“Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ

“Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ

Ctv Ban Biên tập

Ctv Ban Biên tập

Thứ 5, 12/10/2023 07:00

Sinh ra từ bầu khí quyển nghệ thuật gia truyền, năng khiếu bẩm sinh, nỗ lực và thời gian đã làm nên một tên tuổi Đào Hải Phong như hôm nay.

Hội họa đến với họa sĩ Đào Hải Phong từ sự sắp đặt đầy chủ ý. Sinh ra từ bầu khí quyển nghệ thuật gia truyền, năng khiếu bẩm sinh, nỗ lực và thời gian đã làm nên một tên tuổi Đào Hải Phong như hôm nay, nhưng anh luôn khiêm tốn tự nhận mình là một người may mắn. Tuy nhiên, một xuất thân hoàn hảo cũng là một áp lực lớn với bất kì ai. Không ai sinh ra đã trưởng thành, Đào Hải Phong đã đi qua nhiều trăn trở, bóng tối và nước mắt để đến hiện tại.

Những khoảnh khắc bật mầm của hội họa

Triển lãm THU PHONG đã được họa sĩ Đào Hải Phong chuẩn bị từ nhiều mùa thu trước. THU PHONG- làn gió mùa thu hay những phong kín tàn phai lộng lẫy, vừa mở ra, lại cất giấu, của một cây cọ đã ở vào độ tuổi mùa thu của cuộc đời? 58 bức thu, cũng là tuổi người của họa sĩ, như từng phiến lá trong trạng thái rời bỏ và bật mầm trên nền toan và cây cọ Đào Hải Phong.

Văn hoá - “Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ

Hoạ sĩ Đào Hải Phong bên các tác phẩm do mình vẽ. (Ảnh: NVCC).

Mùa thu là một đặc ân của tạo hóa ban cho con người. Tiết thu mơ màng, xa vắng và tràn đầy ánh sáng cũng như niềm bâng khuâng xó tối, đem đến cho người nghệ sĩ những rung vang sâu sa. Với Đào Hải Phong, đây là những khoảnh khắc bật mầm của hội họa.

Đến giờ, anh vẫn nhớ những cơn “tháo chạy” của mình giữa hai con đường thành công của ông nội và cha - hai chiếc bóng quá lớn, vừa tự hào, anh vừa trăn trở làm sao để “ra khỏi” gia đình, tìm ra một lối riêng của thế hệ thứ 3. Anh đã có lối Phong. Mùa thu trong anh có vẻ tàn phai rực rỡ và sự trổ nhánh dịu dàng.

Ngót nghét 60 mùa trôi qua trên đỉnh tóc, và thu đã ở lại trong anh. Từ khi còn là một cậu bé chân trần chạy lon xon trên những con phố Hà Nội, dưới mái rêu phong, ngỡ ngàng đón những trái bàng thơm chín ruộm, rơi vào hồn thơ ngây, cậu bé Đào Hải Phong đã thấm một thức riêng của đất Kinh Kỳ vào trong vị ngọt tuổi thơ. Và niềm ngọt ngào con trẻ ấy còn mãi trong anh, chắc chắn sẽ chẳng bao giờ rời bỏ.

Bởi người nghệ sĩ luôn nhìn thế giới qua con mắt hồn nhiên của trẻ thơ. Cảm xúc bản năng đầu đời ấy, đã dậy lên ở anh sự loang tràn cơn say màu sắc. Không phải đời sống đi vào trong tranh anh, mà là cách anh vẽ ra đời sống. Đào Hải Phong vẽ nên đời sống quá vãng và làm hiện hình đời sống hôm nay, như thể tưởng thưởng ra khuôn mặt của ngày mai.

Văn hoá - “Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ (Hình 2).
Văn hoá - “Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ (Hình 3).
Văn hoá - “Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ (Hình 4).

Thu phong là triển lãm cá nhân của họa sĩ Đào Hải Phong. (Ảnh: NVCC).

Vì thế đi vào THU PHONG, người đọc tranh anh sẽ thấy ngồn ngộn tầng vỉa đời sống, như thể một thức dâng của cơn say sắc màu, sự đầy vơi của tâm hồn nghệ sĩ, để khi chạm tới, ta như thấy một niềm mất mát, tựa hồ hạnh phúc. Sự chơi vơi và lấp đầy luôn song hành.

