Thời gian gần đây, trên chợ mạng có vài địa chỉ rao bán một loại quả rừng được giới thiệu có nhiều tác dụng với sức khỏe, đó là quả máu.
Theo quan sát, loại quả này có màu đỏ tươi, bên trong cũng đặc sánh, màu đỏ như màu máu. Chắc có lẽ bởi màu sắc của chúng như vậy mà người dân địa phương gọi đó là quả máu.
Được biết, cây máu mọc hoang dại ở các khu rừng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai…
Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch hàng năm là thời điểm thu hoạch quả máu. Chúng mọc thành từng chùm đỏ tươi trên cây trông rất bắt mắt.
Trước đây, quả máu mọc đầy bìa rừng và bờ bụi nhưng chỉ có người dân địa phương hái về ngâm rượu hoặc đám trẻ con hái để ăn chơi. Những năm gần đây, khi các loại quả dại có hương vị lạ được người thành phố ưa chuộng, quả máu "lên đời" thành đặc sản được bán với giá vô cùng đắt đỏ.
Đã quen với quả máu nên mỗi khi vào mùa, chị Trương Diệu Anh ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) chi tiền triệu để mua quả máu về làm siro.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Diệu Anh cho biết được người quen ở vùng Quảng Ninh mách cho cách ngâm quả máu với rượu hoặc đường làm siro uống sẽ giúp bổ máu, bổ sung sắt, chống đau xương khớp, giảm stress và đặc biệt là giúp đẹp da…
Từ đó, năm nào vào mùa trái chín chị cũng tìm mua vài cân về ngâm. Song, phần lớn chị chỉ ngâm với đường để cả nhà cùng uống. Rất ít khi chị ngâm với đường và rượu, dù thành phẩm khi uống có vị giống với rượu vang, màu đỏ trong veo rất đẹp mắt.
Theo chị, dù ngâm với đường hay ngâm rượu thì quả máu khi mua về đều phải rửa sạch, để ráo nước, sau đó khía đôi hay khía tư phần vỏ, tách hở thịt quả để khi ngâm sẽ nhanh ngấm hơn.
Loại quả này có giá khá đắt đỏ. Có năm chị phải mua với giá 350.000 đồng/kg, thậm chí năm 2020 giá còn lên tới 500.000 đồng/kg. Năm 2022 chị tìm mua được mối bán 260.000 đồng/kg, đặt mua 5kg cũng hết tiền triệu.
Được mọi người rỉ tai về công dụng của quả máu nên chị Đoàn Thị Huyền Trâm ở Trần Điền (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đặt mua 2kg quả máu về ngâm rượu đường.
Theo chị Trâm, quả máu nhìn bên ngoài khá giống quả cà chua bi, tách vỏ ăn thử thấy chua chua ngọt ngọt. Chị về sơ chế xong đem ngâm với đường theo 1kg quả tươi ngâm 400 gram đường trắng. Chị thường ngâm với đường đủ 30 ngày, sau đó đổ thêm rượu vào bình ngâm tiếp.
"Mọi người nói rượu ngâm dễ uống, vị rượu ngon như rượu vang và rất thơm", chị chia sẻ.
Chị Bình, người rao bán quả máu trên chợ mạng, thì cho biết: "Quả này mọc thành từng chùm như chùm nho. Khi chín quả chuyển dần từ màu vàng cam sang màu đỏ tươi như máu. Trước khi ăn người ta phải dùng tay bóp nhẹ, nặn kỹ, chà xung quanh quả cho đến khi quả mềm, chuyển sang màu tím đen rồi bóc phần vỏ, ăn phần ruột bên trong. Chúng có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm. Nếu không bóp kỹ thì quả sẽ hơi chát. Ngoài ăn tươi, quả này còn được mang ngâm đường làm thức uống giải nhiệt mùa hè, hoặc ngâm rượu",
Chị Bình giới thiệu quả máu có nhiều công dụng với sức khỏe song cũng chỉ là dựa trên kinh nghiệm truyền miệng, hiện chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng của loại quả này.
Khi mang ngâm rượu thì dùng dao rạch nhẹ phần vỏ rồi cho vào bình. Quả máu ngâm tầm 3 tháng sẽ ra thành phẩm có mùi thơm riêng biệt.
Giá quả máu từ 200.000-300.000 nghìn đồng/kg nên chị gom xuống Hà Nội để bán cho những người có nhu cầu.
"Mỗi lần tôi chỉ gom được vài chục cân. Những người chưa biết tới quả này thì đặt mua về ăn thử, còn những người đã biết tới chúng thì đặt 3-5kg về ngâm siro uống cả năm", chị Bình nói với Tri thức & Cuộc sống.
Trong tự nhiên quả máu khá hiếm, nên chục năm gần đây, nhiều người đã mang cây máu về trồng. Khoảng 5-6 năm cây bắt đầu ra quả và cho thu hoạch.
Thấy quả máu được bán với giá 300.000 đồng/kg, chị Hạnh (ở Quảng Ninh) vô cùng bất ngờ. Chị Hạnh cho biết: "Đây là quả rừng, thứ quả tuổi thơ hồi bé tôi và đám trẻ con thường trèo hái để ăn cho vui. Trước cây máu đầy rẫy, nhưng giờ hiếm lắm. Lâu lắm rồi tôi cũng chưa được ăn lại quả này. Không ngờ lại được bán đắt đến như vậy".
Bạn Minh Phương (ở Quảng Ninh) nói: "Quả này ăn vặt có vị chua ngọt, nhiều người còn ngâm rượu và nói chúng bổ máu, đẹp da, nhưng thực chất cũng chưa có ai chứng minh. Bây giờ ở quê mình không còn nhiều cây máu, chắc vào vào sâu trong rừng mới tìm được".
Minh Hoa (t/h)