Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: "Ngân sách không lạm thu"

Trần Thu Thảo

Trần Thu Thảo

Thứ 6, 27/05/2022 17:38

Ông Võ Thành Hưng cho biết khi xây dựng dự toán năm 2021 là đúng thời điểm bùng phát dịch lần 3, kết quả thu ngân sách đạt được là so với dự toán có phần thận trọng.

Tại tọa đàm trực tuyến chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững" diễn ra ngày 27/5, ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã có chia sẻ về vấn đề thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công diễn ra trong thời gian qua.

Năm 2022: Dự báo thu ngân sách tiếp tục vượt dự toán

Ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam cho biết, kinh tế đang phục hồi, thu ngân sách năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đạt mức khá cao. "Như vậy, có nhiều ý kiến băn khoăn: doanh nghiệp vừa mới phục hồi, mình thu được nhiều nhưng liệu có lạm thu không? Mức thu mạnh như vậy có ảnh hưởng tới doanh nghiệp ko?", ông đặt câu hỏi.

Ông Võ Thành Hưng cho biết quan điểm của Chính phủ, Bộ Tài Chính là chính luôn chỉ đạo trong công tác thu là phải thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh thuộc về ngân sách nhà nước. 

Nhìn vào kết quả thu năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, ông Hưng chỉ ra có 4 điểm nổi bật. 

Thứ nhất, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp những lúc khó khăn. Trong năm 2021, trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, Quốc hội có điều chỉnh về chính sách thu ngân sách. 

"Chúng ta hỗ trợ miễn, giảm giãn nhiều loại thuế, phí, lệ phí… và các khoản thu ngân sách nhà nước cho doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào các doanh nghiệp khó khăn, vừa và nhỏ để hỗ trợ họ duy trì sản xuất kinh doanh trong đại dịch", ông nói. Tổng kinh phí miễn, giảm, giãn năm 2021 là trên 123.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí miễn giảm là 100.000 tỷ đồng.

Thứ hai, kết quả thu năm 2021, báo cáo thời điểm này là vượt 16,8% so với dự toán và cơ bản các địa phương đều đạt và vượt dự toán. Cả Trung ương và địa phương cũng đều vượt dự toán. Trong bối cảnh đại dịch, nền kinh tế khó khăn, mức thu như vậy là nguồn lực quan trọng để giúp cả Trung ương và địa phương có thể đối phó hiệu quả với dịch. 

Với riêng người lao động và người sử dụng lao động, ngân sách đã chi 81.000 tỷ đồng để hỗ trợ, nếu tính cả kinh phí chống dịch (mua vắc-xin, thuốc, thiết lập cơ sở chữa bệnh) thì mức chi hơn 100.000 tỷ đồng. Mức thu lớn, vượt dự toán như vậy chúng ta có thêm nguồn lực để phòng dịch, không phải vay (bội chi) thêm cho ngân sách. "Đây là kết quả hết sức tích cực", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.

Thứ ba, trước câu hỏi trong điều kiện kinh tế khó khăn như vậy liệu có lạm thu không, có tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, Thứ trưởng cho biết, trong điều hành chính sách, đã có nhiều giải pháp miễn, giảm, giãn cho doanh nghiệp rồi. "Đồng thời, thu ngân sách của chúng ta là so với dự toán chứ không so với thực hiện, phù hợp kinh tế", ông nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính giải thích, khi xây dựng dự toán năm 2021 là đúng thời điểm bùng phát dịch lần 3 xảy ra. "Chúng ta nhìn ra xung quanh thì cả thế giới và nhiều nước trong khu vực đều ghi nhận kinh tế suy giảm mạnh. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá tăng trưởng kinh tế thế giới âm 4,5%, riêng đối với Việt Nam, tăng trưởng 9 tháng chỉ 2,1%.

Đợt bùng phát dịch lần 3, kết quả thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2021 đạt đc 64% dự toán, mà bình thường thì chúng ta phải thu 74-75%… Trên cơ sở bối cảnh vậy, chúng ta đã xây dựng dự toán năm 2021 có phần thận trọng, nên tháng 9/2021, khi báo cáo Quốc hội, chúng tôi dự báo thu ngân sách khó khăn nhưng vượt dự toán là vì vậy”, ông cho hay.

