Buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 diễn ra chiều tối 1/8 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì.
Tại họp báo, nhiều PV quan tâm đặt vấn đề về những tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.
Đặc biệt, với những dữ liệu bài thi gốc ở Sơn La, liệu có thể khôi phục được hoàn toàn để trả lại công bằng cho thí sinh? Những cán bộ sai phạm sẽ bị xử lý như thế nào? Hướng khắc phục những tiêu cực, hạn chế trong kỳ thi trong các năm tiếp theo sẽ ra sao?
Trả lời những câu hỏi này, đại diện bộ GD&ĐT là Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Với dữ liệu bài thi gốc, đã có sự vào cuộc quyết liệt của bộ Công an, hiện đang rất quyết tâm làm bằng những thiết bị hiện đại. “Tôi tin rằng, những thiết bị ấy sẽ khôi phục được dữ liệu gốc bài thi. Còn về hướng xử lý cụ thể, căn cứ kết quả điều tra của bộ Công an, bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xử lý phù hợp, đảm bảo công bằng cho các thí sinh”, ông Độ nói.
Về việc chấm thẩm định, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát lại toàn bộ quy trình chấm thẩm định và kết quả chấm thẩm định được coi là kết quả cuối cùng dựa trên báo cáo của các địa phương.
Nếu phát hiện ra sai phạm sẽ yêu cầu địa phương chủ động làm việc với công an xử lý đúng người đúng tội, đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Việc chấm thẩm định được làm nghiêm túc. Mọi việc được làm chặt chẽ, không có vùng cấm, xử lý nghiêm.
Riêng về vấn đề xử lý cán bộ vi phạm, Thứ trưởng Độ cho hay, trách nhiệm đã rõ, theo phân cấp quản lý, UBND tỉnh, lãnh đạo các tỉnh sẽ xử lý trực tiếp các cá nhân sai phạm về mặt tổ chức, bên cạnh những vi phạm pháp luật sẽ được xử lý nghiêm.
Đề cập đến hướng khắc phục trong thời gian tới để tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia một cách tốt hơn, hạn chế tiêu cực, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại 4 nhóm giải pháp mà Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra trong phiên họp Chính phủ thường kỳ trước đó vài giờ.
Các giải pháp này bao gồm: Rà soát các quy trình; nâng cao năng lực, đạo đức của cán bộ làm công tác coi thi, vì quy trình đúng nhưng con người cố tình làm sai cũng sẽ khó quản lý; hoàn thiện phần mềm giúp cho các đối tượng có ý tưởng làm xấu không làm được; phương thức chấm trắc nghiệm hướng tới khách quan, chấm chéo, sẽ thực hiện trong thời gian tới…
Nói thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La gây ảnh hưởng không tốt đến niềm tin của xã hội. Chúng ta cũng làm được nhiều việc nhưng cũng còn nhiều việc mà dư luận quan tâm. Thủ tướng đã dành thời gian nhấn mạnh về kỳ thi gây tiêu cực, trong đó yêu cầu: Bộ Công an, bộ ngành địa phương chỉ đạo xử lý cụ thể, lấy lại lòng tin trong nhân dân.
Giao bộ GD&ĐT rà soát toàn bộ phương thức, các chỉ đạo, giao cho các trường tự chủ như thế nào, báo cáo Chính phủ sẽ quyết định sau. “Hôm nay, Chính phủ không quyết định thi hình thức nào. Học thì vẫn thi nhưng thi như thế nào cho thực chất đảm bảo yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện.
Chúng ta đã tổ chức thi từ 2015, đã giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ và trung học chuyên nghiệp, tuy nhiên, đề thi 2017 được cho là dễ, đề thi THPT 2018 cho là khó… cái dễ cũng thuận, cái khó cũng có vấn đề.
Kỳ thi 2 trong 1 có đúng không? Kết quả thi THPT để xét tốt nghiệp THPT đồng thời các trường ĐH dựa vào đó xét tuyển, nên nó cực kỳ quan trọng, tuy nhiên còn chỗ này chỗ khác còn kẽ hở. Hôm nay, Bộ trưởng có nhận trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về vụ việc tiêu cực trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.