Đứng trước tranh anh, tôi được trải nghiệm cảm xúc đặc biệt, như thể duy nhất, là lần đầu tiên, lại tựa hồ cuối cùng. Những rung vang chới với, không neo tôi lại một chốn thân thuộc mà như là nỗi cô đơn tiền kiếp vọng tự hồng hoang, lại lóe sáng ban mai trìu mến. Ấy, một cảm thức gọi dậy những háo hức, băn khoăn, thăm thẳm và bình yên. Khoảnh khắc chốc lát nhưng có sức lay động sâu sa.

Tôi thích đọc tranh anh bắt đầu từ “Ngõ thu”. Ngõ hay cổng đều mở ra. Ở đó, tôi bắt đầu những bước chân đầu tiên vào mùa thu tuổi người. Tôi đọc tranh Đào Hải Phong thấy khối màu và dải màu. Những khoảng lấp láy trên mái nhà, ngõ phố, cây, trăng, đồi, con thuyền và màu loang tràn trên sông.

Có đôi khi vào sâu trong tranh anh, tôi gặp cả những giọt màu thành ngấn lệ trong suốt từ khóe hồn người nghệ sĩ. Anh đi nhiều, quan sát lắm, lắng nghe, bởi thế anh đã sống trong nhiều vùng cảm xúc và phận người. Mà ban đầu những tưởng rất nhẹ, rất bình an nhưng đằng sau ấy, chính là sự chuyển động của trùng vi tầng tầng lớp lớp đời sống và những khắc khoải ánh sáng. Màu của anh vẽ từng vạt ký ức, lưu giữ hôm nay và ngày mai là màu gì, dù tôi không thể gọi tên, nhưng đó là sự bất ngờ, mê hoặc.

Một con ngõ vàng ửng, chới lên, những thanh lam buông buông, ngân ngấn màu trời hất xuống khoảng đường góc cạnh, màu lọc như một tấm gương thời gian. Một cái cây tàng mình vào mái rêu, che cho nhịp sống đang trôi đi, qua nét quảng cáo nguệch ngoạc bằng tay 2 chữ “XE ÔM” rất Hà Nội. Tôi chắc chắn rằng, nghề đó, con chữ ấy được ra đời từ mảnh đất rất nhiều người muốn đến và nán lại này. Có phải Đào Hải Phong từ con ngõ nhỏ nhà mình, đã chở mùa thu Thăng Long vào hồn người đọc tranh anh?

Thu trong Phong, có khi chín đỏ như cái cách anh gọi tên một bức vẽ “Mùa đỏ nào”. Một bóng cây rất đầy. Bóng cây ấy trở đi trở lại rất nhiều trong tranh anh như một phép ước lệ về thiên nhiên. Có lẽ, anh đã vẽ ra một đời sống đã chín. Thứ quả, kết từ bao đầy vơi, mất mát, hạnh phúc, bất hạnh. Nếu nhìn bề ngoài, cuộc sống của anh thật viên mãn. Nhưng thực ra không phải vậy, đủ đầy hay thỏa mãn, với người nghệ sĩ lại là sự nhàm chán. Nên giữa muôn người vẫn giữ cho mình sự cô đơn. Khoảng vắng ấy là cái cớ cho nỗi buồn chạy qua cõi hiện sinh.

Anh gợi một mùa từ trong quá vãng, những bức tường xanh lam như từ trong tiềm thức, đội mái ngói nhấp nhô. Từng phiến màu chữ nhật lát con đường về thuở xa vắng. Trong mỗi mái nhà, có bao nhiêu cuộc đời hiện diện với những lo toan, đuổi bắt khao khát và hành trình thăm thẳm kia, mấy ai trong chúng ta không có phút thấy mỏi mệt hay cô quạnh?

Một nỗi tự cảm, một cái tôi mà niềm trầm ngâm chắt ra tự “Mùa đỏ nào” đến giờ vẫn chưa dứt cơn buồn. Nỗi ấy lại gặp mùa heo may. Nó dậy lên qua từng cơn xao xác mái ngói lô xô từ sông Hồng thao thiết gió.

“Vẽ là cuộc thám hiểm chính mình”

Thực ra, trái tim Đào Hải Phong từng phiêu bạt bao lần trước cơn thốc tháo. Bởi anh đã trải qua những cảm thức đặc biệt. Anh đã cho tôi xem những bức vẽ, mà anh gọi đó là “nỗi hổ thẹn họa sĩ”. Nhưng với tôi, đó là sự dũng cảm của anh. Vì suy cho cùng, nghệ sĩ là người vẽ ra thế giới con người bên trong con người anh ta. Dám phơi trải nỗi tận cùng của mình, trung thực với chính mình là điều không dễ dàng.

