Đầu năm du xuân, tôi cùng gia đình quyết định hành hương về chùa Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh). Lần này tôi khá bất ngờ khi được yêu cầu mua vé tham quan, giá vé được áp dụng 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/trẻ em trên 6 tuổi.
Việc bắt đầu thu phí trở lại sau 10 năm gây ý kiến trái chiều vì hai lý do: Một là chùa chiền có nên thu phí hay không? Hai là, chùa Yên Tử đã có tiền dân công đức hàng năm sao còn phải thu phí để lấy tiền quản lý, trùng tu, sửa chữa?
Tôi sẽ lần lượt phản biện về từng điểm.
Thứ nhất, vẫn biết rằng chùa chiền là nơi linh thiêng nên mở cửa tự do cho mọi chúng sinh đi lễ nhưng hiện nay, mấy người đi lễ đúng nghĩa với từ đi lễ? Cứ vào tháng Giêng hàng năm, bao lễ hội mở ra là bao nhiêu câu chuyện “dở khóc dở cười”, phản cảm, mất an ninh trật tự.
Ngày nay, nhiều người mang tiếng là đi lễ chùa đầu năm cầu may nhưng thực ra mục đích là đi chơi nhiều hơn. Ấy nên, chả ai để ý đến việc ăn mặc sao cho phù hợp, đến nơi thanh tịnh phải đi nhẹ nói khẽ, tới vãn cảnh thì cũng phải có ý thức.
Thêm vào đó, có thể những người có tâm hướng Phật thì thấy rằng chùa chiền mà thu phí khác nào làm kinh doanh. Họ tuyên bố sẵn sàng công đức nhưng không chịu đóng phí.
Tôi thấy rằng cái lý của họ cũng đúng nhưng chưa đủ. Cái tâm công đức của các phật tử gửi lại là mong nhà chùa có kinh phí đèn hương, nhang khói, trùng tu, tôn tạo, quản lý nhưng có mấy người như họ? Vậy nên mong muốn đó được giải quyết bằng việc thu phí.
Tiếp đến, nhiều người đặt ra câu hỏi: tiền công đức hàng năm của chùa đâu sao không đem tiền đó ra để quản lý, trùng tu, sửa chữa? Có lẽ, câu hỏi này sẽ khó để trả lời, khó có thể truy ra tới cùng là hàng năm tiền công đức được bao nhiêu, số tiền đó được sử dụng vào việc gì, tiền công đức có được bỏ ra để thực hiện việc quản lý, tu bổ hay không? Không có một thông tin, công bố nào nói về vấn đề này.
Còn thực hiện thu phí thì sẽ có con số cụ thể về lượt khách tới Yên Tử, phí thu về được bao nhiêu, bao nhiêu dùng để quản lý, trùng tu. Giấy trắng mực đen sẽ tránh thất thoát.
Tuy nhiên, mức phí thế nào lại là một câu chuyện khác.
*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân
Phong Linh