Ngày 29/5, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng chủ trì buổi làm việc giữa Bộ GTVT với ngành chức năng, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định về Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, vốn vay Ngân hàng thế giới do Ban QLDA 2 làm chủ đầu tư.
Theo đó, dự án này có tổng chiều dài gần 150km, nâng cấp, mở rộng QL19 hiện hữu, nối Bình Định với Gia Lai. Trong đó, gói thầu XL1 qua huyện Tây Sơn với chiều dài hơn 17km.
Lãnh đạo UBND huyện Tây Sơn cho hay, dự án qua địa bàn có gần 1.400 trường hợp bị ảnh hưởng, diện tích đất thu hồi hơn 42.000m2.
Đến nay phần vốn GPMB theo kế hoạch ban đầu đã cấp cho huyện hơn 65 tỷ đồng (năm 2023 và 2024), kết quả giải ngân đạt 99,9%.
Huyện đã cơ bản bàn giao giao công tác GPMB toàn tuyến chính. Riêng một số đoạn tuyến thi công hoàn trả đường gom còn vướng mắc mặt bằng 46 hộ do thay đổi thiết kế nâng cao độ nền đường. Ngoài ra còn 2/92 trụ điện chưa di dời do người dân chưa đồng ý GPMB tại đường gom.
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, việc thay đổi phương án GPMB phát sinh thêm vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, nâng tổng vốn GPMB phân bổ năm 2024 cần 50 tỷ đồng. UBND huyện thường xuyên liên hệ, đôn đốc, đề nghị Ban QLDA 2 phối hợp địa phương trong công tác bồi thường GPMB, nhất là công tác khảo sát đánh giá, giám định và thực hiện bồi thường đối với nhà ở bị ảnh hưởng do thi công công trình; đồng thời khẩn trương chuyển tiền để địa phương chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho nhân dân sớm thực hiện phương án tái định cư. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư (Ban QLDA 2) mới chuyển khoảng 13,7 tỷ đồng GPMB, gây nhiều khó khăn cho công tác bồi thường GPMB.
Bên cạnh đó, việc thi công lu nèn nền đường gây nứt nhà dân nhưng công tác kiểm đếm, kiểm định còn chậm nên dẫn đến người dân chưa thống nhất cho thi công, nhất là đoạn dưới cầu Ba La
Đai diện Phòng Điều hành dự án 4 (Ban QLDA 2) cho hay, đối với đề xuất chuyển kinh phí 50 tỷ đồng vốn GPMB trong năm 2024, bao gồm hơn 20 tỷ đồng thuộc phần vốn đã xác định trong tổng mức đầu tư dự án, được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định 982 và 30 tỷ đồng vượt cơ cấu vốn.
Trong đó, phần vốn 20 tỷ, Ban QLDA 2 hiện đã chuyển cho huyện Tây Sơn 15,3 tỷ đồng (gồm 13,7 tỷ đồng vốn chuyển khoản, còn 1,6 tỷ là vốn dư chưa giải ngân năm 2023). Đối với số vốn 5,2 tỷ đồng còn lại (theo phân khai năm 2024), Ban QLDA 2 đã làm thủ tục rút vốn để chuyển từ kho bạc tỉnh Gia Lai sang.
Với cơ cấu vốn giao trong tổng mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng, Ban QLDA 2 đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT và Bộ GTVT chấp thuận cân đối nguồn vốn để thực hiện công tác GPMB.
“Ngày 28/5 vừa qua, Ban QLDA 2 đã ban hành quyết định điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn và đang tiến hành báo cáo Bộ GTVT điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024, dự kiến đến đầu tháng 6/2025 sẽ chuyển tiền cho các địa phương”, đại diện Ban QLDA 2 thông tin.
Đối với công tác bảo hiểm đối với các hộ dân bị ảnh hưởng do quá trình thi công, Ban QLDA 2 cho hay, đơn vị nhận được gần 850 đơn thư. Đến nay, đơn vị thi công và đơn vị bảo hiểm đã tiến hành giám định gần gần 800 trường hợp. Hiện còn 59 đơn vị chưa tiến hành giám định so một số địa chỉ chưa chính xác và một số hộ tại vị trí các đoạn nhà thầu chưa tiến hành lu lèn xong.
Việc giám định kéo dài, theo Ban QLDA 2 là do số lượng đơn kiến nghị nhiều và việc sắp sếp làm việc với từng trường hợp tốn nhiều thời gian.
Ban QLDA 2 kiến nghị, tháng 6/2024 sau khi được bố trí bổ sung nguồn kinh phí bổ sung năm 2024. UBND huyện Tây Sơn vào cuộc đẩy nhanh công tác GPMB và bàn giao mặt bằng cho dự án đẩy nhanh tiến độ thi công.
Chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn đánh giá, Dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên sử dụng nguồn vốn vay WB. Do đó, việc để được cấp vốn phải theo trình tự, quy định, mong địa phương và người dân chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, dù đã cố gắng, Ban QLDA 2 không thể cứ “ngồi chờ” cấp vốn mà phải tính đến các phương án vay để có kinh phí cấp cho địa phương GPMB.
Ông Tuấn truy lãnh đạo chủ đầu tư phải trả lời rõ bao giờ thì bố trí phần vốn GPMB còn lại, nếu không có tiền thì xử lý thế nào?
“Ban QLDA 2 phải tính toán, kể cả việc Ban, nhà thầu phải ứng tiền để chi trả hoặc tính phương án vay mượn để sớm có tiền cho địa phương", Thứ trưởng Tuấn gợi ý.
Theo ông Tuấn, càng để lâu thì việc GPMB càng phức tạp, nên Ban QLDA 2 phải có giải pháp phù hợp, hiệu quả cấp vốn GPMB trước ngày 10/6 tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn lưu ý chủ đầu tư, đơn vị thi công phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát, sớm kiểm định, đền bù đúng người, đúng đối tượng. “Huyện Tây Sơn hỗ trợ tuyên truyền cho người dân đồng thuận với dự án này. Trường hợp nào bị ảnh hưởng, có đủ cơ sở thì tiến hành đền bù, tránh trường hợp những hộ dân khác không bị ảnh hưởng mà vẫn đề nghị xem xét đền bụ để trục lợi”, Thứ trưởng đề nghị.
Về công tác thi công, Thứ trưởng lưu ý, Bình Định chuẩn bị vào mùa mưa nên công tác công tác thi công phải tận dụng tối đa thuận lợi thời tiết, mặt bằng đã được bàn giao, đẩy tiến độ. Đồng thời sớm xử lý dứt điểm tồn đọng về GPMB.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết, địa phương nỗ lực chủ động để hỗ trợ tối đa cho dự án, như việc lấy quỹ đất tái định cư của huyện Tây Sơn để rút ngắn tiến độ GPMB, bố trí TĐC cho dự án. Những vấn đề phát sinh trên hiện trường, các bên có sự phối hợp, ngồi lại với nhau để xử lý nhanh, hiệu quả, tránh để sự việc kéo dài. Như việc người dân bức xúc về đền bù lu rung nứt nhà, các đơn vị phải triển khai nhanh, tránh để bức xúc kéo dài.
Theo ông Hoàng, chủ đầu tư sớm cấp vốn GPMB đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng dự án. Địa phương ưu tiên những khu vực cấp bách thi công để triển khai GPMB khi có vốn. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân vùng ảnh hưởng đồng thuận, chia sẻ với dự án đưa công trình cán đích vào cuối năm 2024.