7 năm qua (2015-2021) là những năm nóng nhất được ghi nhận. Theo đó, hãng tin CNBC trích dẫn một báo cáo được công bố hôm thứ Hai (10/1), năm 2021 được xếp hạng là năm nóng thứ năm, trong bối cảnh thế giới tiếp tục chứng kiến sự gia tăng phát thải khí nhà kính do biến đổi khí hậu.
Theo dữ liệu của Dịch vụ theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus, một cơ quan liên chính phủ hỗ trợ chính sách khí hậu châu Âu, nhiệt độ có xu hướng tiếp tục tăng khi lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch giữ nhiệt nhiều hơn trong khí quyển. Lượng mê-tan trong khí quyển đã tăng kỷ lục vào năm ngoái, lên tới 1.876 ppb (phần tỷ).
Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến nhiệt độ trở nên nóng hơn và gây khô hạn hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần làm trầm trọng thêm các thảm họa như bão, cháy rừng và sóng nhiệt.
Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại thành phố Glasgow của Scotland đã khép lại vào tháng 11 năm ngoái với một thỏa thuận giữa gần 200 quốc gia, nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đưa ra những cam kết cứng rắn hơn về khí hậu. Bất chấp những cam kết mới về giảm ô nhiễm khí mê-tan, nạn phá rừng và tài trợ than, một số nhà khoa học và chuyên gia cho rằng những tiến bộ gia tăng mà hội nghị thượng đỉnh mang lại là không đủ để giải quyết mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng.
Một số địa điểm đã nóng hơn những nơi khác trên thế giới trong năm ngoái.Theo đó, châu Âu đã trải qua một mùa hè khắc nghiệt với những đợt nắng nóng gay gắt ở Địa Trung Hải và lũ lụt ở trung tâm lục địa. Năm 2021 được xác định là năm nóng nhất trong kỷ lục 52 năm của châu Âu, nhiệt độ nóng hơn 1 chút sao với mức ghi nhận vào năm 2015 và 2018.
Tại Bắc Mỹ, một đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 6 năm ngoái đã phá vỡ kỷ lục nhiệt độ, theo đó trở thành tháng 6 nóng nhất được ghi nhận ở lục địa này.
Điều kiện cực kỳ khô hạn cũng làm trầm trọng thêm các trận cháy rừng trong suốt tháng 7 và tháng 8, đặc biệt là ở một số tỉnh của Canada và miền Tây nước Mỹ. Đám cháy rừng Dixie bùng phát vào tháng 7/2021 đã trở thành đám cháy lớn thứ hai trong lịch sử của bang California, thiêu rụi gần 1 triệu mẫu Anh, dẫn đến chất lượng không khí kém gây ảnh hưởng cho hàng nghìn người trên khắp đất nước.
Ông Carlo Buontempo, giám đốc của Copernicus, nhận định: “Những điều này là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc chúng ta cần phải thay đổi cách thức, thực hiện các hành động hiệu quả và dứt khoát để hướng tới một xã hội bền vững, hướng tới việc giảm lượng khí thải cacbon ròng”. Theo dữ liệu của cơ quan này, nhiệt độ năm 2021 cao hơn 0,3 độ C so với mức trung bình trong giai đoạn từ năm 1991-2020 và cao hơn khoảng 1,1-1,2 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp từ năm 1850 đến năm 1900.
Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, để đạt được mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu không vượt quá 1,5 độ C theo Thỏa thuận Paris 2015, mức mà các nhà khoa học cho rằng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu, thế giới sẽ cần giảm gần một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong vòng một thập kỷ tới và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, hãng tin CNBC trích dẫn dữ liệu khoa học cho thấy thế giới đang trên đà tăng nhiệt độ 2,4 độ C vào cuối thế kỷ này.
Hà Thanh (theo CNBC, Bloomberg)