Chưa kịp tận hưởng niềm hân hoan khi tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất nhiều năm qua (6,81%), nhiều người đã vội vàng lo lắng về con số thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 2.400 USD/người/năm. Theo tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người ước 53,5 triệu đồng/năm (tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016).
Từ cuối năm 2016, tập đoàn Tư vấn Boston của Mỹ đã dự báo rằng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 1.400 USD 2 năm trước đó lên 3.400 USD đến năm 2020. Rõ ràng, chúng ta đang trên đà đi đến cái ngưỡng “mơ ước”.
Những nhà lãnh đạo đã kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước và đang nỗ lực để đưa đất nước phát triển bằng những hành động thiết thực. Để Việt Nam có thể trở thành “con hổ lớn” như người đứng đầu Chính phủ từng kỳ vọng thì chắc chắn không thể để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Sao phải chưa vội mừng vì những gì đã đạt được. Chẳng phải người Việt Nam rất giỏi trên trường quốc tế đó sao: Một quốc gia thuộc hàng hạnh phúc nhất thế giới, xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới. Việt Nam cũng được các chuyên gia thế giới nhận định là nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, ngang với Hồng Kông, Trung Quốc và Hàn Quốc...
Khi có sự đồng lòng, với những quyết tâm lớn, khí thế mới, hội nhập trong sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì chắc chắn, những tư tưởng ru ngủ, ngủ quên trên chiến thắng sẽ không còn.
Cả bộ máy cùng chuyển động thì những kỳ vọng không phải quá xa xỉ. Nhưng hơn hết và quan trọng nhất, cán bộ từ Trung ương đến địa phương – nơi người dân gửi gắm niềm tin, phải đồng tâm cùng chính quyền làm đúng, giữ chữ tâm trong điều hành, chỉ đạo công việc để huy động nội lực phát triển đất nước.
Phong Thu
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.