Công phu như... làm cà phê chồn
Nằm hút sâu trong con hẻm nhỏ, nhưng thương hiệu cà phê chồn và danh tiếng ông Nguyễn Quốc Minh (P.10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã nổi khắp Việt Nam. Không những thế, tên tuổi của ông còn được hàng triệu người biết đến với việc làm nên thức uống đắt bậc nhất thế giới.
Ông Minh cho biết: "Ở Việt Nam, một bình cà phê của tôi pha khoảng 10 gram, dành cho ba người uống, chi phí tổng thể hết 200.000 đồng. Còn ở bên Mỹ, một ly cà phê chồn khoảng 7 gram chi phí hết 100 USD, đắt gấp 10 lần giá tại Việt Nam. Trong khi đó, một ly cà phê chồn ở Anh hay Pháp là 50 USD. Sở dĩ nó đắt là bởi, đây là thức uống thuộc hàng quý hiếm. Nhiều người xem thức uống này như một huyền thoại".
Ông Minh (thứ tư, từ phải sang) đang hướng dẫn khách tham quan cách thử cà phê. (Ảnh H.M)
Thực tế cho thấy, một bình cà phê của ông Minh dành cho ba người uống có giá 200.000 đồng cũng nằm ở mức trung bình. Tại trang trại của ông Minh có khoảng 60% là khách Việt Nam đến thưởng thức; còn lại là khách nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp còn đòi bao tiêu sản phẩm ông làm ra. Vì khách nước ngoài nhiều nên nhân viên trang trại ông Minh toàn là cử nhân đại học và phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Ông Minh cho biết: "Điều tôi làm là vì thích, nên tôi rất vui vẻ, hạnh phúc. Còn về chất lượng sản phẩm, hình thức phục vụ thì do người thưởng thức tự bình chọn, hữu xạ tự nhiên hương mà!".
Loại thức uống huyền thoại Với nhiều người, cà phê chồn sạch là thức uống thuộc loại hiếm và đắt tiền hàng đầu thế giới. Trên thế giới, nhiều nước cũng đã sản xuất được cà phê chồn như: Indonesia (tên gọi thức uống là Kopi Luwak), Philippines, Ethiopia..., với số lượng rất hạn chế. Cà phê chồn Kopi Luwak của Indonesia có thời kỳ giá bán khoảng 1.300 USD/kg và được một số báo chí của nước ngoài mệnh danh thuộc hàng đắt nhất thế giới. Khoảng năm 2009, hãng cà phê Trung Nguyên của Việt Nam cũng có dòng sản phẩm cà phê chồn Weasel bán với giá 3.000 USD/kg. |
Từ những kinh nghiệm học được ở nước ngoài về nuôi chồn, ngỗng, gà tây, ông Minh đủ tự tin để thực hiện kế hoạch nuôi hàng ngàn con. Bên cạnh đó, ông sẽ mở rộng số đất trồng cà phê ở nhiều nơi khác nhau và chia chồn ra nhiều tốp nhỏ. Vì theo ông, đó là một chiến lược hoàn hảo để khi sự cố bệnh dịch xảy ra thì vật nuôi không bị bệnh toàn bộ; có thể dễ dàng khống chế dịch bệnh để bảo vệ được những con khác. Mùa cà phê kéo dài cỡ ba tháng nhưng ông chỉ cho chồn ăn cà phê được chừng một tháng. Trong thời gian ấy, ông cho chồn ăn cà phê xen kẽ với cháo đường để khi chồn cho ra cà phê thì chỉ thuần cà phê không lẫn tạp chất. Ông Minh cũng đang nhờ các nhà khoa học nghiên cứu trồng cà phê trái mùa để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, cái mà ông Minh lo lắng nhất không phải là sản lượng mà là làm sao nuôi được chồn khỏe mạnh thì mới có cà phê chất lượng nhất.
Những con chồn được nuôi trong lồng rất dạn người. (Ảnh H.M)
Sau hơn 10 năm tìm tòi, ông Minh lần đầu nhập chồn ở Indonesia về, nhưng vẫn không tránh được những tổn thất. Để nuôi chồn đúng quy trình, trong trại của ông Minh luôn có đồng hồ nhiệt độ để kiểm soát. Đồng thời, ông lập sổ y tế của từng con để kiểm tra sức khỏe của chúng. Ông Minh cho biết: "Chu trình sinh hoạt của chồn là ngày ngủ đêm thức. Vì thế, lúc cho ăn, tôi thường mở nhạc cho chồn quen. Bình thường, chồn được nhốt ở các lồng sắt, các lồng này có thông một lỗ với nhau, đến mùa sinh sản thì tôi mở cái lỗ ấy cho chúng chạy qua lại giao phối. Sở dĩ, tôi không thả chồn ra vườn là để bảo vệ sức khỏe của chồn, kiểm soát bệnh dịch của chúng; đồng thời, cà phê được chồn ăn và thải ra không có lẫn tạp chất và bị ảnh hưởng bởi khí hậu, môi trường xung quanh, lại ổn định sản lượng. Thực tế, khi hái cà phê cho chồn ăn, chúng cũng lựa chọn những trái ngon để ăn, trái nào không thích là chúng bỏ lại".