Tiêu điểm - Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: 'Ngân sách không lạm thu'

Ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã có chia sẻ về vấn đề thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công diễn ra trong thời gian qua.

Thứ tư, về cơ cấu, cơ cấu thu dần bền vững hơn, thu nội địa ngày càng chiếm vị trí chủ đạo, thu từ dầu thô và đất đai thì ngày càng giảm. "Năm 2021, thu nội địa chiếm 84-85%, so với trước chúng ta đã có phát triển vượt bậc, nhất là cho giai đoạn 2006, 2010", ông cho hay.

Có ý kiến cho rằng thu từ đất trong thời gian vừa qua vượt dự toán nhiều. Thứ trưởng Bộ Tài chính thừa nhận đúng là thu từ đất vượt gần 80.000 tỷ đồng. "Nhưng chúng ta phải hiểu phục hồi kinh tế quý IV/2021 rất tốt. Thu từ đất trong riêng quý IV/2021 đã thu đc 74% dự toán. Số thu cũng phản ánh xu thế chung là  trong điều kiện kinh tế khó khăn, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt, đầu tư toàn xã hội vẫn tăng", ông nói.

Ở các địa phương, các dự án về đầu tư vẫn phát triển, khi có dự án đầu tư thì đấu giá, thu tiền sử dụng đất. "Nếu chúng ta nhìn khía cạnh đó thì vẫn tích cực. Vấn đề là chúng ta thu được tiền và khi thu đc tiền thì phải quản lý, sử dụng đất hiệu quả để thúc đẩy kinh tế địa phương cũng như trên cả nước, không có gì đáng lo ngại", ông Võ Thành Hưng.

Ông Võ Thành Hưng cho biết, năm 2022 dự báo thu ngân sách tiếp tục vượt dự toán bởi tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hồi tốt, chỉ chỉ số xuất khẩu, tiêu dùng trong nước đều phục hồi.

Dự tính đến hết tháng 5, thu ngân sách đạt  57% dự toán. Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết đây là mức cao so với bình quân hàng năm. "Nếu không có biến động lớn, năm nay thu ngân sách sẽ đạt kết quả khả quan", ông nhấn mạnh.

Vì sao giải ngân đầu tư công chậm?

Trở lại câu chuyện giải ngân đầu tư công còn chậm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nhận xét vấn đề này không phải vấn đề mới.

"Chúng ta nhìn nhận suốt nhiều năm qua, đã có nhiều cuộc hội thảo, đã chỉ ra đc nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan… tuy nhiên nếu nhìn vào số giải ngân của 5 tháng đầu năm 2022 thì chúng ta mới giải ngân 22-23% dự toán năm. Mức này có cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên so với kế hoạch năm thì là thấp", ông đưa ra số liệu.

Nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân thấp, theo ông Hưng, thứ nhất là do công tác chuẩn bị đầu tư của các bộ ngành địa phương với các dự án là yếu. "Nó thể hiện ở dự toán Thủ tướng Chính phủ giao không phân bổ hết được ngay từ đầu năm mà phân bổ nhiều lần trong năm. Hiện có 11 bộ, 17 địa phương chưa phân bổ hết dự toán năm Thủ tướng giao. Việc yếu trong khâu chuẩn bị sẽ dẫn đến chậm chạp khi thực hiện", Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định.

Thứ hai là vấn đề giải phóng mặt bằng, ông cho biết giá nhà đất nhiều địa phương tăng, yếu tố giải phóng mặt bằng tăng, nhiều vụ việc xảy ra liên quan tới đất đai nên công tác giải phóng vướng mắc.

Thứ ba là giá cả nguyên vật liệu tăng, ông cho biết thêm, nhiều chủ đầu tư thậm chí chấp nhận bỏ cọc để không lỗ thêm. "Thứ tư là khâu tổ chức thực hiện, có Bộ, ngành giải ngân tốt nhưng cũng có Bộ, ngành kém", ông nói.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.