Dạo qua chợ đá quý Lục Yên hoặc bỏ công lên tận các mỏ đá, người ta có thể mua được cả lô với giá rẻ như cho, thậm chí nếu khéo léo còn có thể xin, không mất tiền. Nhưng chỉ cần ra khỏi "thủ phủ" đá quý, dưới sự phù phép của những người trong nghề, ngay lập tức chúng sẽ được lột xác trở thành những viên đá bạc triệu mà không phải ai cũng dám mơ ước một lần được sở hữu.
Một góc chợ đá quý Lục Yên.
10 nghìn đồng cũng mua được đá quý
Hoạt động từ những ngày Lục Yên vẫn còn là cái tên nóng bỏng trong cơn sốt đá quý những năm 90 của thế kỷ trước, chợ đá quý như một món ăn đặc sản của vùng đất được mệnh danh là "thủ phủ" đá quý này. Ở đây, đá quý đủ các loại được bày bán "vô tư" như mớ rau, con cá trên những chiếc bàn gỗ cũ kỹ để khách mua có thể thoải mái xem xét, chọn lựa như thể cảnh trộm cắp nhộn nhạo không bao giờ có thể xảy ra.
Dạo một vòng quanh chợ, tôi nhận thấy các loại đá quý được bày biện trên mặt bàn chủ yếu vẫn còn ở dạng thô, vừa được khai thác từ các mỏ chứ chưa qua chế hay gọt giũa. Giá của chúng cũng rất vô cùng tùy thuộc từng loại đá, kích cỡ lớn nhỏ, chất lượng, màu sắc... Trong đó, ruby vẫn là một trong những loại đá quý có giá thành đắt đỏ nhất nhưng những viên ruby được bày bán ở đây chủ yếu đều rất nhỏ. Khối lượng của chúng chỉ đạt khoảng trên dưới 10 cara và có giá dao động từ 1 - 3 triệu đồng. Các loại đá quý thông thường khác như thạch anh, hổ phách, thiên thạch... được bày bán rất nhiều với giá rẻ như cho, chỉ cần vài trăm nghìn cũng có thể mua được. Thậm chí với những loại đá thô, xấu, vụn, người ta có thể mua nguyên cả lô với giá vài chục nghìn đồng. Nếu bỏ công lên đến tận mỏ thì với những loại đá ấy, nhiều khi chỉ cần bỏ ra 10 nghìn đồng cũng có thể mua được.
Trong lúc lang thang ở chợ đá quý Lục Yên, nghe kẻ bán người mua bình luận rôm rả về những viên đá nhỏ bé, vô tri vô giác, tôi bắt đầu nảy sinh những ý nghĩ tò mò và sự ham muốn khó cưỡng trước những bí mật đầy hấp dẫn của chúng. Nhất là khi nghe họ bàn tán về những vụ được đá cực lớn mới xảy ra ở xã An Phú, tôi quyết định lên kế hoạch thâm nhập một số mỏ đá quý trong vùng, vừa để thỏa chí tò mò vừa để thử vận may với hy vọng sẽ kiếm được vài viên ruby kha khá.
Ngay chiều hôm ấy, tôi cùng mấy người bạn mới quen, đều hoạt động trong lĩnh vực buôn bán đá quý ở Lục Yên chạy xe lên một số mỏ đá đang hoạt động ở An Phú. Vì trời mới mưa hôm trước nên con đường nửa đất nửa bê-tông dẫn vào xã nham nhở những vũng bùn, trơn như đổ mỡ. Càng gần mỏ Bãi Chuối, đường càng trở nên khó đi với những lối mòn hẹp, dốc thẳng đứng, lổn nhổn đá hộc, cỏ mọc um tùm. Thế mới biết, để đến được mỏ đá quý, người ta đã phải trải qua một hành trình gian nan thế nào chưa nói đến việc tìm được đá.
Chàng thanh niên người Tày tên Hoàng Đĩnh Chung sinh năm 1990, một trong những người đi cùng tôi cho biết dù đường đi vô cùng hiểm trở, nhưng những người buôn đá ở Lục Yên vẫn muốn lên tận các mỏ, tìm mua ngay những viên đá quý vừa khai thác được với cái giá rẻ nhất có thể. Sau đó, họ sẽ mang đá về, phân loại kỹ càng, chế tác kiểu dáng để nâng giá trị của viên đá lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với lúc ban đầu. Nhờ vậy, những người làm nghề buôn đá quý thường giàu lên nhanh chóng nhờ những lợi nhuận khổng lồ do đá quý mang lại.
Hun hút đường vào mỏ đá.
