Nhiều khó khăn được tháo gỡ
Ngày 16/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cùng đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra tiến độ thi công Dự án thành phần 2, 3 thuộc cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Làm việc với đoàn công tác, ông Đặng Thọ Dần, Trưởng phòng Điều hành dự án giao thông, ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk (đại diện chủ đầu tư dự án thành phần 3) cho biết, tính đến ngày 14/7, công tác giải phóng và nhận bàn giao mặt bằng đạt 99,7%. Đặc biệt, ban Quản lý đã giải quyết việc giải phóng mặt bằng đất rừng để phục vụ thi công.
Đến nay, tổng giá trị xây lắp đạt 15,2% giá trị hợp đồng. Trong đó, thi công nền đường công vụ dọc tuyến 44,00/48,09km đạt 95%; thi công nền đường tuyến chính 44,00/48,09km; thi công 4/5 nút giao; thi công 26/28 cây cầu.
Theo ông Dần, các khó khăn vướng mắc cơ bản đã được địa phương quan tâm tháo gỡ. Tuy nhiên, khó khăn nhất của dự án là mỏ vật liệu phục vụ cho dự án. Hiện nay, một số mỏ đá, cát, đất đắp chưa được cấp phép gây khó khăn cho dự án. Ngoài ra, Tây Nguyên đang vào mùa mưa khiến các nhà thầu gặp khó khăn trong công tác thi công.
Bên cạnh đó, tại gói thầu số 1 đang vướng 16 hộ dân và khoảng 600m rừng tại vị trí thi công của nhà thầu Sơn Hải. Hiện các đơn vị đang chặt hạ cây, chậm nhất trong tuần này sẽ bàn giao mặt bằng.
Đến 2026 cơ bản hoàn thành dự án
Sau khi kiểm tra thực tế và nghe các đơn vị báo cáo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho hay, năm qua, dự án còn vướng rất nhiều về bãi thải, đất đắp, vật liệu nhưng đã được địa phương, cùng với chủ đầu tư tập trung tháo gỡ. Hiện các nhà thầu phải tập trung nhân công, thiết bị để thi công "3 ca, 4 kíp", đẩy tiến độ dự án, phấn đấu đến 2026 cơ bản hoàn thành dự án.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn chỉ đạo, những vị trí nào còn vướng mắc, các nhà thầu khắc phục khó khăn để đẩy tiến độ dự án. Đối với vị trí có rừng, sau khi hoàn thiện các thủ tục, nhà thầu phải hỗ trợ chặt hạ, lấy mặt bằng. Đối với các công trình thi công hầm và cầu, chủ đầu tư cùng với nhà thầu tìm cách đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian hoàn thành, đảm bảo chất lượng dự án.
Tại buổi làm việc, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục đường Cao tốc Việt Nam đánh giá, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là dự án trọng điểm Quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên, tiến độ dự án trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu, chậm, trong đó do nguyên nhân khách quan là vướng công tác giải phóng mặt bằng và chuyển đổi đất rừng. Đặc biệt, là dự án thành phần 2, vừa mới giải quyết được chuyển đổi đất rừng, mới bắt đầu vào cuộc thi công. Còn dự án thành phần 1 và 3 cơ bản bám sát tiến độ.
Ông Lâm Văn Hoàng cũng nhấn mạnh, từ ngày khởi công đến nay, dự án có rất nhiều khó khăn vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án như công tác giải phóng mặt bằng, bãi đổ thải, đặc biệt là việc chuyển đổi đất rừng. Đến nay, địa phương đã nỗ lực, cơ bản đã giải quyết xong mặt bằng. Hiện nay, còn một số vị trí bãi thải còn vướng, mong chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo quyết liệt giúp cho đơn vị nhà thầu thực hiện đảm bảo tiến độ dự án. Đồng thời, về mỏ vật liệu, mỏ đá, cát, mỏ đất đắp, địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện để giúp cho dự án có đủ nguồn vật liệu thi công.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117km, với tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, gồm 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 (Km0+000 - Km32+000) với chiều dài khoảng 32km trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng sẽ do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 2 (Km32+000 - Km69+500) với chiều dài khoảng 37,5km trên địa bàn 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Đoạn tuyến này đi qua địa bàn 2 tỉnh, có tính chất phức tạp về địa hình, nhiều công trình cầu (khoảng 27 cầu) và toàn bộ 3 hầm trên tuyến, phải xây dựng khung chính sách giải phóng mặt bằng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.
Khánh Ngọc