Mới đây, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo thông tin định kỳ. Một trong những vấn đề được báo chí quan tâm chính là việc, mỗi năm, ngân sách Nhà nước tiêu tốn 17.000 tỉ đồng chi cho khoảng 700.000 công chức không làm được việc (tương đương 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về”).
Con số này được đại biểu Quốc hội (ĐB) Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội dẫn dụ ý kiến chuyên gia tại hội thảo "Bối cảnh và khả năng cải cách tiền lương" mới đây do Bộ Nội vụ tổ chức.
Trả lời về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức biên chế - Nguyễn Văn Lượng cho biết: “Để có chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính đã có các thông tư hướng dẫn, đảm bảo theo kế hoạch của từng Bộ, ngành, địa phương và điều này được quy định trong các văn bản, công khai trên mạng”.
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn khẳng định: “Hiện nay, chưa có một số liệu báo cáo thông kê nào nói rằng, trong đội ngũ cán bộ công chức có 30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Đấy chỉ là dư luận còn về phía cơ quan có trách nhiệm và thông tin chính thống là không có”.
Ông Tuấn cũng cho rằng, không nên xoáy đi xoáy lại 30% cán bộ “cắp ô”. “Bởi, với nhiều nỗ lực của Bộ Nội vụ cũng như đánh giá phân loại cán bộ công chức đã được ban hành bởi Nghị định 56 của Chính phủ, tôi nghĩ rằng, còn rất ít đất cho những người lười biếng, không chịu làm việc.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đang thực hiện tinh giản biên chế. Những người nào không đáp ứng được yêu cầu công việc, nhiệm vụ, đều đưa vào danh sách để thực hiện tinh giản biên chế. Nếu không đáp ứng yêu cầu phải ra đi để nhường chỗ cho những người tốt, có năng lực, đáp ứng được yêu cầu công việc.
Như vậy, số liệu 17.000 tỉ đồng nói trên là không chính xác vì không có cơ quan nào đi điều tra và đưa ra con số 30%. Một số liệu ban đầu không chính xác thì số liệu sau là sai”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
Về những giải pháp để giảm biên chế nhanh hơn, loại bỏ những công chức không làm việc hiệu quả, vị Thứ trưởng cho biết, hiện, tất cả các Bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương đều đang tập trung thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Bên cạnh đó, còn nhiều nội dung khác, như nội dung liên quan đến đánh giá phân loại công chức, quy định về sử dụng, quản lý cán bộ công chức viên chức…
Qua rất nhiều năm đổi mới từ 1986 đến nay, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có đóng góp rất nhiều vào những thành tựu của đất nước. Đó là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những người không làm được việc, không đáp ứng được nhu cầu công việc. Vì vậy, chúng ta phải tiến hành đổi mới cơ chế quản lý, thực hiện tinh giản biên chế, đưa những người không đáp ứng yêu cầu về công việc ra khỏi đội ngũ để lấy người đáp ứng yêu cầu tốt hơn…
Dương Thu (ghi)