Và chính sự nghiêm khắc ấy đã như một làn roi mạnh để anh định vị bản thân, kiểm soát được những khiếm khuyết cố hữu của mình để vượt lên trên cái tầm thường của nghệ thuật. Cũng như ban đầu anh khó chịu trước những người chép tranh của anh để mưu sinh, khiến thực giả lẫn lộn. Nhưng sau mấy mùa Covid, anh lại bình thản và nhận ra một thứ giá trị đặc biệt của tranh anh, không chỉ là nghệ thuật mà còn đem đến cơ hội kiếm sống cho nhiều người. Như vậy, triết lý nghệ thuật của anh còn thêm vào khái niệm về “sự bao dung hội họa”. Tranh anh vì thế tỏa ra một thứ ánh sáng đặc biệt.

Đi qua những trăn trở ấy, anh đến với “Thu bình an”. Thu tựa như tấm gương trời nước phản chiếu những khoảng viên mãn trong đời sống. Cái cây tán mọng, bắt rễ vào con đường màu xanh. Dưới vòm thiên nhiên, những mái nhà đẹp như trong giấc chiêm bao. Tác giả đã vẽ nên một khoảnh khắc đời thường êm nhẹ như mặt nước hồ thu bằng lặng. Cái bằng lặng như lắng chờ một cơn xốn xang của mùa sẽ qua đây.

Và quả nhiên, sau đó “Gió thu” đã thổi đến cây cọ trên tay anh, khiến tấm toan run rẩy những cơn mùa. Thu xanh và thẳm huyền đến vô cùng. Từng lọn gió lật tung ký ức, như vẽ vào bầu lam nét quyến luyến của màu nhựa sống chưa muốn rời đi. Thu là sự thu vén, để kết thúc. Là khoảng lặng giữa hạ và đông. Anh phóng sinh nỗi khát khao, khi hạ vừa lộng lẫy, trên những tàn đỏ. Vàng đang xâm lấn không gian.

Đào Hải Phong đi vào mùa tàn phai, để chuẩn bị cho một giấc màu ngủ đông, chờ xuân bung mình theo những làn thơm gieo hạt khắp nhân gian. Thực ra, trong mỗi chúng ta, đều song le diễn ra sự rời bỏ và khởi sinh. Thử nghĩ xem, nếu vạn vật đều sinh ra và không bao giờ mất đi?

Khi đọc anh ở con mắt thu trong đêm, tôi thấy nó là một miền trăng dãi. Ở “Đồi trăng 2”, ánh sáng không chia đều. Trăng của anh đi giữa dư vang của 3 tone: đỏ, vàng, xanh. Những mái nhà trên đỉnh đồi lộng gió, lưng tựa vào cây thơm như trái táo chín đỏ. Một bầu xanh ban mai tỏa xuống đồi, tựa hồ lớp lá thu duỗi mình nghe mùa nhẹ gót.

Tác giả họa những điều anh muốn vẽ còn người đọc thì tưởng ra thứ họ mong thấy. Tranh anh đã gợi ra những khoảng trống vắng để người đọc tự điền đầy cảm xúc của mình. Đó chẳng phải là sự trân trọng của anh dành cho công chúng yêu nghệ thuật- bạn đọc đồng sáng tạo đó sao?

Văn hoá - “Thu Phong” gom gió, thổi bạt mình đến miền xa lạ (Hình 5).

Họa sĩ Đào Hải Phong thuộc thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đổi mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. (Ảnh: NVCC).

Với Đào Hải Phong, vẽ là cuộc thám hiểm chính mình. Anh coi nghệ thuật là một khu rừng và mình là một cái cây trong đó. Cái cây có khi mang đời sống, hồn vía của thiên nhiên. Điều mà ta dễ nhận ra ở mỗi góc phố. Trên “Phố xưa”, là một thân cây quen thuộc ghé vào bức tường loang rêu, che cho mấy chiếc xích lô đang ngái ngủ sau những cuốc mưu sinh nhọc nhoài.

