Ngày 27/11, Diễn đàn Internet Việt Nam 2017 (VIF 2017) được tổ chức tại Hà Nội. Đây là sự kiện đánh dấu mốc 20 năm Internet chính thức có mặt tại Việt Nam.
Diễn đàn Internet Việt Nam được tổ chức lần đầu tiên với chủ đề “Digital For Good” (công nghệ số cho những điều tốt đẹp). VIF 2017 hướng tới việc cung cấp nền tảng để trao đổi việc sử dụng Internet như một phương thức cung cấp thông tin, thúc đẩy sự phát triển và mở ra những cơ hội nhiều tiềm năng cho toàn xã hội.
Sự kiện này sẽ xoay quanh thảo luận các vấn đề như: Tiếp cận số; Thành phố thông minh; Chính phủ điện tử; Nguồn dữ liệu mở; Tác động của mạng xã hội với Việt Nam hoặc quan điểm của giới trẻ về Internet.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam ông Pereric Hogberg cho rằng: “Internet ngày nay đã và đang phát triển vô cùng vượt bậc, trở thành một phương tiện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam, Thụy Điển và các nước trên toàn thế giới. Internet giúp các cá nhân, cộng đồng, các cơ quan và tổ chức có thể kết nối và cùng hành động để hướng tới những lợi ích chung.
Chính sự tác động tích cực này đã tạo nên những đổi mới trong kinh doanh, tạo ra các phương thức kinh tế mới, đồng thời mở ra cơ hội để mỗi người dân có thể liên tục cập nhật, nắm bắt nhiều thông tin cũng như các cơ quan công quyền có thể cởi mở, minh bạch hơn và có trách nhiệm cao hơn.
Chúng tôi tìm kiếm, mong muốn kiến tạo nên một hệ thống Internet cởi mở, dễ tiếp cận và an toàn cho tất cả mọi người, bao gồm cả thế hệ trẻ”.
Cũng chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho hay: “Sự phát triển của Internet ở Việt Nam suốt 20 năm qua đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và công nghệ, cũng như các ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội. VIF 2017, là cơ hội tốt để ta có góc nhìn đa chiều về “cuộc sống trên internet”, hy vọng sẽ xây dựng một hệ sinh thái Internet tốt cho Việt Nam".
Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: “Internet đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của cuộc sống, từ cuộc sống hàng ngày của người dân, hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp đến hoạt động của các cơ quan Chính phủ.
Trong 20 năm phát triển, Việt Nam có khoảng trên 50 triệu người dùng internet chiếm 54% dân số, cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia và vùng lãnh thổ có số lượng người dùng Internet cao nhất châu Á”.
Bên cạnh những lợi ích, thay đổi mạnh mẽ của Internet, Thứ trưởng bộ TT&TT cũng đưa ra những lưu ý: “Hiện nay, lượng thông tin xấu, độc hại trên Internet và mạng xã hội ngày càng tăng, vấn nạn tấn công mạng, thông tin rác, mã độc, tống tiền đang nhằm vào nhiều cơ quan, tổ chức doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới”.
Ngoài tự do về thông tin, tự do phát ngôn trên Internet, theo ông Phạm Hồng Hải, hiện nay nhiều nước trên thế giới cũng đã quan tâm hơn về các mặt trái, thách thức, kiểm tra các thông tin độc hại liên quan đến văn hóa, xã hội trên internet.
“Các nước châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng đã và đang có nhiều quy định về việc sử dụng internet nhằm hạn chế các vấn đề tiêu cực và bảo vệ quyền riêng tư, ngăn chặn việc sử dụng internet cho các mục đích phá hoại, khủng bố”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nêu.
Từ những điều nêu trên, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng đã đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Đại sứ quán Thụy Điển, các cơ quan tổ chức trong nước và quốc tế trong việc tổ chức diễn đàn Internet Việt Nam.
Thứ trưởng bộ TT&TT mong muốn: “Diễn đàn là dịp để những nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, tham khảo kinh nghiệm các mô hình internet hiệu quả của các nước nói chung và Thụy Điển nói riêng, đồng thời xác định xu hướng phát triển internet trong giai đoạn mới”.