Người miền Tây dễ tính, sống gần gũi với thiên nhiên nên dường như mọi đặc sản của họ đều gắn liền với ruộng đồng, sông nước. Chẳng cần phải là cao lương mĩ vị gì xa xôi, món ăn ở đây xuất phát từ những thức quà quen thuộc và mộc mạc như cá đồng, rau dại... Và trong đó, không thể không kể đến một cái tên nghe mỹ miều nhưng lại rất quen thuộc, "vũ nữ chân dài".
Nếu không biết mà lên google tra với cụm từ "vũ nữ chân dài", nhiều người sẽ bất ngờ vì kết quả cho ra lại không thấy hình ảnh của cô gái xinh đẹp nào mà thay vào đó là những con nhái phơi khô. Thực chất, "vũ nữ chân dài" là cách gọi mĩ miều của món khô nhái, mồi nhấm cực kỳ bắt vị được nhiều người ưa chuộng. Được biết, ở xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang có hẳn 1 xóm nghề chuyên làm khô nhái.
Theo tìm hiểu, khô nhái vốn có nguồn gốc từ nước láng giềng Campuchia, sau khi du nhập về nước ta thì có ít nhiều thay đổi để phù hợp với khẩu vị địa phương.
Những con nhái cơm nhỏ, thịt săn chắc được tẩm ướp, phơi khô cẩn thận. Chúng có vị cay ngọt mặn đậm đà, xen lẫn giữa những cung bậc đó là vị ngậy giòn, bùi bùi của nhái cơm tự nhiên. Chính hình dáng đặc biệt của nhái khi phơi khô kèm theo hương vị thơm ngon, đưa đẩy vị giác nên mới gọi là "vũ nữ chân dài".
Theo người dân địa phương, nhái thường được săn ở đồng ruộng vào ban đêm, đặc biệt vào mùa mưa, mật độ dân số của chúng lại càng đông hơn. Sau khi cắt bỏ đầu, lột da và rửa sạch, thịt nhái được ướp cùng các gia vị như muối, tiêu, ớt cho thật ngấm. Tiếp đến, nhái sẽ được "tắm nắng" để vừa ngấm đều hương vị, thịt vừa săn lại. Thường thì nhái sẽ phơi qua hai lần nắng mới đủ độ ngon.
Chia sẻ với báo Dân Việt, chị Nguyễn Bé Sáu (Tp. Long Xuyên, An Giang) cho biết, mỗi ngày nhà chị đi bắt và thu mua của bà con về chỉ làm được 4kg khô nhái nhưng khách đặt hàng lên đến cả tạ mỗi ngày. Vì vậy, gia đình chị không có hàng để giao cho khách.
Theo chị Sáu, nhái cơm (nhái đồng) là loài động vật hoang dã thường sống thành đàn và xuất hiện quanh năm trên đồng ruộng hoặc chân núi, nhiều nhất vào mùa mưa từ tháng 6-9 hàng năm. Khô nhái ngon phải được ướp với ớt, tiêu, muối và các gia vị khác cho thấm đều trước khi mang phơi. Trung bình cứ 4kg nhái tươi mới phơi được 1kg nhái khô thành phẩm.
Cũng bán đặc sản khô nhái tại Long Xuyên (An Giang), chị Nguyễn Thị Tuyền cho biết, trước đây, khô nhái chỉ là món ăn dân dã của những người miền sông nước. Dần dần, nhiều người yêu thích nên đặt mua về ăn hoặc biếu, khô nhái cũng có mặt nhiều hơn ở các nhà hàng, quán nhậu.
“Thông thường nhà tôi sẽ thu mua nhái của bà con đi bắt về rồi ướp và mang phơi dưới nắng khoảng 8-10 tiếng là có thể xuất xưởng. Nhái có thể để được từ 3-6 tháng, càng phơi khô càng để được lâu”, chị Tuyền chia sẻ.
Từ khô nhái có thể chế biến được nhiều món ngon nhưng đặc sắc trên bàn ăn phải kể đến khô nhái chiên hoặc khô nhái nướng trên than hồng.
Nguyên liệu để làm món khô nhái chiên giòn rất đơn giản, chỉ gồm khô nhái, dầu ăn và gia vị để pha mắm me. Cụ thể để thực hiện một đĩa “vũ nữ chân dài” bạn sẽ cần khoảng 100g khô nhái, dầu ăn, 30g me chua, tỏi ớt băm, đường, nước mắm và tương ớt.
Cho khô nhái vào dầu nóng, chiên với lửa nhỏ. Không nên chiên lửa to, khô nhái sẽ cháy nhanh và không còn hương vị thơm ngon của “vũ nữ chân dài” nữa. Chừng 8 phút là bạn có thể có món khô nhái chiên rồi! Nếu muốn mùi vị ngậy hơn thì bạn có thể cho bơ và tỏi băm vào đảo thêm khoảng 2 phút rồi tắt bếp.
Nước mắm me sánh ngon, có màu nâu cánh gián. Cho me vào ngâm cùng nước sôi trong bát, dầm me nát ra và lọc lấy nước cốt. Phi thơm tỏi, tỏi chuyển vàng thì vớt ra. Cho bát nước me vào chảo, thêm 3 thìa đường, 2 thìa nước mắm, 1 muỗng tương ớt, 2 muỗng nước lọc và đun trong khoảng 2 phút với lửa nhỏ. Nêm nếm lại cho vừa thì tắt bếp. Đổ mắm me ra bát, cho tỏi phi vàng và ớt băm, tỏi băm vào là được bát nước mắm me đặc trưng miền Tây.
Quả không sai dùng những mĩ từ để gọi tên cho khô nhái. Bởi món ăn luôn biết cách làm người ta thấy đã miệng với thú vui nhâm nhi, lai rai như thế. Đối với dân nhậu thì khỏi phải bàn về độ tốn mồi nhưng món ăn này vẫn tỏa sáng trong mâm cơm gia đình. Chỉ cần bới một tô cơm trắng nóng rồi thưởng thức món quà dân dã này cũng đủ tạo nên một bữa ăn ngon miệng.
Mặc dù là đặc sản của vùng biên giới Tịnh Biên, An Giang nhưng việc tìm mua khô nhái cũng không quá khó. Chỉ với vài phút là có món nhậu hao bia, tốn mồi cực kỳ.
Khô nhái nhỏ con ngon hơn khô nhái to con. Khô nhái khi mua chọn con thanh mảnh, kích thước đều nhau. Nhái cơm có mùi thơm tự nhiên, nếu nhái không ngon có mùi ngai ngái khó chịu.
Nhái thượng phẩm khô đều, màu sắc vàng óng ả chứ không bị thâm đen, ẩm mốc.
"Vũ nữ chân dài" khi chưa ăn đến thì bọc kín, cất trong ngăn mát tủ lạnh. Nếu để lâu cần mang ra phơi nắng trước khi chế biến.
Nhái cơm chỉ sống tự nhiên, không nuôi được nên đặc sản An Giang này có nhiều vào mùa mưa. Sản lượng nhái phụ thuộc vào tự nhiên và thời tiết nên không phải lúc nào cũng dồi dào. Từ tháng 6 trở đi, khô nhái tăng giá vì chất lượng lúc này là ngon nhất.
Trên thị trường, giá "vũ nữ chân dài" khoảng 500 đến 600 nghìn đồng/kg. Những loại khô nhái giá 200-300 nghìn đồng/kg có thể là hàng "nước 2, nước 3", chất lượng không ngon, thậm chí là hàng đã lâu, người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua.
Minh Hoa (t/h)