Dừa là loại quả hết sức quen thuộc, vừa giàu dinh dưỡng lại giúp giải khát cực tốt.
Ít ai biết rằng trong quả dừa có một bộ phận vừa ngon vừa lạ miệng, mấy năm gần đây được người thành phố "săn lùng", đó là mộng dừa.
Mộng dừa (hay còn gọi là mầm dừa) là phần lõi trắng nằm trong trái dừa khô. Mộng dừa chỉ xuất hiện khi trái dừa đủ độ già và khô, lớp vỏ bên ngoài chuyển từ màu xanh sang nâu đen và rụng xuống đất. Sau khi dừa khô một thời gian, bên trong quả sẽ hình thành mộng dừa.
Mộng dừa ngon nhất là loại được lấy từ trái dừa khô đã nảy mầm, phần đầu đã nhú cây ra ngoài nhưng vẫn chưa mọc rễ. Lúc này, cái mộng to vừa phải và có thể cầm gọn trong lòng bàn tay.
Nếu mộng dừa nhỏ quá thì không đủ ăn, không mềm xốp và cũng chưa đủ độ ngọt nước. Ngược lại, mộng to quá thì khô xốp, không còn nước ngọt cũng không còn thơm béo thanh thanh.
Nhiều người cho rằng mộng dừa là phần tinh túy của trái dừa còn trên thực tế thì đây là bộ phận cung cấp chất dinh dưỡng để mầm cây lớn lên. Khi trái dừa già rụng xuống đất hoặc được vùi trong đất, dưới tác động của độ ẩm, ánh sáng, dừa bắt đầu nảy mầm ở lỗ mộng.
Theo thời gian, rễ dừa hình thành và lấy nước từ trong trái dừa để phát triển. Lúc này, mộng dừa chính là vật trung gian để chuyển nước và các chất dinh dưỡng để cho rễ cây sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, không phải quả dừa già nào cũng có mộng dừa. Phải thật tinh ý để phát hiện những quả dừa có một mầm cây nhỏ gần cuống, thì quả đó chắc chắn có mộng dừa. Mầm càng xanh càng to thì kích cỡ của mộng dừa càng lớn.
Bên cạnh đó, mộng dừa nên được thưởng thức khi trái còn căng, to cỡ quả cà chua. Để càng lâu thì độ ngọt của mộng dừa cũng giảm bớt và ăn dễ bị xơ. Khi bổ, phải xử lý thật khéo léo để tách lớp vỏ cứng, dày mà không làm vỡ phần mộng dừa.
Trước đây, mộng dừa là món ăn "nhà nghèo", gắn với tuổi thơ của biết bao thế hệ lớn lên ở miền Tây, thậm chí mộng dừa nhiều rụng đầy gốc, ăn không hết còn thẳng tay vứt đi.
Nhiều người bất ngờ khi những năm gần đây, thức quà vặt dân dã này bỗng trở thành đặc sản nổi tiếng được bán ở khắp nơi, từ chợ mạng đến siêu thị và các sàn thương mại điện tử với giá tới 300.000 đồng/kg.
Chị Hoài Anh kể với Tri thức & Cuộc sống: "Ngày bé nhà mình có cây dừa ở sau nhà, nhưng cây cao chót vót nên chỉ chờ dừa già rơi xuống, quả nào không hỏng thì bên trong sẽ thấy mộng dừa tròn xoe. Hoặc thi thoảng mẹ đi chợ mua quả dừa khô về để kho thịt, lúc bổ ra thấy cái mộng dừa trong quả dừa là mấy chị em tranh nhau ăn, phải chia mỗi đứa một miếng cứ thế cắn ăn chứ không biết trộn đường như bây giờ. Chỉ đơn giản thế thôi nhưng ăn thấy giòn tan, xôm xốp, mùi thơm phức, béo ngậy xen chút vị ngọt. Bây giờ mộng dừa thành sản vật ngon, có sẵn. Chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay".
Theo chị Hoài Anh, mộng dừa có thể ăn sống, dầm đường, đặc biệt dầm đường xong để trong ngăn mát tủ lạnh, lúc lấy ra ăn vừa mát vừa ngọt, rất hấp dẫn.
Ngoài ra, mộng dừa còn để làm gỏi. Nên chọn mộng có kích thước vừa phải, thái tầm lóng tay, trộn chung với tôm, thịt ba chỉ, cà rốt ngâm chua ngọt, hành tây, rau ngò là ngon nhất.
Khi làm gỏi, vị tươi ngon của mộng dừa được giữ nguyên vẹn, màu sắc, mùi thơm đậm đà. Đây là món ăn độc đáo, đặc sản ở nhiều nhà hàng, quán ăn.
Bán mộng dừa trên chợ mạng, chị Thanh (ở Hà Nội) cho hay, mộng dừa của chị bán có 2 loại, mộng nhỏ và mộng lớn.
Mộng nhỏ giá đắt hơn, chị bán khoảng 280.000-300.000 đồng/kg, còn mộng to chỉ 150.000-200.000 đồng/kg. Lý giải về sự chênh lệch giá, chị Thanh cho biết mộng dừa ngon và ngọt nhất là khi nó kích thước bằng quả chanh. Nếu để càng lớn thì mộng sẽ bị xơ, xốp và giảm độ ngọt, vì thế mộng to có giá rẻ hơn.
Minh Hoa (t/h)