Kỳ thi THPT Quốc gia đã "thành công một nửa"
Thưa Thứ trưởng, được biết, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 có triển khai một số điểm mới, tính đến thời điểm chiều 27/6, công tác coi thi THPT Quốc gia trên cả nước đã chính thức hoàn thành, ông có thể đánh giá đôi nét về công tác coi thi trên cả nước?
Trước hết, nói về kỳ thi THPT Quốc gia 2019, đánh giá về đề thi và việc in sao ở các điểm thi, có thể nói, bộ GD&ĐT đã thành lập các đoàn đưa các đề thi từ ban đề của Bộ gửi xuống cho các điểm thi đã được làm rất nghiêm túc. Các hội đồng thi cũng đã thành lập các hội đồng in sao, trong đó, đảm bảo 3 vòng độc lập. Vòng 1 có cảnh sát, vòng 2 có an ninh, vòng thứ 3 là vòng trực tiếp trông bản in sao đề, cũng được thực hiện nghiêm túc. Tính đến giờ phút này, tất cả các hội đồng in sao đã hoàn thành nhiệm vụ khá tốt đẹp.
Câu chuyện xảy ra ở TP.Hồ Chí Minh, in sao thiếu một số mã đề cũng là một phần do kỹ thuật in sao nhưng cũng đã khắc phục kịp thời.
Vì vậy, đối với công tác in sao đã thực hiện theo đúng quy chế đảm bảo và điều quan trọng nhất là đề không bị lộ, lọt ra ngoài.
Thứ hai, về vấn đề coi thi, năm nay được sự quan tâm rất sâu sắc của các ban Chỉ đạo các tỉnh, thành ủy, ban Tuyên giáo có văn bản, các quận huyện ủy vào cuộc hỗ trợ. Các tỉnh, thành phố cũng đã thành lập các ban chỉ đạo, trong đó thành viên là các sở, ban, ngành và ban Tuyên giáo các tỉnh thành cũng đã tham gia.
Ban chỉ đạo cũng đã phân công, phân nhiệm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, theo đó, công tác chuyên môn, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, công tác điện lực, giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, công tác phòng, chống thiên tai... đã an toàn trong việc coi thi, các điểm thi đều đã báo cáo, đảm bảo camera giám sát bảo quản đề thi, bài thi được thực hiện theo đúng quy định.
Riêng về lực lượng công an, sau khi về các địa phương, không chỉ bố trí 1-2 cán bộ giám sát an ninh ở trong các điểm thi, nhiều điểm thi với địa bàn rộng, vẫn bố trí 6-7 cán bộ trực tiếp đảm bảo an ninh, bảo vệ kỳ thi. Các địa phương cũng hết sức lưu ý, với những đồng chí Phó điểm trường là nữ cũng bố trí lực lượng an ninh là nữ để trực đêm cùng các đồng chí lãnh đạo các điểm thi. Trong đó, cũng phải nhấn mạnh thêm, nhiều tỉnh thành đã thành lập các đoàn đi kiểm tra thường xuyên, bảo đảm an toàn của các đề thi, bài thi; đặc biệt, cũng không phát hiện những trường hợp bỏ nhiệm vụ đi làm việc khác. Công tác bảo quản đề thi đến giờ phút này được thực hiện hoàn toàn nghiêm túc.
Số thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ trong 3 ngày thi, tổng là 72 thí sinh, ngày thứ nhất 34 thí sinh, ngày thứ 2 là 18 thí sinh, và ngày thứ 3 là 20 em (giảm so với năm ngoái 77 thí sinh). Lỗi ở đây chủ yếu mang điện thoại di động, sử dụng công nghệ cao chụp ảnh đề, đang chuẩn bị có hiện tượng đưa đề ra ngoài, rất may, được các giám thị phát hiện. Duy chỉ có một học sinh ở Phú Thọ đưa đề đi nhưng không đưa lên Facebook mà gửi ảnh đó cho 1 cá nhân qua messenger, nhờ giải hộ. Đề được ra ngoài khi đã quá 2/3 thời gian làm bài nên không làm lộ đề thi. Cũng coi là được phát hiện kịp thời và thí sinh đó cũng đã bị kỷ luật.
Xin ông cho biết, bộ GD&ĐT đã khắc phục vấn đề thiếu nhân lực hoặc thiếu kinh nghiệm trong khâu coi thi ở các địa phương như thế nào?
Vấn đề thiếu nhân lực hay kinh nghiệm, về phía Bộ, cũng đã sớm nhận diện và đã có những biện pháp khắc phục. Cụ thể, tại một số địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Bộ đã tăng cường các đồng chí ở các trường đại học, đặc biệt các Phó Hiệu trưởng, Phó Chủ tịch hội đồng của các trường đại học đều tham gia các ban của hội đồng coi thi; một số ban đề thi, nếu thiếu các đồng chí Phó Giám đốc sở, đã bố trí các cán bộ tại trường đại học làm Trưởng ban in sao đề. Một số các trường hợp khác, dùng lực lượng các trường đại học giao cho để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Bộ tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, như các trường ở Sơn La, Hòa Bình, việc lựa chọn các đồng chí cán bộ tham gia làm công tác thi đã được tỉnh, thành phố thông qua bên PA03, thông qua thẩm định hồ sơ của hội đồng thi, đủ điều kiện thì tiếp tục tham gia, đảm bảo các thầy cô không có người thân tham gia công tác thi, đảm bảo nhân thân tốt, đã được thẩm định.
