Nhu cầu chính đáng, hài hòa lợi ích
Ngày 20/9, khi được biết HĐND Tp.HCM quyết định về mức thu phí sử dụng vỉa hè, chị Nguyễn Khánh Linh, đường Hoàng Diệu 2, Tp.Thủ Đức bày tỏ sự đồng tình khi chị Linh mong muốn mở rộng kinh doanh cà phê trên vỉa hè, cũng như tìm chỗ để trông giữ xe cho khách nhưng chưa được phép và giá thuê quá đắt đỏ.
Điều chị Linh băn khoăn là chưa biết thủ tục thuê ra sao và liệu có được thuê luôn một khu vực rộng lớn để tiện cho việc kinh doanh hay không.
Trong khi đó, anh Lê Hồng Hải, 43 tuổi, đường Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp cũng kinh doanh cà phê trên vỉa hè trước nhà rộng 5m từ nhiều năm qua.
Anh Hải kể, 10 năm trước, đường Phạm Văn Đồng được mở rộng lên 12 làn xe, vỉa hè thông thoáng, bà con tranh thủ mở hàng quán buôn bán nhưng do lấn chiếm vỉa hè nên vài ba bữa lại bị trật tự đô thị phường xử phạt. Vì vậy, khi chính quyền Tp.HCM tổ chức cho sử dụng vỉa hè thì anh Hải sẵn sàng đóng phí để an tâm buôn bán.
Khi biết giá dự kiến sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè trước nhà để kinh doanh nằm ở khu vực 3 từ 20.000 - 60.000/đồng/m2/tháng, anh Hải cho rằng đây là mức hợp lý và là nguồn tiền thu để chỉnh trang lại vỉa hè, rất rõ ràng, minh bạch.
Vừa qua, tại kỳ họp thứ 11 vào tháng 9/2023, HĐND Tp.HCM khóa X đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Theo đó, Tp.HCM chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè từ ngày 1/1/2024.
Trong tờ trình gửi HĐND Tp.HCM, UBND Tp.HCM cho biết việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè nhằm hoàn chỉnh các quy định trong công tác quản lý nhà nước, góp phần lập lại trật tự và mỹ quan đô thị, xây dựng thành phố văn minh, hiện đại.
Việc thu phí sẽ nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố; bảo đảm giao thông an toàn, vệ sinh môi trường đô thị; có cơ sở khai thác hiệu quả lòng đường, hè phố, phù hợp với đặc thù đô thị Tp.HCM.
Đồng thời, điều này cũng bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố.
Hiện nay, Sở GTVT và các địa phương đang rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể. Các tuyến đường khi khảo sát vẫn phải ưu tiên tối thượng là vỉa hè phải còn đủ 1,5 m để không đẩy người dân đi vào chỗ có chướng ngại vật như trụ điện, bồn cây...
Thu phí vỉa hè phải minh bạch
Trao đổi với Người Đưa Tin, TS.Trần Quang Thắng, chuyên gia kinh tế cho rằng, ở một đô thị đất chật, người đông như Tp.HCM thì chính quyền cần tìm ra điểm cân đối, hài hòa lợi ích giữa các nhóm dân cư.
Trên vỉa hè, người lao động mua bán, mưu sinh nhưng cũng cần tôn trọng lợi ích chung, giữ lề đường thông thoáng. Do đó, ông Thắng khuyến nghị việc thu phí phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và lòng đường, vỉa hè thông thoáng.
“Các trường hợp mua bán thực phẩm phải bảo đảm an toàn thực phẩm, đủ tiêu chí mới được cấp giấy phép cho thuê. Các tiêu chí phải được xây dựng nghiêm túc ngay từ đầu, dù khó khăn nhưng vẫn phải làm. Việc tổ chức thu phí phải khách quan, minh bạch, gắn trách nhiệm với người thi hành công vụ”, TS Trần Quang Thắng góp ý.
Còn TS.Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển T.p.HCM nhận định, vỉa hè là một phần không gian công cộng quan trọng của đô thị, không chỉ là nơi bố trí hạ tầng kỹ thuật, cây xanh hay dành cho người đi bộ, mà còn là nơi diễn ra dòng chảy về kinh tế chính thức và phi chính thức với các hoạt động mua bán, dịch vụ rất đa dạng.
Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM chỉ ra, đến lúc phải thay đổi khái niệm vỉa hè, văn minh đô thị để thấy được sự sống động của vỉa hè, nét văn hóa đặc thù và sức sống riêng của đô thị Tp.HCM.
Để làm được việc này, khi thu phí sử dụng vỉa hè, không chỉ chính quyền mà người sử dụng cũng phải nâng cao ý thức. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định quản lý mới, song song đó nghiêm túc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm.
Theo ông An, khi các hoạt động diễn ra trên vỉa hè được đưa vào khuôn khổ sẽ vừa bảo đảm trật tự mỹ quan đô thị, vừa chia sẻ lợi ích kinh tế - xã hội cho chính quyền và người dân.
Nói thêm, TS.Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách khoa Tp.HCM cho rằng, khi triển khai đề án, UBND Tp.HCM cùng các sở, ngành, địa phương cần phải rà soát, nghiên cứu, đánh giá kỹ thực trạng giao thông và tác động giao thông trên các tuyến đường, quanh khu vực có thể cho sử dụng tạm vỉa hè để thu phí.
"Về quản lý thu phí, thành phố nên có một cơ quan đứng ra cùng địa phương quản lý để bảo đảm tính công khai, minh bạch và quá trình quản lý cần áp dụng công nghệ, các phần mềm để tăng tính hiệu quả", ông Hùng nói.
Ngoài ra, KTS Nguyễn Ngọc Phước Đại nhìn nhận, bên cạnh quy hoạch tổng thể trong sử dụng và quản lý vỉa hè thì cũng cần có hành lang pháp lý đi kèm. Hành lang pháp lý này sẽ ràng buộc quyền lợi và nghĩa vụ của người đi thuê vỉa hè với đơn vị cho thuê.
"Phải có những ràng buộc ngay từ đầu. Vỉa hè được quy hoạch cho thuê sử dụng với mục đích gì thì người thuê phải thực hiện theo. Không để xảy ra tình trạng người thuê vỉa hè được sử dụng tùy thích theo nhu cầu riêng của mình. Bởi điều này sẽ gây ra tình trạng nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị, thậm chí làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân và tình hình an ninh trật tự của địa phương có vỉa hè cho thuê", ông Đại phân tích.
Mức phí chia theo 5 khu vực
Theo quyết định của HĐND Tp.HCM, UBND Tp.HCM sẽ gia Sở Giao thông Vận tải tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở Giao thông Vận tải quản lý; UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Khu vực 1: quận 1, quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận và khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thu 50.000 đồng/m2/tháng (không phải khu trung tâm) và 100.000 đồng/m2/tháng (tuyến đường trung tâm) cho các hoạt động kinh doanh, mua bán... (trừ hoạt động đỗ xe và trông giữ xe). Riêng sử dụng vỉa hè, lòng đường để hoạt động trông giữ xe, mức phí là 350.000 đồng/m2/tháng đối với tuyến đường trung tâm và 180.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại.
Khu vực 2: Tp.Thủ Đức (khu vực quận 2 cũ), quận 6, 7, 11, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân, mức phí 30.000 đồng/m2/tháng với các tuyến trung tâm và 20.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại khi sử dụng cho hoạt động kinh doanh, mua bán... Hoạt động giữ xe, mức phí là 100.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến trung tâm và 70.000 đồng/m2/tháng cho các tuyến còn lại.
Khu vực 3: Tp.Thủ Đức (khu vực quận 9, quận Thủ Đức cũ), quận 8, 12, Tân Phú, Gò Vấp đồng giá 20.000 đồng/m2/tháng khi sử dụng lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán. Nếu sử dụng để giữ xe có thu phí đồng giá 60.000 đồng/m2/tháng.
Khu vực 4: huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Củ Chi mức thu như khu vực 3.
Khu vực 5: huyện Cần Giờ mức phí 20.000 đồng/m2/tháng đối với vỉa hè dùng kinh doanh, buôn bán... và 50.000 đồng/m2/tháng khi sử dụng vỉa hè để giữ xe có thu phí.