ĐBQH hiện là Ủy viên thường trực của ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nêu số liệu.
Nguồn thu từ đất: Bao nhiêu là bền vững?
Tiếp tục cho ý kiến vào các báo cáo nhiệm kỳ của Quốc hội và Chính phủ, tại phiên thảo luận hội trường chiều 29/3, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, đoàn Thái Bình) bày tỏ lo ngại về chính sách tài khóa và thu ngân sách.
Ông Lộc nói: “Thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên nên thiếu tính bền vững. Trong chi ngân sách thì tỉ lệ chi thường xuyên còn lớn vì bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải. Cơ chế huy động sức dân và đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc”.
Trước đó, thảo luận tại tổ vào chiều 25/3, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Phó chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội, đoàn Đăk Nông) cũng nhận định: Thu ngân sách địa phương năm qua tăng 9% chủ yếu từ nguồn thu sử dụng đất.
“Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị đã nêu vấn đề mở rộng nguồn thu và đảm bảo tính trung lập của thuế. Trong nhiệm kỳ vừa qua, việc mở rộng cơ sở biểu thuế chúng ta không làm được, thu ngân sách địa phương tăng chủ yếu từ tiền sử dụng đất, như vậy là không bền vững, Chính phủ nhiệm kỳ tới cần có giải pháp cho vấn đề này”, ông Giang nêu quan điểm.
Để làm rõ vấn đề trên, chiều 29/3, bên hành lang Quốc hội, PV Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi ngắn với ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội).
Ông Cường cho hay, trong cơ cấu thu ngân sách có phần thu liên quan đến thuế từ khu vực sản xuất, nguồn thu từ tài nguyên, nguồn thu từ cân đối xuất nhập khẩu. Trong cơ cấu nguồn thu từ ngân sách trong những năm vừa qua, chúng ta thấy sự thay đổi rất rõ. Tỉ trọng thu về xuất nhập khẩu đã giảm xuống, thu từ nội địa tăng lên. Điều đó cho thấy, những yếu tố bền vững phụ thuộc vào quan hệ quốc tế đã được khắc phục.
Thứ hai là thu về tài nguyên, như khoáng sản, trước đây ta biết tỉ lệ rất cao thì nay xuống còn 5%, như vậy chứng tỏ chúng ta không quá phụ thuộc vào nguồn khai thác tài nguyên sẵn có mà phải dựa vào nguồn sản xuất kinh doanh.
Trong thu nội địa thì còn một phần nữa là thu từ đất đai. Đúng là trong những năm gần đây, ở một số địa phương vẫn dựa vào nguồn thu từ đất đai để tạo ra nguồn thu cho đầu tư phát triển hạ tầng.
ĐBQH Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân nói về vai trò của nguồn thu từ đất trong cơ cấu thu ngân sách.
Tuy nhiên tính bình quân thì ở các địa phương có nguồn thu cao thì tỉ trọng thu từ đất đai cũng không chiếm tỉ trọng quá lớn, khoảng dưới 10%. Nếu nguồn thu đó đến từ nguồn đấu giá đất, bán đất thì được coi là không bền vững.
“Định hướng chính sách đất đai của Chính phủ là sẽ hạn chế thu tiền đấu giá đất, tăng tiền thu từ thuê đất. Nếu chúng ta thu bằng thuê đất và thuế đất thì nguồn thu đó lại là bền vững. Tới đây tôi hi vọng luật Đất đai sửa đổi, luật Thuế sử dụng đất sẽ có điều chỉnh để hạn chế tối đa bán đất, giao đất và thu tiền một lần, chuyển sang thu tiền hàng năm. Kể cả việc thuê đất hiện nay thì cũng có thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm. Việc thuê đất trả tiền một lần cũng ảnh hưởng đến nguồn thu bền vững cho năm sau, cho nên phải hạn chế”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Thu chi ngân sách năm 2020
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2020 ước đạt 1.507,1 nghìn tỷ đồng, bằng 98% dự toán.Trong đó, thu ngân sách trung ương chiếm khoảng 90%, giảm khoảng 89 nghìn tỷ đồng so dự toán; thu ngân sách địa phương đạt 108,6%, vượt 56,8 nghìn tỷ đồng so dự toán.
Trong cơ cấu thu NSNN năm 2020, tỉ trọng thu nội địa là 85,5% (kế hoạch là 84-85%), tăng so với con số 68% bình quân giai đoạn 2011 - 2015; tỉ trọng thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu là 14,2% (giảm so với tỉ lệ 30% bình quân giai đoạn 2011).
Chi ngân sách năm 2020 ước khoảng 1.781,4 nghìn tỷ đồng.
Số liệu bộ Tài chính công bố tại hội nghị tổng kết ngày 8/01/2021