Theo đó, để giảm ùn tắc khu vực trung tâm thành phố, 36 cổng thu phí tự động sẽ được xây trên trên các tuyến đường chính (quận 1, quận 3, vùng giáp ranh quận 5, quận 10). Các ô tô phải nộp từ 30.000 – 50.000/lượt khi vào trung tâm tùy vào khung giờ cao điểm hay thấp điểm, không thu phí đối với xe buýt và xe công.
Đây là đề án được Sở GTVT TP.HCM đề xuất từ năm 2010 và chính thức trình UBND TP.HCM năm 2012 nhưng bị ngưng. Vừa qua, dự án mới được tái khởi động, bổ sung hoàn chỉnh để trình thành phố xem xét.
Còn nhớ, từ những năm 1920 của thế kỷ trước, Liên Xô đã triển khai thực hiện tàu điện ngầm ở Thủ đô Matxcova. Khi vị Tổng công trình sư trình bày đồ án và thuyết minh bản vẽ trước các nhà lãnh đạo Xô Viết... bỗng vị Tổng công trình sư cực kỳ ngạc nhiên khi vị đứng đầu Nhà nước – Stalin đưa tay lên vẽ 1 vòng tròn xung quanh bản vẽ và hỏi ‘thế các đường vành đai ở đâu?!’...
Trong hồi ký của mình, vị Tổng công trình sư nói trên kể lại rằng câu hỏi của Stalin vừa là mệnh lệnh - vừa là ý tưởng sáng tạo giúp cho vị Tổng công trình sư và các cộng sự của mình hoàn thiện và thực hiện thành công dự án vĩ đại này.
Để giải quyết ùn tắc giao thông ở TP.HCM, chúng ta hãy đi từ việc nhỏ đến việc lớn. Đó là: Lập 1 đoàn công tác kiểm tra liên ngành để khảo sát toàn diện thực trạng những vấn đề sau đây: đèn tín hiệu giao thông từng vị trí, thời gian xanh và đỏ đã hợp lý chưa? Biển báo giao thông đã hợp lý chưa?
Việc phân luồng 1 chiều, 2 chiều ở từng tuyến đường đã hợp lý chưa? Các tuyến kênh rạch như Kênh Nhiêu Lộc, Kênh Lò Gốm,... thành phố đã bỏ ra hàng trăm triệu USD để cải tạo và khơi thông, tại sao lại không có ý tưởng khai thác những tuyến kênh đường thủy này để giảm ùn tắc giao thông trên bộ?
Nên chăng cần cho đấu thầu, mời gọi nhà đầu tư triển khai các tuyến cano -taxi để vận chuyển hành khách, vừa tô điểm cho vẻ đẹp của thành phố, vừa giải quyết ùn tắc giao thông ở những khu vực ven sông Sài Gòn và có những con kênh này đi qua? Chủ trương đưa các trường Đại học, Cao đẳng ra ngoại thành có từ nhiều năm nay nhưng thực hiện còn nửa vời dẫn tới tình trạng nhiều trường vẫn “một chốn đôi quê”. Như vậy vừa gây vất vả cho giảng viên và sinh viên, vừa tăng lưu lượng đi lại từ nội thành ra ngoại thành và ngược lại.
Việc tổ chức các sự kiện như: hội chợ, triển lãm... nên chăng cũng chỉ nên cho phép tổ chức ở các quận ngoại thành?
Việc giãn dân số tham gia giao thông một cách “cơ học” cần phải có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời cần kêu gọi người dân trong cả nước hiến kế để giải quyết các bài toán giao thông.
Nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa thực sự giải quyết được tận gốc vấn nạn giao thông tại thành phố. Tuy nhiên tôi vẫn tin rằng, lãnh đạo thành phố - với kinh nghiệm, tư duy và tầm nhìn chiến lược sẽ giải quyết tốt bài toán giao thông trong thời gian tới.
Trần Thúc Hoàng
* Bài viết thể hiện quan điểm của một luật gia hiện đang công tác tại TP.HCM