Vỏ sò tai tượng chết giá 20 triệu đồng
Mới đây, chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã tạm giữ hơn 21 tấn vỏ sò tai tượng và lập biên bản xử lý.
Đây là lần đầu tiên cơ quan chức năng bắt giữ số lượng sò tai tượng vận chuyển trái phép lớn như vậy.
Được biết, sò tai tượng là loài thủy sinh quý hiếm, nằm trong danh mục Sách đỏ Việt Nam - danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Sở dĩ người dân đua nhau khai thác sò tai tượng trái phép, bởi giá thành loại sinh vật này rất cao. Tùy theo kích cỡ sò to hay nhỏ, mỗi con có giá dao động từ 10 – 50 triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV, loại sò này là mặt hàng được thị trường đặc biệt săn lùng để làm đồ gia công, mỹ nghệ, làm đẹp... Nhu cầu tiêu thụ quá lớn, lợi nhuận khổng lồ, nhiều ngư dân bỏ nghề đánh cá để chuyển sang đánh bắt sò tai tượng.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Ngọc Tuấn, một ngư dân tại tỉnh Bình Thuận cho biết: “Người dân quê tôi đổ xô đi mò sò tai tượng. Bắt được một chuyến sò bằng đánh cá cả năm. Vì thế, bà con rất háo hức. Những năm trước, sò tai tượng còn nhiều, người dân được tự do đánh bắt. Nay, loại này đã hiếm dần, cơ quan chức năng cũng cấm nên việc đánh bắt chỉ thực hiện lén lút mà thôi”.
Cũng theo anh Tuấn, giá trị của sò tai tượng không phải ở thịt mà là vỏ của nó. Do vậy, không chỉ sò sống mà ngay cả sò chết cũng rất đắt giá.
“Dạo trước, tôi đi đánh bắt sò tai tượng nhưng loại này rất khan hiếm. Chúng tôi chỉ có thể lặn, mò bắt sò đã chết nằm sâu dưới rạn san hô. Ấy vậy mà, số sò này tôi cũng bán được 20 triệu đồng/con.
Để tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt, nhiều người khi mò không được sò tai tượng chết sẽ bắt sò tai tượng sống. Sau đó, họ móc bỏ ruột sò rồi chở vỏ về. Mỗi đợt đánh bắt sò thành công, chủ tàu kiếm được vài tỷ đồng, còn nhân viên thu nhập vài trăm triệu đồng…”, anh Tuấn cho biết.
Cấm buôn bán, vận chuyển dưới mọi hình thức
Vỏ sò tai tượng đắt giá như vậy là do có nhiều thương lái Trung Quốc qua thu mua ồ ạt. Trao đổi với PV, ông N.V.S., chủ cơ sở kinh doanh mỹ nghệ tại TP.HCM cho biết: “Những đồ mỹ nghệ chế tác từ vỏ sò quý hiếm có giá trị cao hơn sản phẩm bình thường. Chúng tôi từng được một số đối tác chào mời hợp tác sản xuất mỹ nghệ từ vỏ sò tai tượng. Thế nhưng, nắm rõ quy định pháp luật, chúng tôi không dám nhập hàng”.
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cho biết: “Hiện nay, động vật hoang dã, thủy sản quý hiếm đã được Nhà nước cấm vận chuyển, buôn bán trái phép dưới mọi hình thức, trong đó có sò tai tượng. Nếu khai thác, vận chuyển, kinh doanh, buôn bán trái phép sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Để bảo vệ môi trường sống, người dân cần phải có ý thức cao hơn. Nếu phát hiện những sai phạm liên quan cần báo cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm. Theo tôi biết, những động vật, thủy sản quý hiếm đang ngày càng cạn kiệt, chúng ta cần phải bảo vệ”.
Luật sư Nguyễn Văn Hiếu, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Tại Ðiều 190 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã quý hiếm bị cấm theo quy định của Chính phủ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép sản phẩm của loại động vật đó, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng; cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc trong thời gian bị cấm; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị phạt từ 2 năm đến 7 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 20 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".
Dương Hạnh - Lành Nguyễn