Để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thủ phủ hoa Đà Lạt – Lâm Đồng đã gieo trồng gần 3.700 ha hoa các loại, sản lượng gần 1,4 tỷ cành, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến từ ngày 14/1 tới (12 tháng Chạp), nhà vườn sẽ bắt đầu thu hoạch hoa chuyển đi các tỉnh để kịp cho thị trường Tết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, năm nay cơ cấu, chủng loại hoa khá đa dạng. Theo đó, người dân chú trọng xuống giống một số loại cây chủ lực như hoa cúc tăng 26% về diện tích và sản lượng; hoa lily tăng 15% về diện tích và sản lượng; hoa đồng tiền và một số loại hoa khác tăng nhẹ về diện tích và sản lượng so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích hoa chủ yếu được trồng tập trung tại địa bàn thành phố Đà Lạt, huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương và Lâm Hà.
Trước đó, ngành nông nghiệp cũng nhập khẩu gần 10 triệu ngọn/cây/củ/hạt giống hoa các loại về gieo trồng chuẩn bị cho thị trường Tết. Trong đó hoa lily có trên 4 triệu củ giống, còn lại là hoa hồng môn, tulip, hồ điệp, cát tường… Hiện nay, các nhà vườn đang vào cao điểm chăm sóc, chuẩn bị thu hoạch hoa trong hơn một tuần nữa để kịp chuyển đi các tỉnh tiêu thụ.
Để hỗ trợ cho người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cũng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là ngành vận tải tăng cường phương tiện, tổ chức phương án vận chuyển để tránh ách tắc, tồn đọng hoa khi vào cao điểm vụ Tết.
Đồng thời, tăng cường thông tin, hỗ trợ về các chuỗi liên kết sản xuất để sản phẩm của người dân được tiêu thụ kịp thời với giá ổn định trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới.
Tiền Giang giảm khoảng 2/3 sản lượng so với mọi năm
Tổ hợp tác (THT) sản xuất hoa tươi Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, Tp.Mỹ Tho) tỉnh Tiền Giang được xem là nơi trồng hoa Tết nhiều nhất làng hoa Mỹ Tho. Dự kiến THT sẽ cho ra thị trường khoảng 200.000 giỏ hoa tươi với các chủng loại hoa, như: Vạn thọ, cúc mâm xôi, mào gà, vàng hòe, cúc Hà Lan, Cát Tường, đồng tiền…, giảm khoảng 2/3 sản lượng so với mọi năm, đáp ứng nhu cầu phục vụ hoa tươi Tết 2022 của người dân tỉnh Tiền Giang và các tỉnh lân cận. Theo nhận định của THT sản xuất hoa tươi Mỹ Phong, năm nay, sản lượng các loại hoa dài ngày có chiều hướng giảm do thời gian ươm và xuống giống rơi vào thời điểm giãn cách xã hội nên việc chăm sóc cũng như trồng hoa không thể thực hiện được.
Trao đổi với báo Đảng Cộng Sản, ông Trương Văn Nhung, Tổ trưởng THT sản xuất hoa tươi Mỹ Phong cho biết: “Năm nay, số lượng giỏ hoa giảm rất đáng kể. Người trồng gặp khó khăn trong khâu đi lại, chuẩn bị vật liệu xuống giống và đầu ra cây giống hoa dài ngày không tiêu thụ được. Chẳng hạn như cúc mâm xôi xuống giống vào tháng 6 âm lịch, cúc Hà Lan tháng 8 âm lịch nhưng rơi vào thời điểm tỉnh Tiền Giang thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg nên khó khăn trăm điều, phần lớn người trồng hoa năm nay lỗi hẹn với các loại hoa dài ngày này".
Thời điểm này, thời tiết khá thuận lợi, hoa phát triển khá tốt. Tuy nhiên, giá vật tư, nhân công đều tăng từ 15 - 20%, nhiều loại phân bón giá tăng đến 50%. Nhiều nhà vườn nhận định giá hoa sẽ tăng hơn so với mọi năm thì người trồng hoa mới có lãi.
Hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, người trồng hoa đang lo lắng về đầu ra cũng như các mối tiêu thụ. Vì hàng năm, đầu ra của làng hoa Mỹ Tho chủ yếu là các thương lái đến từ Tp.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và tỉnh tổ chức trang trí đường hoa, khu vui chơi dịp Tết. Dù có nhiều lo lắng nhưng người trồng hoa tại Tp.Mỹ Tho nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung đang hy vọng vào vụ hoa lớn nhất trong năm sẽ trúng mùa, được giá.
Nhà vườn ở Hưng Yên không dám mở rộng sản xuất
Vào thời điểm này mọi năm, các làng hoa ven Hà Nội đang sôi động bước vào vụ hoa Tết. Tuy nhiên, năm nay tại các làng hoa lớn như Phụng Công, Xuân Quan (Hưng Yên) lại vắng bóng thương lái.
Các loại hoa được cung cấp cho thị trường Tết đa dạng từ hoa trang trí như dạ yến thảo, lan chi, cúc các loại, trạng nguyên, hoa hồng... cho đến các loại cây cảnh như hoa trà, hoa giấy. Hằng năm, ngoài thương lái, nhiều khách thường mua lượng hoa lớn để trang trí các công trình phục vụ Tết.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sản lượng hoa Tết được tiêu thụ ít hơn hẳn khiến nhiều nhà vườn không dám mở rộng sản xuất.
"Các nguyên liệu đầu vào đều phải nhập cao hơn từ giống, phân bón đến chậu cây. Mọi năm giờ này hoa chạy vèo vèo, nhưng năm nay hoa xuất đi chậm lắm, thương lái chỉ thu mua cầm chừng. Nhà tôi năm nay chỉ dám làm số lượng hoa bằng 1/3 những năm trước", chủ vườn Hoạt Vị (làng hoa Xuân Quan) ngậm ngùi chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Để chuẩn bị cho vụ hoa Tết, các nhà vườn đã phải chuẩn bị từ 6 tháng trước, từ ươm mầm, đánh cây, chăm bón để cây ra hoa đúng dịp Tết. Giá hoa hiện tại chênh lệch không nhiều so với những năm trước. Tùy vào loại hoa mà giá dao động từ 10.000-70.000 đồng/bầu.
Hương Anh (tổng hợp)