Kiếm tiền tỷ nhờ "phù phép" đá thô
"Nước mắt của mẹ đất" Kết tinh từ lòng đất trong quá trình biến đổi địa chất hàng nghìn năm, đá quý vẫn được ví như những giọt nước mắt của người phụ nữ khổng lồ mang tên "mẹ đất". Mỗi viên đá dường như đều mang trong mình một thứ sức mạnh siêu nhiên và những bí mật lạ kỳ không phải ai cũng đủ bản lĩnh để có thể nhận ra chúng. Điều đó đồng nghĩa với việc những viên đá đôi khi không thể tự nói lên giá trị của chính mình. Giá trị của chúng phần nhiều được định đoạt bởi con mắt thẩm định và tầm cỡ của những người chơi sành sỏi. Đó cũng là một trong những lý do tạo nên sức hấp dẫn muôn đời của đá quý. |
Phàm những người đã một lần bước chân vào nghề buôn đá quý đều không muốn rút chân khỏi lĩnh vực này bởi lợi nhuận không ngờ mà nó đem lại. Nhiều người vì muốn tìm kiếm vận may, thay đổi số phận đã tìm đến “thủ phủ” đá quý Lục Yên với hai bàn tay trắng để rồi sau một vài phi vụ làm ăn thuận buồm xuôi gió nhanh chóng lột xác thành những "ông trùm đá đỏ" tiền nhiều như nước. Nhất là những năm 90 của thế kỷ trước, khi đá quý Lục Yên vẫn đang ở đỉnh cao của sự phát triển, những chuyện người dân được đá, đổi đời nhiều như cơm bữa. Dân tứ chiếng đổ về Lục Yên đông như trẩy hội nhưng đá quý vẫn đủ cho tất cả mọi người. Ngày ấy, chuyện phu đá bắt được những viên hồng ngọc trị giá vài trăm triệu đồng, thậm chí có những viên ruby sao không tính được bằng tiền cũng không phải là chuyện hiếm. Vào thời điểm nóng bỏng ấy, nhiều người đã thật sự đổi đời nhờ đá quý. Chỉ cần tìm được một vận may do đá quý mang lại, một kẻ ăn mày cũng có thể trở thành một ông vua.
Nhưng, trong thế giới phù hoa chủ yếu phụ thuộc vào sự may rủi ấy, dù trúng đá bạc tỷ thì những người trực tiếp tìm ra chúng cũng chỉ bán được với giá tương đối mà bản thân họ cảm thấy như thế đã là một cái giá tuyệt vời. Bởi hầu hết những người trực tiếp tham gia công việc đào đá, chịu đựng gian khổ, đối mặt hiểm nguy trong các hầm mỏ hay trên vách núi đều không hiểu hết giá trị của những viên đá mình tìm được. Chỉ những người buôn sành sỏi mới biết cách mài giũa và đẩy giá trị của chúng lên cao. Cũng với viên đá ấy, riêng quá trình đưa từ “thủ phủ” đá quý Lục Yên đến các thành phố lớn như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã đủ khiến giá cả của nó được nâng lên một trời một vực so với giá cũ. Nếu được chế tác cẩn thận, gọt giũa thành những tác phẩm nghệ thuật, cái giá ấy sẽ còn tiếp tục được đẩy lên nhiều lần hơn nữa. Đó chính là lý do khiến người ta luôn luôn mặn mà với công việc kinh doanh đá quý dù thời hoàng kim của nó chỉ còn là một quá vãng xa xôi không bao giờ quay trở lại.
Ngay cả loại đá "cám" gồm các loại đá quý kém chất lượng, ở dạng thô, vụn được bán thành từng lô, đong bằng bát, tính bằng cân nhưng một khi vào tay người biết sử dụng, chúng cũng trở thành những món hàng vô cùng đắt đỏ. Với vài trăm nghìn tiền đá "cám", bằng sự khéo léo, người ta có thể biến chúng thành những bức tranh đá quý trị giá bạc triệu hoặc những món đồ phong thủy dùng để trấn yểm, cầu may được bán với giá "cắt cổ" nhưng vẫn đắt người mua. Có những viên đá khi chưa qua chế tác nhìn rất xấu xí, tưởng như không mấy giá trị nhưng chỉ khi loại bỏ lớp vỏ thô kệch bên ngoài, người ta mới thấy được vẻ đẹp độc nhất vô nhị của chúng. Cũng vì thế, rất nhiều người làm nghề kinh doanh đá quý đã nhanh chóng phát tài khi mua được những viên đá "ẩn tướng" như vậy với giá chỉ vài trăm nghìn đồng để rồi chỉ sau vài thao tác làm "lộ tướng", họ có thể đẩy giá của đá lên vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.
Dương Dung
Kỳ 2: Đời phu mỏ - ván bài may rủi