Cảnh báo buôn bán qua thương mại điện tử, bán hàng giả với số lượng lớn
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện các vụ buôn bán qua thương mại điện tử, bán hàng giả với số lượng lớn. Theo tìm hiểu của PV, mấu chốt là các đơn vị này sử dụng bưu chính và chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng giả hàng lậu, mà đa số đơn vị vận chuyển đi trên đường hầu hết không bị cơ quan chức năng kiểm tra vì đa số các gói hàng được đóng niêm phong kỹ càng. Với hình thức này, vô tình các đối tượng xấu lợi dụng hình thức vận chuyển này để buôn lậu.
Trước thực trạng này, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, báo chí đặt câu hỏi, thời gian tới, có cách quản lý như thế nào hoặc các đơn vị vận chuyển phải có trách nhiệm như thế nào trong phòng chống hàng giả hàng lậu?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định: "Bất kỳ ai tham gia vào thương mại điện tử và vận chuyển lưu thông hàng hóa phải chấp hành các quy định pháp luật hiện hành về hàng giả, hàng cấm, hàng lậu".
“Trong luật Bưu chính quy định rất rõ, các doanh nghiệp bưu chính có quyền kiểm tra các kiện hàng trước khi vận chuyển. Hiện nay, có khoảng 500 doanh nghiệp bưu chính tham gia hoạt động này. Ví dụ tại các điểm giao dịch hàng hóa của tổng công ty Bưu điện Việt Nam, thường xuyên có lực lượng công an cùng với các hệ thống máy soi chiếu. Chỉ còn một số doanh nghiệp nhỏ lẻ chúng ta cũng cần phải quan tâm”, ông Bảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bảo, gần đây trong lĩnh vực thương mại điện tử, điều đáng quan tâm nhất là bộ phận giao hàng nhỏ lẻ, rất khó kiểm soát. Hàng lậu, hàng cấm thì có thể kiểm tra phát hiện được ngay, còn hàng giả thì rất khó. Chính vì vậy, trong quá trình hoàn thiện các quy định pháp luật, ý thức của người dân rất quan trọng. Trước khi mua hàng, người dân cần phải kiểm tra bằng bất kỳ cách nào. Trong điều kiện hiện nay thì đây là cách tốt nhất, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật.
Lo ngại lợi dụng trung gian thanh toán để lừa đảo
Cũng tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi cho đại diện Ngân hàng Nhà nước “hiện nay chúng ta có bao nhiêu đơn vị trung gian thanh toán được cấp phép và việc các cá nhân tổ chức ký hợp đồng với các trung gian thanh toán thì cần điều kiện gì để tránh tình trạng một số đối tượng xấu lợi dụng trung gian thanh toán này để lừa đảo?”
Trả lời báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin: “Hiện nay, có 37 tổ chức trung gian thanh toán, không phải là ngân hàng, cũng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 33 tổ chức cung ứng dịch vụ là ví điện tử.
Để đảm bảo tính bảo mật an ninh trong thanh toán thì nghị định 101 quy định rất rõ, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có trách nhiệm giữ bí mật các thông tin riêng liên quan đến khách hàng theo quy định của pháp luật. Các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng phải tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn cũng như bảo mật hệ thống công nghệ thông tin và quy định về an toàn bảo mật cho việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng trên internet”.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: Thông tư 39 và thông tư 18, thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước cũng đã hướng dẫn rất rõ trách nhiệm của các đơn vị trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ thanh toán này. Ngân hàng Nhà nước đang rà soát và xây dựng các hành lang pháp lý chặt chẽ và an toàn nhất cho hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay, vì đây là vấn đề thời gian qua người dân rất quan tâm và cũng rất nhiều trường hợp đã lợi dụng ứng dụng công nghệ để thực hiện sai phạm có tính chất lừa đảo trên mạng.
“Đối với các tổ chức tín dụng, chúng tôi cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo cũng như chỉ ra những hình thức có thể dễ bị lợi dụng để cảnh báo các đơn vị này. Trong thời gian qua, mặc dù có rất nhiều tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán này, nhưng cùng các tổ chức kết nối, họ đã có sự phối hợp rất tích cực. Mặc dù vậy, hành lang pháp lý hiện nay vẫn cần tiếp tục phải được hoàn thiện”, ông Tú nói.
Hương Lan