Từ các thành phố và thị trấn nhỏ ở tỉnh Sơn Đông đến các con hẻm ở đô thị phía tây nam Trùng Khánh, hoạt động kinh doanh bánh mì của Trung Quốc đang ở trong một giai đoạn cao trào – mỗi ổ bánh chỉ 2 nhân dân tệ (6.800 VND) nhưng mang lại lợi nhuận siêu cao.
Bắt đầu từ tháng 9 năm ngoái, một số bài đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều cá nhân tuyên bố đã nghỉ việc để mở một tiệm bánh, kiếm được thu nhập đáng kể với mức đầu tư phải bỏ ra rất thấp. Trong số đó, một người mẹ trẻ và một phụ nữ ở độ tuổi 20 nhận được thu nhập hàng tháng lần lượt là 130.000 nhân dân tệ và 180.000 nhân dân tệ (440 - 615 triệu đồng) sau khi mở tiệm bánh bán bánh mì với giá chỉ 2 nhân dân tệ.
Những cửa hàng như vậy thường được đặt ở vị trí chiến lược gần trường học hoặc các khu chợ ở các thành phố. Họ thu hút rất nhiều đám đông với biển hiệu “bánh mì 2 nhân dân tệ” nổi bật và cung cấp vô số nhân, bao gồm đậu đỏ, sô cô la và sầu riêng. Với sự kết hợp giữa khả năng chi trả, sự tiện lợi và sự đa dạng, những tiệm bánh như vậy đã nhanh chóng thu hút được lượng lớn khách hàng và những người có ảnh hưởng.
“Tôi mua túi bánh ở cửa hàng với giá chỉ hơn 20 nhân dân tệ, và hương vị nào cũng ngon và đáng giá,” một blogger ẩm thực có khoảng 14.000 người theo dõi trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu đã đánh giá như vậy sau khi ghé thăm một cửa hàng bánh mì giá 2 nhân dân tệ ở thành phố phía tây bắc Tây An.
Làn sóng lan truyền về những câu chuyện thành công sinh lợi này thu hút sự quan tâm rộng rãi hơn, dẫn đến sự gia tăng số người muốn đầu tư hoặc mở tiệm bánh 2 nhân dân tệ của riêng họ với hy vọng nhân rộng mô hình.
Hiện tượng này càng có thêm động lực khi các chuỗi như Sumei 2-yuan Bread và Tangyi ở Sơn Đông, cũng như Hợp tác xã tiếp thị và cung cấp bánh mì 3 nhân dân tệ ở Trùng Khánh, mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách mở nhiều cửa hàng và cung cấp dịch vụ nhượng quyền trên toàn quốc.
Nhưng bất chấp thành công ban đầu, mô hình kinh doanh của các cửa hàng bánh mì giá 2 nhân dân tệ không phải là không có thách thức. Mặc dù chi phí sản xuất thấp và tỷ suất lợi nhuận cao có vẻ hứa hẹn nhưng việc duy trì lợi nhuận trong dài hạn vẫn chưa chắc chắn.
Truyền thông trong nước và các chuyên gia đã nêu lên mối lo ngại về mô hình kinh doanh sau khi có báo cáo rằng nhiều người lao vào kinh doanh bánh mì, cho thấy rằng lợi nhuận thực sự không nằm ở việc bán bánh mì mà nằm ở việc tuyển dụng người nhượng quyền và phí thu được từ việc dạy nghề.
Thành công không ổn định?
Đại diện của thương hiệu nhượng quyền nổi tiếng Sumei nói với tờ Sixth Tone rằng công ty vận hành hơn 400 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, mạng lưới đã được mở rộng kể từ khi bắt đầu mời các nhà nhượng quyền vào tháng 9/2023.
Tangyi, một tiệm bánh thành công khác có giá 2 nhân dân tệ, cũng mở cửa hàng đầu tiên ở Tế Nam. Theo bài đăng mới nhất của người sáng lập 27 tuổi trên Xiaohongshu, cô kiếm được tổng doanh thu hàng tháng khoảng 180.000 nhân dân tệ vào tháng 12/2023. Sau khi trừ các chi phí như tiền thuê nhà, điện, nguyên liệu thô và nhân công, tổng cộng khoảng 84.000 nhân dân tệ, lợi nhuận ròng trong tháng của cô đã vượt quá 90.000 nhân dân tệ.
Sự gia tăng số lượng cửa hàng bánh mì 2 nhân dân tệ phần lớn là do tình hình kinh tế hiện tại và sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Với việc thị trường ngày càng nhạy cảm với giá cả, người tiêu dùng Trung Quốc đang thận trọng hơn trong chi tiêu và tìm cách kéo dài ngân sách của mình.
Bất chấp sự phổ biến của những tiệm bánh hợp với túi tiền này, tương lai của chúng vẫn chưa chắc chắn. Các chuyên gia tin rằng việc sử dụng nguyên liệu giá rẻ và số lượng loại bánh mì còn hạn chế có thể làm giảm khả năng giữ chân khách hàng.
HUY NGUYỄN (Theo Sixthtone)