Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan ngọ (mùng 5/5 âm lịch) hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, người Việt thường chuẩn bị lễ cúng, thắp hương tạ ơn trời đất ban cho mùa màng bội thu, đồng thời bày tỏ mong ước sâu bọ không phát triển để cây cối đơm hoa kết quả tươi tốt.
Cứ mỗi dịp lễ này người dân mua cơm rượu nếp, trầu cau, hoa tươi, trái cây, vàng mã… để thắp hương tổ tiên.
Không chỉ được bán tại các chợ dân sinh, truyền thống mà hiện nay trên các trang mạng xã hội, rất nhiều địa chỉ online cũng đã rao bán cơm rượu nếp.
Đợt Tết Đoan ngọ năm nay vào đúng đợt nắng nóng kỷ lục ở Hà Nội và các tỉnh phía bắc nên nhiều người lựa chọn cách mua hàng online để tránh nóng. Chỉ cần 1 cuộc điện thoại trong vòng 30 phút là người tiêu dùng đã có thể thưởng thức “đặc sản” ngày Tết Đoan ngọ.
Không chỉ được bán tại các chợ dân sinh, trên các trang mạng xã hội, rất nhiều địa chỉ online cũng đã rao bán cơm rượu nếp. Giá thành ở đây không quá chênh lệch với các chợ truyền thống. Với những cách thức chiêu trò bán hàng mà nhiều nơi bán online được số lượng lớn. Người mua chỉ cần trả thêm phụ phí vận chuyển.
Ngày Tết Đoan ngọ ở Hà Nội và một số vùng của miền Bắc những ngày này thì món cơm rượu nếp không thể thiếu. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền cơm rượu nếp sẽ có công thức làm đặc trưng.
Chia sẻ với Người đưa tin Pháp luật, chị Lan Chi một người chuyên bán hàng online trên Facebook chia sẻ, chỉ trong vòng 3 ngày trước Tết Đoan Ngọ, chị đã bán được gần 100 kg cơm rượu nếp.
Bình thường chị bán các mặt hàng khác, tuy nhiên tranh thủ ngày lễ Tết Đoan ngọ chị bán thêm rượu nếp để kiếm thêm thu nhập. Mỗi ngày chị bán được hơn 30 kg, càng gần ngày Tết Đoan Ngọ càng đắt khách.
Do mấy ngày bán chạy hàng mà hôm nay đúng ngày chị tăng thêm 10 kg rượu nếp nữa để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cũng theo chị Lan Chi so với rượu nếp trắng, rượu nếp cẩm được nhiều người ưa chuộng hơn, giá cả chỉ nhỉnh hơn vài nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên khi được hỏi về cơm rượu nếp nấu theo công thức gia truyền hay nhập buôn, Lan Chi cho biết, gia đình bán nhiều năm nay nhập ở nơi nấu rượu uy tín ở địa phương, hàng năm vào ngày lễ như này bán hết cả tạ cơm rượu nếp.
Với mức giá từ 45.000 - 50.000 đồng/kg, dịp này, chị Lan đã thu về khoảng 4,5-5 triệu đồng dịp Tết Đoan Ngọ.
Sục sôi các hội nhóm buôn bán trên Facebook là vậy, ngoài chợ dân sinh cũng nhiều cửa hàng cũng bán cơm rượu nếp. Nhiều gia đình thường để đến đúng ngày mới ra mua. Do thời tiết vào thời điểm nắng nóng thì người mua thường mua đúng ngày lễ ăn ngon nhất. Bởi người bán đã làm trước đó vài ngày, tính độ chín của ủ men làm sao cơm rượu nếp có độ ngon nhất mới đem ra bày bán.
Ghi nhận của chúng tôi, từ 6h sáng nay (25/6, mùng 5/5 Âm lịch), người dân đi chợ mua các món ăn truyền thống như rượu nếp, mận, bánh gio... về thắp hương, sau đó "giết sâu bọ" như cách nói dân dã.
Bán hàng tại một chợ dân sinh ở Hà Nội, Chị H. cho biết, cơm rượu nếp do gia đình có truyền thống nấu từ nhiều năm nay, nhưng năm nay lượng tiêu thụ ít hơn so với những năm trước.
Về giá cả thì các chợ bán giá cũng khá dễ chịu. Và để tiện cho người mua thì các chủ hàng thường đóng rượu nếp trong các hộp hay cốc nhựa với giá dao động 15 - 30.000 đồng/hộp.
Trúc Chi