Chuối rừng có lẽ còn lạ với người dân thành phố nhưng không lạ gì với người dân sống ở vùng núi Tây Bắc, Tây Nguyên và miền Trung.
Theo Sức khỏe & Đời sống, chuối hột rừng có tên khoa học là Musa acuminata Colla thuộc họ chuối (Musaceae).
Cây có thân giả cao tới 3 - 4m; lá có phiến dài, mặt dưới có thể tía; cuống xanh có sọc đỏ. Hoa chuối hột rừng mọc thẳng đứng ở ngọn (khác với các loài chuối trồng có hoa mọc thõng xuống), màu đỏ thẫm, xen lẫn với những quả chuối màu vàng rộm, số nải ít hơn 10, mo quấn lên.
Trái chuối rừng to bằng ngón tay cái, có hạt, lúc chín vàng ươm ăn ngọt lịm. Nhưng do trái có nhiều hột nên thường người ta không ăn mà chỉ lấy hột làm thuốc.
Chuối hột rừng có hai loại, trái lớn và trái nhỏ. Tất cả ngâm rượu đều thơm, ngon nhưng loại trái nhỏ có phần nhỉnh hơn vì nhựa nhiều. Chuối càng nhiều nhựa ngâm rượu càng ngon và ngọt.
Trái chuối hột còn non, thái mỏng, trộn với các loại rau sống, ăn với nộm sứa, gỏi cá để giảm vị tanh và đề phòng tiêu chảy. Ngoài ra chuối hột rừng còn có tác dụng chữa đái tháo đường, viêm thận, tăng huyết áp.
Theo Tri thức & Cuộc sống, tại Việt Nam, chuối này phân bố nhiều ở vùng cao, các tỉnh thành miền núi ở nước ta như Trường Sơn, Tây Bắc, vùng núi miền Trung... Chúng sinh trưởng tốt ở địa hình núi cao, đất sỏi đá, hấp thụ được nhiều dưỡng chất từ thiên nhiên.
Trước đây chuối hột mọc đầy rừng, đến mùa trái chín rụng đầy gốc nhưng ít ai ngó ngàng. Chỉ có người dân địa phương vào hái về sắc thuốc, ngâm rượu.
Những năm gần đây, nhiều người truyền tai nhau về vô số tác dụng sức khỏe của chuối hột rừng nên chúng được "săn lùng" với giá khá đắt đỏ.
Bà Đào (ở huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cho biết gần đây có nhiều người hỏi mua chuối hột rừng nên bà mang giỏ đi dọc các khe, suối để hái quả, kiếm thêm thu nhập.
"Chuối hột rừng cho quả quanh năm. Nhiều người thu mua chuối của bà con, sau đó về ủ chín, lột vỏ rồi đem phơi khoảng 3 ngày, đưa vào lò sấy cho khô là có thể xuất bán. Trước đây người dân hay mang ra nắng phơi khô, nhưng bây giờ hiện đại, mọi người cho vào lò sấy để giữ màu sắc, hương vị của chuối, vừa đảm bảo không có ruồi nhặng bu bám, chuối không bị đen", bà Đào nói thêm.
Anh Thanh (ở Hòa Bình) cho biết chuối hột nên chọn quả bé, quả càng nhỏ thì nhựa quả chất lượng hơn và chứa nhiều dinh dưỡng hơn.
Loại chuối này có thể ăn lúc chín, thịt ngọt lịm, thơm lừng nhưng chúng có rất nhiều hạt nên không ai mua chuối hột để ăn, chỉ mua về ngâm rượu hoặc sắc uống.
Dựa trên cách sơ chế, có thể phân thành chuối hột rừng tươi và dạng dược liệu phơi khô. Trên chợ mạng, chuối hột được bán có 2 loại: loại thái lát chừng 75.000 – 110.000 đồng/kg; khô cả quả khoảng 150.000 đồng/kg.
Anh Thanh cho biết anh còn làm cả hạt chuối hột rừng khô. Cách lấy hạt chuối hột cũng rất kỳ công, phải để chuối chín mới lấy hạt được, sau đó sao khô và đóng gói. Vì kỳ công hơn nên giá hạt chuối hột rừng cũng khá đắt đỏ.
Theo một số tài liệu, chuối hột rừng ngâm rượu có vị ngọt thơm, màu vàng nhạt, dùng chữa bệnh thận, sỏi thận, đái tháo đường, đau lưng, nhức mỏi xương khớp, tráng dương, tăng cường sức khỏe phái mạnh, giải nhiệt, bệnh dạ dày, kích thích tiêu hóa,...
Tuy nhiên, để cho rượu chuối ngon và hấp dẫn, cần chế biến mới đạt yêu cầu.
Dưới đây là cách ngâm rượu chuối hột ngon được chia sẻ bởi lương y Hoàng Duy Tân trên báo Sức khỏe & Đời sống:
Chuối phải thật chín, thái mỏng, phơi nắng (nhớ là phải giữ không cho ruồi nhặng bu vào và bụi bay vào), phơi càng khô càng tốt.
Rượu ngâm phải là rượu trắng, không pha tạp (thường gọi là rượu cốt,rượu nguyên chất, nồng độ phải > 40 độ).
Đồ ngâm rượu phải là thủy tinh, rửa sạch. Bỏ chuối vào, chuối chiếm 1/3 lọ, đổ rượu đầy 2/3 lọ, để lại 1/3 chân không cho chuối nở. Đậy kỹ nắp, 100 ngày sau là uống được , để càng lâu càng tốt.
Rượu chuối hột được xếp vào loại rượu thuốc, không nên ngâm uống để nhậu xỉn.
Rượu chuối hột để hỗ trợ điều trị bệnh sạn thận, bổ thận: liều lượng mỗi bữa ăn 1/2 tách uống trà (10 - 20ml).
Các vị thuốc gia giảm phải theo từng người: cao, hạ huyết áp, nhiệt, hàn, cần bổ khí, cần bổ huyết… không nên tùy tiện dùng sẽ phản tác dụng.
Minh Hoa (t/h)