Ngày 21/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ Kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam.
Nhìn lại những đóng góp của Kịch nói, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng khẳng định một thế kỷ, so với lịch sử của một dân tộc thì chưa phải là dài nhưng so với thời gian của một thể loại văn học, nghệ thuật như Kịch nói đã đủ để hình thức sân khấu này trưởng thành, phát triển lớn mạnh. Đó là nhờ vào sự lao động sáng tạo không mệt mỏi của đội ngũ văn nghệ sĩ qua các thời kỳ. Ngoài hàng trăm tác phẩm được sáng tạo liên tục trong suốt cả thế kỷ, kịch nói cũng đã có được một lực lượng nghệ sĩ tài hoa, nhiệt huyết với nghề, không chỉ góp phần sáng tạo các tác phẩm kịch mà còn đóng góp không nhỏ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, hâm mộ, được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền sân khấu cách mạng nói riêng, nền văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho rằng, trong xu thế hiện nay, do yêu cầu mới và phát triển của bản thân Kịch nói, do đòi hỏi ngày một nghiêm túc và khắt khe của khán giả, sân khấu nói chung, kịch nói nói riêng cũng cần giải quyết nhiều vấn đề, nhiều thách thức lớn mà trước hết và quan trọng nhật là không ngừng sáng tạo nên những tác phẩm có ý nghĩa về nội dung, có giá trị về nghệ thuật, để kịp thời phản ánh được những yếu tố mới của hiện thực cuộc sống hôm nay, vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận, thưởng thức của đông đảo khán giả.
NSND Trịnh Thuý Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tin rằng sân khấu Kịch nói Việt Nam sẽ được vực dậy sau đại dịch Covid-19 và tiếp tục là người đối thoại thân thiết và đáng tin cậy của công chúng Việt Nam thế kỷ 21.
Có 3 thế hệ "vàng" của kịch nói Việt Nam được đào tạo ở các nước khu vực Đông Âu, Trung Quốc, Đức trước đây. Bên cạnh những thành công và dấu ấn đã đạt được, đến cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, kịch nói Việt thiếu vắng khán giả. Sân khấu kịch nhỏ xuất hiện mạnh mẽ cuối thế kỷ XX tại Thành phố Hồ Chí Minh được coi là giải pháp tình thế. Tiếp đó là hoạt động xã hội hóa của sân khấu kịch mang lại nhiều niềm tin về việc sân khấu sẽ được phát triển hơn, đáp ứng sự tin yêu của khán giả.
Tham dự sự kiện này có nhiều thế hệ nghệ sĩ đến từ nhiều nhà hát khác nhau như: NSND Lê Mai, NSND Trung Hiếu, NSND Lan Hương, NSND Lê Khanh, NSND Minh Hoà NSƯT Xuân Bắc, NSƯT Quang Thắng, diễn viên Thu Quỳnh, Anh Thơ, Nguyệt Hằng... Tất cả đều xúc động khi hội ngộ nhau để kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói.