Thứ quả xưa ít ai biết nay thành đặc sản dân phố thích mê

Thứ quả xưa ít ai biết nay thành đặc sản dân phố thích mê

Thứ 4, 10/07/2024 10:30

Loại quả này được xem là đặc sản của vùng núi rừng Tây Bắc. Những năm gần đây được người dân thành phố săn lùng vì vừa ngon vừa sạch.

Quả quéo (hay còn gọi là quả muỗm) có danh pháp khoa học là Mangifera foetida Lour, là một loài thực vật thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).

Cây quéo to, cao chừng 15-20m, lá quéo đơn nguyên, mọc so le, thuôn dài về phía gốc, mặt lá nhẵn bóng. Hoa có màu trắng nhỏ mọc thành chùm kép ở ngọn cành, cánh hoa hình mũi mác hẹp, dài gấp 3 lần lá đài. Một nhị sinh sản dài bằng cánh hoa, còn 3-4 cái khác ngắn hơn một ít.

Cây quéo được tìm thấy tại các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Myanmar, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam…

Tại Việt Nam, quả quéo được xem là đặc sản của vùng núi rừng Tây Bắc. Mỗi năm quả quéo có 2 mùa: từ tháng 3 đến tháng 6 và từ tháng 10 đến tháng 11.

Theo Dân Việt , quả quéo khi chín màu vàng, thịt mọng nước và có mùi thơm đặc trưng. Nhiều người còn nhận xét quéo giống thanh trà, mùi vị cũng tương tự.

Thứ quả xưa ít ai biết nay thành đặc sản dân phố thích mê- Ảnh 1.

Quéo là loại quả được xem như đặc sản của vùng núi rừng Tây Bắc, có hình dạng giống xoài.

Quả quéo có hình dạng giống hệt quả xoài bình thường nhưng có kích thước chỉ bằng một nửa, một số ý kiến lại cho rằng nó giống hệt quả thanh trà, tuy nhiên mùi vị của chúng lại hoàn toàn khác. Quả quéo khi xanh có vị chua, chát nhưng khi chín lại ngọt lịm và chứa rất nhiều nước vì phần thịt của chúng dày hơn hẳn. Khi chưa chín, loại quả này dùng để nấu canh hoặc muối chua, khi chín trở thành loại trái cây giải khát của trẻ con miền núi.

Cũng như nhiều loại quả dại khác, quả quéo mọc hoang khá nhiều. Ngày trước chỉ cần ra bìa rừng ở gần nhà là có thể tìm thấy, tuy nhiên thời gian gần đây do diện tích đất rừng bị thu hẹp nên loại quả này ngày một hiếm dần. Bây giờ người dân phải vào sâu trong rừng mới tìm thấy quả quéo.

Chị Hoài, người bán đặc sản Tây Bắc trên chợ mạng, chia sẻ với Tri thức & Cuộc sống : "Hơn chục năm rồi em mới được thưởng thức lại quả quéo. Cây mọc ở rừng nên sạch khỏi bàn, toàn những cây cổ thụ, mỗi cành chỉ vài quả, không sai như cây xoài đâu mọi người ạ. Quả quéo lúc xanh thì chua nên có thể chấm muối, dầm đường, còn lúc chín ngọt lịm và thơm nức, mọng nước",

Thứ quả xưa ít ai biết nay thành đặc sản dân phố thích mê- Ảnh 2.

Quả quéo lúc xanh thì chua nhưng khi chín kỹ thì ngọt lịm, có mùi thơm rất riêng.

Anh Long, ở Hòa Bình, thì cho biết: "Mình còn nhớ trước đây vào rừng có nhiều cây quéo cổ thụ, cây nào cũng to cao nên việc hái quả không hề dễ. Mình và đám bạn trong làng thường dùng gạch ném vào quả để trái rụng xuống. Quả xanh non thì đem về cho bà, cho mẹ nấu canh, còn quả già thì chấm muối ăn tại gốc, hoặc về nhà ủ vài ngày là chín vàng".

Long cho biết những năm gần đây cây quéo hiếm hơn, phải đi vào rừng sâu mới tìm được. Tại các chợ quê, đến mùa có nhiều người mang quéo ra bán với giá khoảng 20.000-30.000 đồng/kg. Còn về thành phố, giá quéo đội lên cao hơn nhiều.

"Quéo và xoài có những hương vị riêng, quéo có mùi thơm hơn xoài nhưng chua hơn. Mình nhớ nhất món quéo nấu canh cá lóc của mẹ, lâu lâu về quê mình vẫn bảo mẹ nấu lại món này để thưởng thức", Long nói thêm.

Chị Hạnh (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết quả quéo chua nên trước đây không được ưa chuộng bằng xoài. Nay người dân thành phố thích các loại quả rừng, vừa sạch vừa có hương vị lạ nên quéo được ưa chuộng hơn. Nắm bắt được nhu cầu này, người dân ở vùng núi vào rừng hái quéo để bán.

Được biết, quả quéo có chứa nhiều chất bột, chất đường, chất gôm, axit hữu cơ chủ yếu là axit xitric, caroten 121 đến 363,8mg trong 1.000g, vitamin C 13,2-80mg%, vitamin B… rất tốt cho sức khỏe.

Minh Hoa (t/h)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.