Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy đã đưa ra quan điểm:“Người dân phải được đi trên các quốc lộ (QL) Nhà nước bỏ tiền thu thuế ra đầu tư không mất tiền. Không thể có chuyện láng qua một chút là thu tiền như QL5, QL1. Trước đây tôi cũng từng có ý kiến, nếu chúng ta xây dựng đường cao tốc song song với QL5 thì sẽ ít người đi vì QL5 thuận lợi, quen thuộc và giá rẻ hơn. Trong khi đó cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chi phí quá cao, nhiều xe sẽ tránh”.
TS. Thuỷ cho rằng: “Chúng ta làm QL5 từ thời Pháp, nền đường đã có. Sau này, vào những năm 80 của thế kỷ XX, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã cho mở rộng. Lúc đó, đường chưa láng, xung quanh là ruộng đồng nên không mất tiền giải phóng mặt bằng. Sau này, chúng ta có đầu tư để nâng cấp lên nhưng không đủ tiêu chuẩn thu BOT.
Đáng lẽ đường 5 phải để cho người dân đi miễn phí chứ không phải có trạm thu phí. Và hiện nay, ngoài khoản phí đã thu trước đó, chúng ta lại cho tiếp tục thu thêm một khoản phí để bù cho cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Đó là điều không thể chấp nhận được”.
“Phí cao tốc Hà Nội –Hải Phòng quá cao. Người dân bỏ đường đẹp để đi đường xấu thì chắc chắn là do họ không chịu nổi mức phí đó. Chúng ta phải theo tiêu chí năng nhặt chặt bị, không thể thu số tiền cao và thu hồi vốn quá sớm được vì sẽ ảnh hưởng tới kinh tế của xã hội”, TS. Thuỷ nói.
Chia sẻ về việc lãnh đạo tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), chủ đầu tư cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho rằng: “Nếu Nhà nước không cho thu phí tiếp trên QL5 thì phải lấy tiền bù, hỗ trợ cho dự án". Nhìn nhận về điều này, ông Thủy cho rằng: “Lý do này không thể chấp nhận được. Vì trước đây anh đã ký hợp đồng rồi thì phải làm đúng theo hợp đồng.
Trước đây, có thể anh ký, anh tự định giá với nhau, tăng tiền, tăng thời gian lên để lãi lớn. Nhưng nó đã gây tác hại tới xã hội và xã hội phản hồi lại bằng cách không đi trên các con đường đắt tiền đó. VIDIFI phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân chứ không thể lấy tiền từ việc thu phí QL5 cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được”.
Nhìn nhận những vụ “nóng” về thu phí BOT vừa qua, ông Thủy nói: “Qua những sự việc như ở trạm Cai Lậy, nhiều người quan ngại, dường như cơ quan quản lý đang bảo vệ lợi ích cho chủ đầu tư mà quên đi quyền lợi của người dân!
Bộ GTVT là chủ thể thay mặt Nhà nước thì phải nhìn nhận khách quan, công bằng và có tình có lý. Bộ không thể bảo vệ bên chủ đầu tư để họ thu tiền nhanh. Trước đây, nhiều chuyên gia và chính tôi đã ý kiến rằng không nên xây dựng cao tốc Hà Nội- Hải Phòng nhưng Bộ vẫn đổ tiền của dân ra để xây dựng. Bây giờ, Bộ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.
Một diễn biến khác, thông cáo báo chí của Vidifi gửi các PV báo chí nêu rõ: “Trước tình hình có thể tiếp tục diễn biến phức tạp tại hai trạm thu phí QL5, VIDIFI đã có văn bản báo cáo và đề nghị tổng cục An ninh và Công an các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh, điều tra làm rõ hành vi nêu trên của cá nhân, tập thể (Doanh nghiệp vận tải Đức Chính...) và có biện pháp ngăn chặn để đảm bảo an ninh trật tự và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Chuyên gia cho rằng, động thái này có thể làm phức tạp thêm tình hình tại trạm BOT này.
Nhóm PV