Có lý trên... lý thuyết
Đã 4 năm trời trôi qua, gia đình anh L.V.M (Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ còn biết giấu những giọt nước mắt vào trong khi nhìn cô con gái 16 tuổi suốt ngày thẩn thơ đưa ánh mắt vô hồn hướng ra cửa sổ. Cơ sự là năm cô bé 12 tuổi, trong một lần cùng chúng bạn đi chơi, bé đã bị một chiếc ô tô va vào, lăn xuống đường bất tỉnh. Sau hơn một năm nằm viện đầy tốn kém, kết cục gia đình nhận em về là một con người vô hồn, không cảm xúc với vết di chấn quá nặng ở đầu.
Quá nhiều loại luật khác nhau mà cuộc sống vẫn thiếu nhiều quy định...
Đáng nói, theo hồ sơ lưu lại từ công an, nơi hiện trường xảy ra vụ va chạm và lời các nhân chứng cho thấy, lỗi thuộc về chiếc ô tô 4 chỗ gây ra tai họa này. Thế nhưng, khi đã có trong tay biển kiểm soát của chiếc xe này thì việc tìm ra người đang sở hữu nó hiện tại lại cũng là một việc “mò kim đáy bể”. Bởi khi công an tìm được chủ đứng tên phương tiện này thì người này đã bán chiếc xe này cách đó 3 năm, lần theo các đầu mối thì “chú xế” này cũng đã qua tay không biết bao nhiêu đời chủ với thủ tục đơn giản chỉ là những tờ giấy viết tay.
Sự vụ trên là một trong những lý do khiến bộ Giao thông vận tải (GTVT) vào cuộc xây dựng dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt, trong đó đặc biệt quan tâm việc xử phạt đối với chủ phương tiện thực hiện hành vi vi phạm không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (còn gọi là xe không chính chủ).
Lý do thể hiện dự thảo được bộ GTVT giải thích rằng, hiện nay việc quy định trách nhiệm của cá nhân phải thực hiện nghĩa vụ làm thủ tục đăng ký lại phương tiện (chuyển quyền sở hữu phương tiện) khi phương tiện được mua, bán, cho, tặng, thừa kế là chưa rõ ràng, khó xác định đối tượng vi phạm.
Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 71/2012/NĐ-CP cho thấy, việc xác định đối tượng vi phạm hành vi nói trên để xử phạt là rất khó. Trong thời gian vừa qua, việc lực lượng chức năng của một số địa phương đã xác định vi phạm bằng cách dừng xe để kiểm tra đối với người đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường là chưa phù hợp. Điều này gây bức xúc và không nhận được sự đồng thuận của đại đa số nhân dân (vì người điều khiển phương tiện không phải là đối tượng bị xử phạt về hành vi vi phạm này), dẫn đến không khả thi khi thực hiện.
Quay trở lại với Thông tư 33/2012/TT-BNNPTNT được đề cập trên số báo trước, sở dĩ bộ NN&PTNT đưa ra Thông tư này vì tình trạng mất kiểm soát vấn đề thực phẩm trong nước hiện nay đang rơi vào tình trạng báo động, trong khi luật An toàn thực phẩm dù mới được ban hành từ năm 2010 nhưng vẫn chưa đáp ứng được với thực tiễn. Chính vì thế, trả lời báo giới trước khi rút lại Thông tư này, Thứ trưởng bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đã không ngần ngại thừa nhận: “Nhìn chung ý muốn của cục Thú y rất tốt, nhưng tính khả thi đúng là khó áp dụng. Thực tế, các cơ quan chức năng rất khó kiểm soát thời gian giết mổ và thời gian đưa sản phẩm thịt ra thị trường kinh doanh đã đủ 8 tiếng chưa để xử phạt. Thông tư cũng không quy định rõ chế tài xử phạt đối với người kinh doanh như thế nào nên rất khó thực hiện...”. Theo dự kiến, Bộ này sẽ cải tiến lại nội dung của Thông tư 33 sao cho phù hợp để ban hành.
Bộ VHTT&DL cũng có cái lý khi nói về chuyện không cho lắp kính trên quan tài. Đại diện Bộ này cho hay, nói về thuần phong mỹ tục, ô kính chỉ có cách đây khoảng 10 năm, không phải là truyền thống. Thực tế, sinh ra cái kính chỉ là hình thức, tượng trưng. Về tâm lý, không ai muốn nhìn thân hình người đã mất. Nếu để nắp kính sẽ ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, sức khỏe do khí lạnh. Ở thành phố, bệnh viện còn có nhà lạnh, nhưng tại nhà riêng thì bảo quản là rất khó. Không đảm bảo an toàn với người đã mất: Khuôn kính có kích thước to, nhỏ, rộng, hẹp trong quá trình di chuyển do chấn động người đi lại, tác động bên ngoài thì kính sẽ rơi xuống người đã mất... Vì thế, Bộ này vẫn giữ nguyên quan điểm được nêu Nghị định 105/2012/NĐ-CP.
Ảnh minh họa.
Những vấn đề lớn, phức tạp, cần chia thành nhiều luật
Nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tư pháp, ông Đỗ Cao Thắng, nguyên Chánh tòa dân sự, TANDTC cho rằng: Đúng ra, luật cố gắng chi tiết đến mức cao nhất để hạn chế các văn bản dưới luật. Tuy nhiên, điều đó gặp những khó khăn lớn do nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn chuyển biến khá nhiều và nhanh. Vì vậy, có không ít vấn đề buộc phải chuyển cho Chính phủ quy định cho phù hợp với điều kiện thực tiễn trong từng thời kỳ.
Cũng theo ông Thắng, khi căn cứ vào những thực tiễn phát sinh để ban hành văn bản pháp luật cho phù hợp, các cơ quan thuộc Chính phủ chỉ chú trọng đến lĩnh vực mình phụ trách quản lý mà không thể bao quát hết các vấn đề khác liên quan, nên khi ban hành và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ngành ắt sẽ không tránh khỏi cái nhìn thiếu tầm bao quát. Đáng nói, có những quy định ban hành rất có lợi cho đời sống người dân, nhưng thời điểm ban hành chưa phù hợp hay nội dung ban hành chưa đầy đủ, cụ thể, cũng là nguyên nhân khiến nó trở nên bất hợp lý, bị dư luận phê phán.
Được biết đến trên cương vị là một luật sư, ông Thắng nhìn nhận: “Về lâu về dài, để ngăn ngừa các loại văn bản, quy định bị lãng quên hay quy định thiếu khả thi, đẩy khó cho người dân, giải pháp tốt nhất là nên quy chuẩn hóa từ việc xây dựng luật đến các Nghị định của Chính phủ. Mặt khác “điều đáng buồn là cũng được xây dựng theo những quy trình làm luật bài bản, công phu của các nước khác, song không hiểu, sao luật của Việt Nam nhanh chóng lỗi thời và thiếu tính dự báo đến thế, chưa kể đến nhiều quy định chưa từng được đưa vào cuộc sống”.
Bên cạnh đó, luật sư Thắng cũng cho rằng: “Việt Nam đang hy vọng tiến nhanh tới một xã hội được quản lý bằng luật pháp và có đủ luật pháp cho quá trình hội nhập. Tuy đã có nhiều cải tiến trong hoạt động của Quốc hội, nhưng khoảng cách giữa mong muốn với thực tế về luật còn khá xa mà điểm đầu tiên cần xem xét là chất lượng của quá trình xây dựng và thực thi. Đáng nói, luật có được thông qua hay không phụ thuộc vào đa số các đại biểu Quốc hội, nhưng chất lượng của luật được đánh giá bằng hiệu quả của nó đối với xã hội. Luật có chất lượng cao là luật giúp cho việc quản lý xã hội thuận lợi hơn, giúp cho xã hội phát triển hơn và giúp cho đa số cá nhân, tổ chức chịu tác động của luật nhận rõ trách nhiệm của mình hơn khi chưa có luật”.
Khi được đặt câu hỏi, nhiều chuyên gia pháp lý đều có chung quan điểm: Tại sao luật có hiệu lực mà các cơ quan vẫn chờ hướng dẫn thi hành? Tình trạng luật ủy quyền còn nhiều, đặc biệt là tình trạng luật chờ Nghị định, chờ Thông tư còn phổ biến... “Trước hết, cần phải hạn chế việc xây dựng các bộ luật đồ sộ. Những vấn đề lớn, phức tạp cần phải chia thành nhiều luật. Ví dụ như luật Đất đai có thể chia thành một số luật như luật Quy hoạch đất đai, luật Thu hồi quyền sử dụng đất, luật về Quản lý đất công... Như vậy, sẽ có điều kiện để quy định cụ thể hơn, góp phần hạn chế việc ủy quyền, luật sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống”, một chuyên gia chia sẻ.
10 năm – 50.000 văn bản sai trái Theo cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, bộ Tư pháp, trong 10 năm (từ 2003 đến 2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 1,7 triệu văn bản, phát hiện hơn 50.000 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Cục đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 27.000 văn bản, phát hiện hơn 4.800 văn bản sai trái (tức khoảng 18%) và đã xử lý. Thực tế này cho thấy, cần phải nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản pháp lý trong quản lý Nhà nước. |
Trần Quyết – Quế Ngân