Đi tù hòa cả làng, chết là hết!
Một bản án hình sự luôn kèm theo những yếu tố dân sự. Ngoài việc chấp hành án phạt tù do vi phạm pháp luật (chấp hành bản án hình sự), bị cáo còn phải chịu trách nhiệm dân sự như nộp một khoản tiền bồi thường cho người bị hại hay bị thu hồi tiền phạm pháp. Sở dĩ luật pháp quy định như vậy vì hành vi của người phạm tội gây thiệt hại nghiêm trọng tới quyền lợi, lợi ích, xâm phạm đến tài sản, thân thể, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của nạn nhân. Dù người phạm tội bị tuyên phạt tù chung thân hay tử hình thì họ vẫn phải chấp hành nghĩa vụ bồi thường đối với những thiệt hại mà họ đã gây ra.
Bản án mà TAND tỉnh Lâm Đồng tuyên vào ngày 29/3/2017 với bị cáo Kiều Quốc Huy (SN 1987, quê Hà Tĩnh, trú phường Lộc Sơn, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) vì sát hại 3 người rồi chôn xác phi tang là một ví dụ.
Theo đó, ngày 29/3/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Huy về các tội Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ sử dụng vũ khí quân dụng. Tối 22/8/2015, Huy đã dùng súng bắn chết anh Hoàng Thế V. (SN 1982, trú TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Sau khi bắn chết nạn nhân, Huy cướp xe ôtô, 1 điện thoại di động và đôi giày của anh V. đang đi. Huy sau đó chở xác nạn nhân đến khu rừng thông ở thị trấn Lộc Thắng chôn xác phi tang. Quá trình điều tra, Huy khai nhận đã sát hại vợ chồng anh Đỗ Hoàng B. và chị Phạm Thị Mỹ H. (trú tổ 15, thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm) vào khoảng tháng 3/2012 để chiếm đoạt 5 thửa đất đem bán lấy tiền tiêu xài. Huy khai chôn xác vợ chồng anh B. dưới giếng trong vườn để phi tang.
Với hành vi dã man, tàn ác của bị cáo, HĐXX quyết định tuyên phạt Huy án tử hình về tội Giết người, 20 năm tù về tội Cướp tài sản và 7 năm tù về tội Tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng trái phép. Tổng hợp hình phạt là tử hình. Đồng thời, HĐXX cũng tuyên bị cáo Huy phải bồi thường cho các gia đình bị hại và trả lại tiền cho những người có quyền lợi liên quan tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.
Một phiên tòa rúng động dư luận khác, vào ngày 23/11/2017, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm bị cáo Lương Xuân Trang (25 tuổi, trú thôn 3, xã Krông Jing, huyện M’đrắk, tỉnh Đắk Lắk) về 3 tội danh Giết người, Cướp tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trang bị cáo buộc sát hại và cướp tài sản của chị H.T.H. (25 tuổi, trú huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) khi đi mua dâm. Ngoài ra bị cáo còn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chị Nguyễn Thị G. (trú xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án, HĐXX quyết định tuyên án tử hình với Trang về 3 tội danh trên. Về trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Trang phải bồi thường hơn 165 triệu đồng cho gia đình bị bại. Mặt khác, bị cáo Trang còn có trách nhiệm chu cấp 700.000/tháng cho con gái 5 tuổi của bị hại H. cho đến khi đủ 18 tuổi.
Số tiền hơn 800 triệu đồng mà bị cáo Huy phải bồi thường, 165 triệu đồng mà Trang phải có nghĩa vụ bù đắp chỉ khỏa lấp một phần nỗi đau cho gia đình nạn nhân. Đây chỉ là 2 ví dụ nhỏ trong rất nhiều những vụ án mà bị cáo bị tuyên án chung thân, tử hình kèm bản án dân sự. Điều đáng nói, khi các bị cáo bị tuyên án nặng, mất tự do, không có khả năng làm việc để kiếm tiền thì ai sẽ là người đứng ra bồi thường, nhất là khi các bị cáo đều đã thành niên? Trong tình thế này, rõ ràng người nhà nạn nhân là những người “thiệt đơn, thiệt kép” khi vừa mất người thân, vừa khó được bù đắp vật chất.
Lĩnh án tử sao làm ra của cải vật chất?
Đánh giá về thực trạng này, luật sư Nghiêm Quang Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Nghiêm Quang, đoàn Luật sư Hà Nội cho hay: Người phạm tội bị kết án tử hình hoặc chung thân đều phải có trách nhiệm dân sự, bồi thường. Nếu bị cáo bồi thường được tiền thì trong quá trình thụ án sẽ được xét để giảm bản án theo các thành tích hàng năm, dựa trên quy định của pháp luật (tức được giảm án khi cải tạo tốt). Đối với những bị cáo bị tuyên án chung thân mà hoàn thành từng phần một thì sẽ được xét giảm từng phần.
“Trường hợp bị cáo không có điều kiện kinh tế, ở ngoài không có ai giúp đỡ để thanh toán, không thể trả được tiền thì thực tế pháp luật cũng không có quy định nào bắt buộc bị cáo phải trả. Bởi khi đó, người ta có gì đâu mà trả nên đành “treo” ở đấy”, luật sư Vinh nói.
Theo luật sư Vinh, việc thực tế bị cáo có bồi thường được tiền hay không cũng không ảnh hưởng đến bản án mà tòa đã tuyên. Vì bản án hình sự tương xứng với hành vi và dấu hiệu phạm tội của bị cáo: Đúng tội danh, đúng bản án. Ở đây, chuyện thu được tiền hay không là của bên thi hành án. Việc không kê biên được gì cũng là thi hành án.
“Bản án có hiệu lực pháp luật thì chuyển sang bên thi hành án. Bên thi hành án mới bắt đầu nghiên cứu để thực hiện việc thi hành cho nên rất nhiều bản án có khi 20 năm sau cũng không thi hành được bởi vì người ta không có tiền và nằm trong tù rồi. Thậm chí, có trường hợp gia đình bị hại không bao giờ được nhận số tiền bồi thường này vì bị cáo không có điều kiện thi hành án”, luật sư Vinh đánh giá về thực trạng.
Để tạo điều kiện cho việc thi hành được thuận lợi, luật sư Vinh cho biết, nếu bên bị hại biết bị cáo có tài sản bên ngoài thì phải thông báo cho bên thi hành án để cơ quan này tiến hành kê biên, sau đó bán đấu giá.
Cùng quan điểm với luật sư Vinh, luật sư Bùi Đình Ứng, văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Khi bị cáo bị tuyên án chung thân, tử hình không có nghĩa là phần dân sự trong bản án không phải thi hành. Vấn đề là bị cáo vẫn phải có nghĩa vụ thi hành”.
Theo luật sư Ứng, nếu có tài sản chung của vợ chồng thì trong quá trình thi hành án cơ quan chức năng vẫn có thể thi hành phần tài sản của bị cáo để thực hiện bản án đã tuyên.
“Trong trường hợp các tài sản khác không có nữa thì đành lòng là phần dân sự không thi hành được, không có điều kiện thi hành được thì đình chỉ thi hành án, chờ có tài sản thì thi hành tiếp. Tuy nhiên trong thực tế bị cáo chết mất rồi, tử hình rồi thì còn làm ra của cải vật chất nữa đâu mà thi hành tiếp?. Sau khi bị cáo chết, nếu phát hiện tài sản của bị cáo còn ở đâu đó thì cơ quan thi hành án có thể tiếp tục thi hành tiếp bản án”, luật sư Ứng phân tích.
Đánh giá về việc có hay không “bản án trên giấy” khi tòa biết bị cáo không có khả năng kinh tế nhưng vẫn tuyên phần bồi thường dân sự với khoản tiền lớn, luật sư Bùi Đình Ứng thẳng thắn cho hay: “Câu chuyện “bản án trên giấy” là của pháp luật, không thể làm khác được, việc tuyên án tòa vẫn phải tuyên. Còn thực tế có thi hành được hay không lại là câu chuyện khác. Không thể nói thấy bị cáo không có tiền thì không buộc bồi thường được. Hai việc này hoàn toàn khác nhau”.
Việt Hương