Cho đến nay, trang trại của ông Minh đã nuôi thành công 120 con chồn hương. Theo ông, chồn là loài động vật rừng nên rất khó thích nghi với cuộc sống tù túng, sắp đặt. Sau khi chồn ăn cà phê và cho ra "sản phẩm" là công đoạn làm sạch. Sau công đoạn làm sạch phải mất tới sáu tháng ủ với nhiệt độ khoảng 40 độ C, không bỏ thêm bất cứ hóa chất nào thì người uống mới bắt đầu được thưởng thức.
Sản phẩm sau khi chồn thải ra. (Ảnh H.M)
Cơ hội làm giàu cho người dân
Sở thích hái ra tiền Chia sẻ với chúng tôi, ông Minh cho biết: "Tôi làm hoàn toàn là vì sở thích, nên có nhiều người nói phải rất lâu tôi mới thu hồi vốn được. Nhưng thực tế, việc thu hồi vốn lại do kế hoạch của mỗi người, với tôi việc thu hồi vốn là rất nhanh. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, vì ngoài hiệu quả kinh tế cho riêng bản thân, tôi còn muốn có hiệu quả cho toàn xã hội từ việc trồng cà phê chồn…". |
Kinh nghiệm của ông Minh cho thấy, những chi phí bên lề của việc làm cà phê chồn rất dân dã. Người trồng cà phê bình thường để lấy sản lượng thường phải đầu tư khá cao từ phân tro, nước, thuốc sâu, thuốc cỏ, công lao động… Thông thường, mỗi ha cà phê cho sản lượng bình quân 5.000 kg, nếu tính giá trung bình 30.000 đồng/kg thì tổng thu được khoảng 150 triệu/ha. Khi khấu trừ chi phí thì thu nhập còn lại của người dân trong 1ha đó chỉ còn lại hơn một nửa. Trong khi đó, 1ha cà phê Moka (cà phê trồng cho chồn ăn của ông Minh) cho sản lượng khoảng hơn 100 kg cà phê chồn. Nếu tính theo giá hiện tại, 1kg cà phê chồn có giá 20 triệu đồng thì 1ha cà phê chồn của ông Minh sẽ có thu nhập hơn 2 tỷ đồng.
Vì nguồn cà phê chồn khan hiếm nên ông Minh đành làm "bản ghi nhớ" với công ty của Hàn Quốc. (ảnh H.M)
Việc chăm sóc cà phê chồn cũng khá đơn giản. Ông Minh cho biết: "Mỗi héc ta cà phê chỉ cần nuôi vài chục con ngỗng và 10 gà tây là được. Thứ nhất là vì loại này ăn cỏ nên cho lượng thịt giàu chất đạm và thịt cũng nguyên chất hơn. Thứ hai vừa phát triển được nhiều mặt mà đỡ chi phí. Đối với loại này, chỉ cần quây chúng lại bằng một vòng vây lưới cỡ 15m2. Khi chúng ăn hết cỏ ở khu vực đó và đào thải một lượng phân nhất định để nuôi cây thì di chuyển qua vùng khác, hạn chế cho ăn thức ăn bổ sung. Cứ như thế xoay vòng hết cả năm mà không tốn chi phí phân tro, thuốc trừ sâu hay diệt cỏ gì cả. Ngoài ra, còn có nguồn thịt "sạch" từ ngỗng, gà tây để cung cấp cho sinh hoạt. Hiện tại, cà phê Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản lượng, nhưng chất lượng cũng như thu nhập của người dân không cao. Tôi rất mong muốn mọi người áp dụng chương trình cà phê chồn để cà phê Việt Nam trở thành sản phẩm cà phê sạch có thương hiệu hơn, vừa đỡ chi phí mọi mặt".
Để đảm bảo đầu ra cũng như giúp đỡ nhiều người làm kinh tế, ông Minh dự định sẽ di chuyển đàn chồn như di chuyển ong. Ông khuyến khích người dân trồng cà phê Moka theo hình thức của ông, nếu không đủ tiền mua chồn, ông sẽ di chuyển đàn chồn của ông đến. Từ đó, ông sẽ hỗ trợ dân mua với mức giá cao hơn thị trường để vừa có cà phê sạch, người dân lại có thu nhập cao hơn.
Chia sẻ quyết tâm này, ông Minh cho biết: "Về sản lượng thì tôi không ngại, chỉ có cái khó là khả năng đầu tư tài chính và thị trường. Làm sao để tôi có thể giới thiệu ở những trung tâm du lịch lớn cho khách nước ngoài và cả dân Việt Nam được thưởng thức, cảm nhận chất lượng cà phê chồn. Thực tế, các nước tiên tiến trên thế giới đều ưa chuộng thực phẩm sạch, vì thế cơ hội cho cà phê chồn là rất cao".
Hoàng Minh