Hay khi Đào Hải Phong “Một mình qua phố”, những mái nhà nối dài hai bên hè phố, cây cũng có đôi, xanh dịu dàng bên nhau. Chỉ có anh, ngập ngừng như muốn đi khỏi nỗi buồn, lại như muốn ở mãi trong sự cô đơn. Hình như trong bức vẽ mà đường nét và cảnh vật rất rõ này thì anh bỏ mặc cho cái tôi của mình nhập với nỗi buồn làm một. Lưng chừng buồn vui thế cuộc, có một người đàn ông lặng lẽ, đi ngang qua thành phố giữa trầm mặc và huyên náo khói bụi, mà đa đoan.

Nhưng tôi thấy, trong những không gian khoáng đạt, giữa khoảng thiên nhiên vời vợi, bỏ lại đời sống phố thị để núi đồi, thảo nguyên, con thuyền, sông nước ùa vào, tranh anh lại mọc lên những gốc cây tâm tưởng. Khi thì tịch lặng như thế mặc khải tiền kiếp, lúc quạnh quẽ trước tà dương, có khi lại bừng bừng sắc “Xuân đỏ” căng ứa. Như là chủ ý, giữa bao la, cái cây hội họa của anh mang hình hài của những giấc miên trường.

Đi giữa mùa trăng con nước đầy vơi, hay một con thuyền chở mộng, cái cây đã trở nên một biến ảnh ở cõi sáng tạo của người nghệ sĩ trong cơn thống khoái bất tận. Bởi vậy, ở góc nhìn này, là một Đào Hải Phong chất chứa cảm xúc phiêu bồng, nó thoát khỏi vẻ giản dị, mực thước.

Anh vẽ “Sen đêm” không chỉ có sen và đêm. Mà là một sự kì lạ, giữa một dải màu mọc lên 3 dáng cây như màu cánh sen che chở những mái nhà. Và trên mặt nước, những thảm lá xanh trỗi dậy, đó đây những búp sen ngà thắp đêm. Đêm mà không màu khuya sâu, lại sáng rỡ trong một sắc xanh. Sự sống cứ biếc lên, thanh khiết.

Đã có lần Đào Hải Phong nói rằng, tone xanh chủ đạo trong triết lý hội họa của anh chính là màu của sự sống và hy vọng. Có lẽ vì thế, thu của anh dù có khắc giao mùa nhưng không hề rũ buồn. Trái lại màu thu trong anh như một dâng mình tận tụy cho sự sống bật mầm.

Không phải ngẫu nhiên, bức cuối trong số tranh triển lãm THU PHONG anh vẽ chính mình- “Tôi”. Ấy là tính cách Đào Hải Phong, người luôn khiêm nhường, nhưng sự cúi xuống ấy lại khiến anh cao lên. Khi lặng lẽ như một bóng cây trên đất, anh đã bắt mình vào hội họa, vào dòng chảy của thế cuộc. Thời gian chạy qua những mái phố, mà lòng anh thương nhớ tự thuở nào.

Nghệ thuật hội họa của anh là vậy, sự ngưng đọng từng lát thời gian và bản thể trước những đổi thay của xã hội. Người đàn ông ấy đi xuyên qua bóng đêm, tới bình minh; lên núi, xuống phố; ra sông, về nhà; tắm nắng, phơi trăng. Nơi những tàng cây chín đỏ hay những vòm cây đan vào nhau mà chỉ anh như một nét thu bên từng nhịp hải hà. THU PHONG cứ lặng lẽ gom gió để thổi bạt mình đến những miền xa lạ…

Đào Hải Phong sinh năm 1965 tại Hà Nội, và thuộc thế hệ nghệ sĩ đổi mới của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam. Là con trai của NSND Đào Đức (1928-2007, người thiết kế mỹ thuật cho những bộ phim nổi tiếng điện ảnh cách mạng như Chung một dòng sông, Chị Dậu, Đến hẹn lại lên...), nên họa sĩ Đào Hải Phong cũng theo học Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và có hơn 10 năm công tác ở Hãng phim truyện Việt Nam. Nhưng, cuối cùng nhận ra, anh không thuộc về điện ảnh mà là hội họa.

Họa sĩ Đào Hải Phong lần đầu có triển lãm Ký ức Hà Nội năm 1993 tại Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ đó đến nay, các sáng tác của anh được triển lãm, trưng bày và nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật của Việt Nam, Singapre, Thụy Sỹ, Anh và nhiều nơi trên thế giới.Năm 2019, tại triển lãm Lối Phong tại Hà Nội, một trong số các tác phẩm của anh đã thuộc về bộ sưu tập của bà Hillary Clinton, cựu Ngoại trưởng Mỹ.

NGUYÊN TÔ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.