Mở đầu phần trả lời, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay tại SABECO chỉ có 2 cổ đông chính là: Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage nắm 53,59% và bộ Công Thương đại diện vốn Nhà nước nắm 36% vốn điều lệ, các cổ đông khác nắm 10,41%.
Từ đó, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Mọi thông tin liên quan đến việc SABECO bị bán cho Trung Quốc là không đúng sự thật”.
“Bộ Công thương luôn ủng hộ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, trong đó có SABECO. Tuy nhiên, có thể thấy việc bộ Công Thương đại diện phần vốn Nhà nước nắm 36% nhằm mục đích có quyền phủ quyết khi thấy rằng những chủ trương của doanh nghiệp đưa ra không phù hợp”, ông Hải khẳng định quan điện của Bộ.
Ngoài ra, ông Hải cũng cho biết, Nhà nước Việt Nam đang có vốn tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nên có việc phát tán những thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của doanh nghiệp đó, ảnh hưởng tới các cổ đông, tới nguồn thu của Nhà nước và ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của chính các doanh nghiệp trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định cổ phần hoá. Do đó, bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp khi bị phát tán thông tin sai sự thật, đề nghị thu thập chứng cứ để báo cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Cũng tại phiên họp, PV báo điện tử Người đưa tin cũng gửi tới bộ Công thương về việc gần đây Bộ này và một số địa phương liên tục cho doanh nghiệp xuất khẩu với lý do là không bán hết, không có nhu cầu như quặng sắt Lào Cai hoặc là Thái Nguyên.
Ông Đỗ Thắng Hải sau khi viện dẫn một số chủ trương đã khẳng định: “Chúng ta thấy rõ không phải chúng ta cấm xuất khẩu tất cả các loại khoáng sản mà là hạn chế”.
“Những năm gần đây, giá kim loại và khoáng sản trên thế giới và khu vực giảm sâu. Các doanh nghiệp của ngành khai khoáng gặp rất nhiều khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao, khu vực chế biến không được đầu tư theo quy hoạch và nếu đã đầu tư nhưng sản xuất lại phải cầm chừng, sản lượng rất thấp, tồn kho số lượng lớn một số loại khoáng sản, đặc biệt quặng sắt hoặc quặng titan, nhiều mỏ phải đóng cửa hoặc sản xuất cầm chừng. Theo các quy định hiện nay, doanh nghiệp nếu dừng khai thác khoáng sản vẫn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trên cơ sở các giấy phép đã được cấp trước đây”, vị Thứ trưởng nói thêm về tình hình kim loại và khoảng sản những năm vừa qua.
“Đối với quặng sắt và titan Thủ tướng Chính phủ đã giao cho bộ Công Thương phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xem xét và giải quyết xuất khẩu của các doanh nghiệp. Theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ Công Thương đã xem xét giải quyết với các trường hợp cụ thể, sau đó đã có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện”, ông Hải nêu về phương án “tháo gỡ” đối với việc này.
Và Thứ trưởng cũng khẳng định, việc giải quyết xuất khẩu tồn kho chỉ là tạm thời để tháo gỡ khó khăn trước mắt cũng như là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục duy trì sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động.
Công Luân - Hữu Thắng