Ngày 14/7 sẽ công bố điểm thi, không có "mưa điểm 10"
Về công tác chấm thi trong kỳ thi năm nay có những điểm gì mới?
Năm nay, chúng tôi cũng có những thay đổi rất cơ bản. Thứ nhất, về chấm trắc nghiệm, các điểm thi chấm phải có camera giám sát, nhân sự chấm thi là các đồng chí ở các trường đại học được phân công rõ người, rõ việc, rõ quy trình, chấm chéo, đẩy mạnh công tác thanh tra.
Phần mềm xử lý bài thi trắc nghiệm được xử lý theo hướng mã hóa, sau khi quét xong được mã hóa ngay, người dùng không biết để sửa. Việc sửa phải đánh phách điện tử. Bài làm của thí sinh được che đi, số báo danh được che đi, cán bộ sửa bài làm thì không biết phách, còn sửa phách thì không biết bài làm. Bên cạnh đó, bài thi đã được in ra gửi Bộ lưu giữ một bản, Chủ tịch hội đồng thi lưu giữ một bản và điểm thi lưu giữ một bản; nếu có xảy ra sai phạm thì còn bản gốc để đối chiếu. Tại các điểm chấm thi trắc nghiệm, Bộ tăng cường lực lượng thanh tra và giám sát rõ quy trình chấm từ khâu mở túi bài, gỡ phách, đến khâu quét ảnh, in ra đĩa CD trắng, có người giám sát, cùng với đó, có ban giám sát và thanh tra của Bộ chấm tại điểm đó ghi nhật ký và đảm bảo tại điểm chấm.
Bài tự luận năm nay coi như được 4 người chấm, 2 người chấm độc lập và 2 người chấm kiểm tra 2 vòng độc lập, nếu có sự chênh lệch được điều chỉnh kỹ. Quy trình nhập điểm thi, gồm có 4 người (1 người đọc, 1 người giám sát đọc, 1 người nhập và 1 người giám sát nhập). Mỗi điểm chấm thi có 2 máy, cần 8 người nhập, sau khi nhập xong, sẽ có sự so sánh đối chiếu, nếu chính xác mới thông báo kết quả, không chính xác sẽ phải rà soát, điều chỉnh. Các bài điểm 9, 10 và tối thiểu 5% bài điểm 8 sẽ được chấm thẩm định.
Xin ông cho biết thời điểm bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019
Sau khi các địa phương gửi kết quả về Bộ, Bộ sẽ sớm phân tích phổ điểm và đưa ra các nhận định về kết quả, có điều gì bất thường sẽ có hình thức xử lý.
Ngày 14/7, bộ GD&ĐT sẽ chính thức công bố điểm đồng loạt, cố gắng ngày 12-13/7 các tỉnh, thành phố sẽ chấm xong và gửi điểm về cho bộ GD&ĐT, tổng hợp, phân tích phổ điểm và khi đó công bố điểm công khai.
Giao coi thi chung đại học và phổ thông, chấm thi đại học trắc nghiệm và phổ thông tự luận thi riêng các trường đại học, có cơ chế giám sát kiểm tra chặt chẽ, bước đầu khẳng định được niềm tin các trường đại học, vai trò các sở GD&ĐT, đảm bảo tính công bằng khách quan, phương thức khá phù hợp với các yêu cầu của địa phương.
Ông có đánh giá như thế nào về ý kiến cho rằng đề thi năm nay "quá dễ" và có thể xuất hiện "mưa điểm 10"?
Đề thi năm nay vẫn được đưa ra dựa theo đúng mô hình, cấu trúc, ma trận đề tham khảo, phân bổ các câu nhận biết thông hiểu vận dụng và vận dụng cao (40% vận dụng và vận dụng cao).
Đề thi gọi là dễ nhưng để đạt điểm 9, 10 cũng không hoàn toàn dễ dàng. Kỳ thi gồm hai mục đích, xét tốt nghiệp THPT và trở thành căn cứ cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh nên vẫn có sự phân hóa kiến thức.
Đề thi tổ hợp Khoa học xã hội hay tổ hợp Khoa học tự nhiên cũng đã được các nhà giáo có chuyên môn phân tích là bám sát đề tham khảo, có sự phân hóa phù hợp, và quan trọng không có sai về mặt kiến thức, không vượt quá phạm vi kiến thức nằm trong chương trình phổ thông. Đề thi đáp ứng với các cấp độ học sinh phổ thông học sinh và vẫn đảm bảo có sự phân hóa để lựa chọn tuyển sinh đại học.
Nếu các thí sinh thực sự giỏi và có nhiều điểm 10 thì cũng là điều đáng mừng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia nhận định, đề thi năm nay điểm 8 hay 9 có thể nhiều nhưng rất khó có "mưa điểm 10".
Xin cảm ơn ông!
Xem thêm clip: Thứ trưởng bộ GD&ĐT tiết lộ thời điểm chính thức công bố đáp án thi THPT Quốc gia
Công Luân - Thủy Tiên