Tổ trưởng tổ dân phố kiêm thu phí viên
Cách đây nửa năm, liên bộ Tài chính và Giao thông vận tải (GTVT) đưa ra phương án thu phí bảo trì đường bộ, giao cho chính quyền địa phương đảm nhiệm. Điều này đã không nhận được sự đồng tình từ dư luận, đặc biệt là chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, hai Bộ này vẫn quyết tâm giao cho chính quyền địa phương trách nhiệm thu phí đường bộ đối với xe máy.
Theo thông cáo của bộ GTVT hướng dẫn về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, thì tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư… sẽ là người đi thu phí. Quy định này không chỉ làm khó chính quyền địa phương mà vô tình đẩy tổ trưởng dân phố kiêm thu phí viên.
Đối tượng phải nộp phí bảo trì đường bộ
Thông cáo của bộ GTVT nêu rõ, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ bao gồm, xe ô tô, máy kéo, rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo và xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy. Người nộp phí là chủ sở hữu hoặc người sử dụng phương tiện.
Thông cáo cũng nêu rõ, hình thức thu, nộp phí sử dụng đường bộ được quy định tùy theo các loại phương tiện thì sẽ có cách thu khác nhau, sao cho phù hợp và hiệu quả. Cụ thể, đối với xe ô tô đăng ký trong nước sẽ giao cho các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới thu trực tiếp theo đầu phương tiện khi tiến hành kiểm tra định kỳ về an toàn kỹ thuật. Đối với xe ô tô đăng ký nước ngoài tạm nhập trên lãnh thổ Việt Nam sẽ giao các Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các sở GTVT thu khi phương tiện làm thủ tục nhập cảnh.
Đối với xe gắn máy sẽ giao cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể để UBND cấp xã thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ. Đặc biệt, UBND cấp phường, xã, thị trấn sẽ triển khai việc thu phí xuống các tổ dân phố, trưởng khu dân cư và tiến hành như đối với thu một số loại thuế, phí khác mà lực lượng này đang tiến hành. Như vậy, theo quy định về việc thu phí Quỹ bảo trì đường bộ của bộ GTVT thì sắp tới đây (1/1/2013), lực lượng tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư… sẽ kiêm luôn việc gõ cửa từng nhà để thu phí bảo trì đường bộ.
Lực lượng vốn đã mỏng, lại phải kiêm nhiệm nhiều việc, nay bắt họ "cõng" thêm việc đi thu phí xe máy, rất nhiều tổ trưởng dân phố đang phải tính đến phương án làm thêm ca đêm thì mới hết việc được. Trong cuộc trao đổi với PV, một số tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh (Đống Đa - Hà Nội) không khỏi băn khoăn, lo ngại trước việc phải kiêm thêm nhiệm vụ mới.
"Giao cho chính quyền cấp phường đảm nhiệm đã là rất khó rồi, nay lại giao tổ trưởng đi thu thì chả khác nào đánh đố chúng tôi. Trong một tổ như vậy có biết bao nhiêu chiếc xe máy, lấy đâu ra người để chúng tôi đi thu? Hiện tại, chúng tôi đã phải đảm nhiệm rất nhiều việc rồi, trong khi chế độ, chính sách dành cho cán bộ cấp tổ dân phố thì chả được bao nhiêu. Nói thực, để tổ trưởng dân phố đi thu phí xe máy là không hợp lý mà cũng chẳng hợp tình. Đó là chưa kể đến việc trong quá trình thu sẽ gặp phải những đối tượng ý thức kém, cố tình chây ỳ, tìm mọi cách để trốn tránh việc đóng phí", ông Nguyễn Văn T., một tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn phường Cát Linh không giấu nổi băn khoăn khi chia sẻ với PV.
Cùng chung sự băn khoăn lo ngại khi triển khai thực hiện việc thu phí đường bộ đối với xe máy, bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ tịch UBND phường Nhân Chính (Thanh Xuân - Hà Nội) cho rằng, việc giao cho địa phương thu phí bảo trì đường bộ quả thực là làm khó địa phương. Hiện nay, thực tế lực lượng ở phường chỉ có hơn hai chục người, đảm nhận các công việc hàng ngày đã rất mệt, quá tải rồi, nay lại kiêm nhiệm thêm việc thu phí thì quả là rất khó thực hiện. Bà Hà cũng đặt ra việc sử dụng nguồn tài chính ra sao cho đội ngũ thực hiện công việc thu phí này cho hợp tình, hợp lý.
Ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội
Khó thực hiện
Liên quan đến việc bộ GTVT chủ trương giao cho tổ trưởng tổ dân phố thu phí bảo trì đường bộ, nhiều người cho rằng, làm như vậy là không đúng chức năng của tổ trưởng dân phố. Mặt khác, việc "ép" họ làm trái chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ khiến cho công việc này không đạt được hiệu quả mong muốn, thậm chí còn phát sinh tiêu cực.
Ông Nguyễn Quốc Quang, một cán bộ về hưu hiện đang làm trưởng thôn tại huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, đa phần trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng khu dân cư là những cán bộ về hưu. Họ hoạt động phục vụ bà con lối xóm là chính, do đó nếu giao cho họ đi thu phí sẽ gặp phải nhiều trở ngại. Ông Quang lấy ví dụ, nếu như người dân cố tình chây ỳ không nộp thì tổ trưởng, trưởng thôn cũng không có chế tài nào để xử phạt. Mặt khác, rất khó để một tổ trưởng tổ dân phố thống kê được hết các phương tiện trong từng hộ gia đình, nhất là tại các thành phố lớn, khi lượng dân cư đông đúc, mỗi gia đình thường sử dụng nhiều xe gắn máy. "Tôi lo lắng việc thu phí đường bộ do tổ trưởng đảm nhiệm sẽ không đạt được hiệu quả, thậm chí rất dễ nảy sinh tiêu cực. Như chúng tôi đây, có bao giờ sử dụng hóa đơn, phiếu thu nên sẽ gặp khó khăn nếu đi thu phí, viết biên lai, phiếu thu… đến ngay cả việc thu thuế sử dụng đất, mặc dù có Pháp lệnh về thuế nhưng thực hiện đã là rất khó, huống chi là thu phí xe máy", ông Quang lo lắng cho biết.
Khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc thu phí xe máy thông qua tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư là việc đã được nhiều người cảnh báo. Dưới góc độ kinh tế, kinh phí thu được khi giao cho tổ trưởng đi thu phí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, không những làm khó chính quyền địa phương, mà còn không đạt được hiệu quả, gây thất thoát cho Nhà nước.
"Giao cho địa phương cấp xã, phường thu theo cách "ép" họ làm thì hiệu quả sẽ không ổn, tôi dám chắc chắn như vậy. Nếu giao việc cho tổ trưởng tổ dân phố thực hiện, việc này lại càng bất khả thi hơn, đó là chưa kể đến việc sẽ nảy sinh những hệ lụy, như việc thỏa thuận, móc ngoặc giữa người thu và người nộp, vô tình nảy sinh tham nhũng, tiêu cực", TS. Nguyễn Minh Phong băn khoăn.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, việc thu phí xe máy còn liên quan đến vấn đề chính chủ, chủ sở hữu phương tiện, do vậy giao cho tổ trưởng dân phố thực hiện là khó. Một phần bởi những người này không phải là cán bộ, công chức ăn lương nên sự nhiệt tình cũng có hạn. Mặt khác, hầu hết họ không có nghiệp vụ về thuế, nên việc thu phí sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót, trong khi đó thì chính quyền địa phương cũng không có người và thời gian để thanh tra, kiểm tra những sai sót đó. "Việc thu phí là đúng, tuy nhiên giao cho ai đi thu lại là việc cần xem xét kỹ, nếu không kế hoạch của ngành GTVT sẽ khó thực hiện được", ông Liên kiến nghị.
Các mức thu phí bảo trì đường bộ Với xe mô tô, xe gắn máy, loại có dung tích xy lanh đến 100cm3 từ 50.000 - 100.000 đồng/năm; loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 mức thu từ 100.000 - 150.000 đồng/năm. Đối với ô tô, thấp nhất 130.000 đồng/tháng cho xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân; Xe chở người dưới 9 chỗ (trừ xe đăng ký tên cá nhân); xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ dưới 4.000 kg có mức thu 180.000 đồng/tháng; Xe chở người từ 10 chỗ đến 24 chỗ, xe tải, rơ moóc và xe ô tô chuyên dùng mức thu cao nhất là 1,04 triệu đồng/năm. |
Quốc Triều