2024 là năm “tăng tốc”
Phát biểu tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên sáng 11/1, bà Nguyễn Minh Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, 2024 là năm “tăng tốc” để hoàn thành cao nhất các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, cũng là giai đoạn nền tảng giữa kỳ hướng tới các mục tiêu phát triển đến năm 2030.
Theo bà Hằng, 2023 được nhận định là năm mà nền kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, nhiều rủi ro, đứng trước nguy cơ suy thoái.
Và trên thực tế, năm 2023 tình hình kinh tế khó khăn, thậm chí một số mặt còn khó khăn, phức tạp hơn, nhất là việc gia tăng các điểm nóng xung đột địa chính
Trước những bất ổn của nền kinh tế, những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội mà Việt Nam đã đạt được lại càng thêm phần ý nghĩa.
Theo đó, trong năm qua, Việt Nam đã là bảo đảm tốt ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; đà phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước và cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực khi tăng trưởng bình quân của ASEAN là khoảng 4,3%.
Bên cạnh đó là phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, sự phối hợp nhịp nhàng và đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
Về công tác đối ngoại trong năm qua, thông tin về kết quả nổi bật, bà Nguyễn Minh Hằng cho biết, công tác đối ngoại được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là điểm sáng ấn tượng trong tổng thể bức tranh chung.
"Cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi chưa từng có hiện nay đã góp phần thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển. Theo đánh giá, thu hút FDI năm 2023 đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ", bà Hằng thông tin.
Các “luật chơi mới” đang dần được hình thành
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, kinh tế toàn cầu trong năm 2024 dự báo sẽ tiếp tục nổi lên một số xu hướng đáng chú ý.
Trước hết, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục ở trong giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, mang tính bước ngoặt. Tính bất định, bất ổn, bất trắc trong năm 2024 sẽ tiếp tục gia tăng với hơn 70 cuộc bầu cử diễn ra tại nhiều quốc gia, dự báo kéo theo nhiều điều chỉnh chính sách kinh tế đáng chú ý.
Bên cạnh đó, trong năm 2024, các điểm nóng xung đột có xu hướng gia tăng, đặt ra nhiều thách thức cũng như hệ luỵ đối với kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, sự phân mảnh kinh tế sẽ ngày càng sâu sắc. Diễn biến địa chính trị toàn cầu tiếp tục phức tạp.
Ngoài ra, liên kết kinh tế quốc tế đang chuyển biến mạnh mẽ gắn với xu thế chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Nhiều nhận định cho rằng các điều chỉnh của liên kết kinh tế hiện nay diễn ra với tốc độ nhanh, nội hàm ngày càng phức tạp, bao gồm nhiều vấn đề sau biên giới quốc gia.
Bà Hằng cũng cho hay, các “luật chơi mới” đang dần được hình thành sẽ tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển. Chính vì vậy, cần có sự phân tích những xu thế mới ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định phương châm chỉ đạo, điều hành là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”. Đây đồng thời là kim chỉ nam, định hướng chiến lược cho các bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác năm 2024, trong đó có việc tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với phương châm “lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, bà Hằng cho biết phương hướng đối ngoại và ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và sẽ phối hợp với các bộ, ngành sẽ tập trung vào các trọng tâm.
Đó là tranh thủ tối đa cục diện đối ngoại thuận lợi, đẩy mạnh đa phương hoá, đa dạng hoá, phát huy hiệu quả các khuổn khổ quan hệ vừa được nâng tầm trong năm 2023, nhất là triển khai tốt các thỏa thuận hợp tác đã đạt được, nhằm mở rộng không gian phát triển mới cho đất nước.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục tận dụng tốt mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do và các khuôn khổ hợp tác theo các ngành, lĩnh vực; thu hút ODA thế hệ mới, FDI chất lượng cao, góp phần hiện thực hóa 3 khâu đột phá chiến lược huy động nguồn lực quốc tế cho các quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi nền kinh tế.
Đồng thời phát huy mạnh mẽ vị thế mới của đất nước, chủ động đề xuất các sáng kiến trong các vấn đề toàn cầu và khu vực; lan tỏa “sức mạnh mềm” của Việt Nam qua ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.