Thứ trưởng Bộ Y tế nói gì về virus HMPV đang lây lan tại Trung Quốc?

Thứ 5, 09/01/2025 09:31

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã thông tin với báo chí về tình hình virus gây viêm phổi trên người HMPV tại Trung Quốc.

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 8/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên xác nhận, gần đây, trên hệ thống giám sát ghi nhận thông tin từ các kênh thông tin báo chí và mạng xã hội có nói về các trường hợp mắc virus viêm phổi tại Trung Quốc. 

Theo đó, từ ngày 23/12 đến ngày 29/12/2024,Trung tâm Kiểm soát và phòng chống bệnh tật Trung Quốc ghi nhận tác nhân chủ yếu là virus cúm (HMPV). Ngay sau đó, ngày 4/1/2025, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chính thức thông tin các ca nhiễm trùng đường hô hấp lây lan tại quốc gia này là bệnh thông thường và đạt đỉnh vào thời điểm trong năm; đồng thời khẳng định không có sự kiện y tế bất lợi.

img

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tới báo chí về việc liên quan đến tình hình bệnh do virus gây viêm phổi trên người (HMPV) tại Trung Quốc. (Ảnh: VGP/NB).

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, virus HMPV lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc nói chuyện. Khi nhiễm virus này có biểu hiện giống cảm lạnh thông thường như sốt, ho, nghẹt mũi và có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản. Bệnh lây qua đường hô hấp và thường gia tăng vào mùa đông với điều kiện thời tiết khô lạnh và khả năng mắc bệnh cao thường với trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh lý nền do hệ thống miễn dịch kém.

Hiện nay cơ quan y tế Trung Quốc đã xác nhận rằng hệ thống y tế của Trung Quốc không bị quá tải và tỉ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn ở thời điểm năm ngoái và không có tuyên bố đáp ứng khẩn cấp trong quá trình thực hiện phòng, chống bệnh.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Tổ chức Y tế Thế giới cũng đánh giá đợt dịch theo mùa do tác nhân gây bệnh do đường hô hấp thường xảy ra vào mùa đông tại các khu vực có khí hậu ôn đới; đồng thời khuyến cáo người dân tại các quốc gia trong mùa đông thực hiện các biện pháp cơ bản để ngăn chặn sự lây lan, giảm thiểu rủi ro do tác nhân lây qua đường hô hấp, nhất là nhóm dễ bị tổn thương.

Đồng thời, Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo không áp dụng bất kỳ hạn chế nào về giao thương và đi lại liên quan đến xu hướng của bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay.

Trước tình hình dịch bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đã chủ động theo dõi, cập nhật qua hệ thống theo dõi, giám sát sự kiện và thực hiện hằng ngày, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ của hệ thống y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ.

Hiện nay nước ta cũng đang trong giai đoạn mùa Đông Xuân, với điều kiện rất thuận lợi cho virus phát triển, trong đó có các virus gây viêm đường hô hấp. Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo và thông điệp để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch mùa Xuân và Văn bản này của Bộ Y tế đã được gửi cho các Sở Y tế để triển khai thực hiện.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên cập nhật những thông tin chính thức từ Bộ Y tế để tránh gây hoang mang.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các cơ quan báo chí tích cực phối hợp với Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng để có thông tin chính thức đăng tải, giúp người dân không hoang mang. Đồng thời cũng không chủ quan, lơ là và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế như ăn chín, uống sôi, vận động nâng cao thể chất, sức khỏe, thường xuyên rửa tay xà phòng, sử dụng khẩu trang tại các điểm công cộng và khu vực tập trung đông người. Đặc biệt là giữ ấm khi trời lạnh và đưa trẻ em đi tiêm chủng vaccine đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Khi có dấu hiệu bệnh đề nghị người dân đến ngay các cơ sở y tế để khám phát hiện, có hướng dẫn dự phòng cũng như điều trị đảm bảo đúng yêu cầu chuyên môn.

DIỆU THU

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.