CTCP Chứng khoán FPT (FPTS - HoSE: FTS) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu hoạt động hơn 224,6 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước.
"Thủ phạm" chính kéo lùi kết quả kinh doanh của công ty là lãi từ tài sản tài chính thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm tới 97%, từ 101,3 tỷ đồng cùng kỳ xuống vỏn vẹn 2,7 tỷ đồng ở kỳ này.
Danh mục tài chính FVTPL của công ty tại thời điểm 30/9/2024 có giá gốc hơn 666 tỷ đồng, giảm 35% so với đầu năm. Song, giá trị hợp lý lại ghi nhận 1.104 tỷ đồng, tương ứng FPTS đang lãi tới 438 tỷ đồng ở danh mục này.
Phần lãi đến từ cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng có giá gốc 13,4 tỷ đồng; nhưng giá trị hợp lý lên đến gần 451 tỷ đồng. Như vậy, FPTS tạm lãi hơn 437,4 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu MSH, gấp 34 lần giá mua.
Phần hao hụt trong danh mục tự doanh đến từ việc công ty không còn ghi nhận khoản trái phiếu chưa niêm yết, trong khi đầu năm ghi nhận hơn 474 tỷ đồng.
Ngoài ra, các khoản đầu tư khác trong danh mục tài chính FVTPL không biến động so với giá gốc, gồm tiền gửi có kỳ hạn cố định, chứng chỉ tiền gửi hơn 530 tỷ đồng; trái phiếu của VietinBank 120 tỷ đồng và cổ phiếu chưa niêm yết hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh mảng tự doanh, doanh thu môi giới của Chứng khoán FPT cũng sụt giảm gần một nửa xuống 56,5 tỷ đồng.
Lãi từ các khoản cho vay và phải thu là điểm sáng với gần 153 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Thời điểm ngày 30/9/2024, quy mô cho vay giao dịch ứng trước tiền bán, ký quỹ (margin) của FPTS tiếp tục đạt kỷ lục ở mức 6.916,6 tỷ đồng, tăng thêm 1.522 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Kết quả, Chứng khoán FPT ghi nhận lãi sau thuế giảm 56% xuống 80,6 tỷ đồng. Theo giải trình của FPTS, đà giảm này do công ty áp dụng nhiều chính sách miễn giảm phí giao dịch và lãi vay ký quỹ.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2024, Chứng khoán FPT ghi nhận 829 tỷ đồng doanh thu hoạt động và 408 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 9% và 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Chứng khoán FPT ở mức 8.699,5 tỷ đồng, tăng 464 tỷ đồng so với đầu năm (tương ứng 5%). Ngoài danh mục tự doanh và cho vay margin đã nêu ở trên, thì lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm từ 1.253 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 470 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Chứng khoán FPT ở mức 4.741 tỷ đồng, giảm 150 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn của công ty lại tăng tới 1.195 tỷ đồng lên 4.343 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng nguồn vốn.
Hiện Chứng khoán FPT vay VIB 650 tỷ đồng, Techcombank 355 tỷ đồng, VietinBank 630 tỷ đồng, MSB 500 tỷ đồng, VPBank 600 tỷ đồng, ACB 300 tỷ đồng, Vietcombank 450 tỷ đồng và 760 tỷ đồng các cá nhân khác trong nước.
Ngày 10/10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt Chứng khoán FPT do các vấn đề liên quan đến nhân sự thiếu chứng chỉ và việc không báo cáo kết quả kinh doanh trong nhiều kỳ.
Theo thông tin từ UBCKNN, Chứng khoán FPT không đảm bảo đủ điều kiện về cơ cấu nhân sự, cụ thể là thành viên Trần Thu Hà thuộc bộ phận kiểm toán nội bộ không có các chứng chỉ chuyên môn cần thiết như chứng chỉ "Những vấn đề cơ bản về chứng khoán và thị trường chứng khoán" hoặc "Chứng chỉ hành nghề chứng khoán" và chứng chỉ "Pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán."
Chứng khoán FPT còn bị phạt 92,5 triệu đồng do không báo cáo UBCKNN về hoạt động kinh doanh tháng 9/2023, quý II/2024, năm 2023 của tổ chức kinh doanh chứng khoán phái sinh.
Công ty không được hưởng tình tiết giảm nhẹ và thậm chí còn phải chịu mức phạt nặng hơn do nhiều lần vi phạm quy định về báo cáo thông tin.
Tổng số tiền phạt cho những vi phạm trên của Chứng khoán FPT là 177,5 triệu đồng.