Lễ hội Diwali - lễ hội ánh sáng chào đón một năm mới trong đạo Hindu, thể hiện sức mạnh của chính nghĩa.
Ngày tôi mới nhậm chức Đại sứ tại Ấn Độ, các anh chị em ở Phòng Hành chính xin ý kiến về chủ trương tiếp tục mua quà để biếu phía bạn nhân dịp Lễ hội Diwali với số lượng khá lớn. Tôi ngạc nhiên và đề nghị giảm chi tiêu vào khoản này xuống một nửa với lý do là nước mình vẫn còn khó khăn, không nên chi tiền vào việc tặng quà như vậy.
Đến khi Lễ hội Diwali tới gần, ngày nào Đại sứ quán cũng nhận được rất nhiều quà của bạn bè Ấn độ từ khắp nơi gửi đến. Chủ yếu là bánh, kẹo, các loại hạt, hoa và những thứ cây nhỏ để trên bàn làm việc. Có cả những bức tượng bé của các vị thần Hindu giáo và các tấm khăn choàng nhỏ màu trắng. Nhiều người đến gặp Đại sứ vừa để chúc mừng về nhiệm vụ mới nhưng cũng để tặng quà Diwali. Đến lúc đó, tôi mới hiểu được rằng Lễ hội Diwali - Lễ hội ánh sáng quan trọng như thế nào đối với người theo đạo Hindu, bởi đó là ngày tối nhất của năm không có ánh trăng và ngày này được đánh dấu bởi chiến thắng của thần ánh sáng đối với thần bóng tối, của điều thiện đối với cái ác.
Đúng hôm lễ hội, pháo hoa được bắn ở nhiều nơi, nhiều đống lửa được nhóm lên ở các góc phố và làng quê và nhà nhà đều thắp đèn sáng choang từ cổng, vườn vào đến tận trong nhà với từng phòng có đủ cả đèn lẫn nến. Nhiều nơi tổ chức các buổi văn nghệ, đọc kinh Hindu. Tại pháo đài Đỏ (Red Fort, nằm ở khu vực phố cổ Old Delhi, được Unesco công nhận là Di sản thế giới năm 2007) đã diễn ra chương trình chào mừng Lễ hội Diwali với một sân khấu hoành tráng diễn lại các tích về các vị thần của đạo Hindu. Vì vậy, cứ đến mùa lễ hội thì chất lượng không khí ở các tỉnh và nhất là thành phố New Delhi bị xuống cấp nghiêm trọng và độ ô nhiễm tăng cao. Cũng như bất kỳ lễ hội nào trên thế giới người người viết thiệp, gửi thư, gửi email và tin nhắn chúc mừng nhau hạnh phúc. Người Ấn độ theo Hindu giáo coi trọng lễ hội này như ngày Tết của Việt Nam, nhưng họ ít khi mời những người không theo Hindu giáo đến nhà mình. Đêm Diwali, nhà tôi cũng tổ chức bữa cơm thân mật mời các anh chị em trong Sứ quán. Mọi người đều đến muộn, vì tối hôm đó đường bị tắc ở nhiều nơi do người dân đổ ra đường đốt pháo và đốt lửa mừng thần ánh sáng.
Tết Dương lịch
Khoảng đầu tháng 12, tôi nhận được thư của một doanh nhân người Ấn Độ - ông Ashish, Lãnh sự Danh dự của Bahamas (một nước nhỏ ở vùng Caribe). Bên này các nhà công nghiệp thành đạt rất thích chức Lãnh sự Danh dự, mặc dù họ cũng phải bỏ ra số tiền kha khá để thực hiện, thực thi nhiệm vụ này, mà chủ yếu là các khoản tiếp tân khi có đoàn từ trong nước đó sang hoặc giúp bảo vệ công dân nước đó khi họ gặp nạn. Ông mời tôi đến thành phố Rishikesh, một thành phố ở đầu nguồn sông Hằng nổi tiếng về sự linh thiêng và trong lành đồng thời là quê hương của Yoga, để đón Tết Dương lịch. Người chú ông mới khánh thành một khách sạn khoảng 30 phòng và muốn mời các Đại sứ nước ngoài đến thưởng thức hương vị đón Năm mới. Họ kể rằng các gia đình giàu có ở bên này thường đặt một kỳ nghỉ ở một nơi nào đó và cùng nhau đón Năm mới. Tôi không biết họ mời bao nhiêu người nhưng chỉ có 3 Đại sứ Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Ban Nha là đồng ý tham dự. Hỏi ông bạn đồng nghiệp Tây Ban Nha thì được biết, đón Năm mới loại này hoàn toàn chay tịnh: Đồ ăn toàn chay và đồ uống không có rượu, bia hay bất kỳ chất uống có cồn nào. Một buổi lễ đón Năm mới khác hẳn với cách tôi đón Năm mới từ trước đến nay ở châu Âu là luôn có rượu như sâm-banh và thịt hun khói.
Chính vì đón “Tết” chay như vậy nên rất ít người nước ngoài tham dự vì họ cần có tí “cay cay” mới đủ vui được. Như để “bù” lại khoản ăn và uống thanh đạm, thì chúng tôi được thưởng thức một chương trình văn nghệ hoành tráng với một đội ngũ diễn viên múa và ca sĩ từ Mumbay bay lên cùng lỉnh kỉnh các loại thiết bị. Số người biểu diễn đông gấp 3 lần số lượng khách và chủ. Và họ hát suốt 2 đêm ngày 30 & 31 tháng 12. Bên cạnh đó, là 2 nghi lễ cúng thần sông Hằng với hàng trăm người tham dự ở dọc bờ sông, sau đó là vào Thánh đường Hindu để nghe giảng đạo.
Tôi đã từng dự các thánh lễ của Thiên chúa giáo và Phật giáo nhưng ở đây rất khác. Khác thứ nhất là họ dùng rất nhiều lửa, hoa và nước : nào là đốt củi, đốt đèn dầu, đốt nến, làm mọi thứ rực cháy ở cả một khúc sông, cùng với việc thả hoa đăng để cầu may. Hai là, người người đều hò theo giọng đọc kinh mà nghe cứ tưởng như một dàn đồng ca không kịp tập thử trước khi vào lễ (!). Ba là thiếu tính nghiêm trang, do mọi thứ đều rất lộn xộn vì người xô đẩy nhau, chụp ảnh quay phim một cách tuỳ tiện. Tuy nhiên, trông ai cũng rất hả hê và mãn nguyện.
Đúng giao thừa, chúng tôi ôm hôn nhau theo kiểu rất phương Tây và chúc nhau Năm mới tốt lành. Rồi cả chủ và khách lại ăn bữa Tất niên mà chủ yếu là đồ chay và đồ ngọt. Tính chất thanh tịnh được thể hiện ở việc không giết động vật, không uống rượu, không hút thuốc và thành kính lắng nghe Thầy Guru (thầy chủ trì buổi lễ). Tính thanh tịnh này bao trùm trong lễ đón Năm mới, cho dù tôi không thấy lời giảng có gì đặc biệt và đáng thu hút lắm. Nhưng ấn tượng nhất đối với tôi đó là được ngồi hành lễ tại ngôi đền - mà toàn bộ nền của đền làm từ phân bò mà Thầy rất tự hào, và sự chăm chú lắng nghe của những người mộ đạo kể cả các triệu phú và các em nhỏ. Và đặc biệt là cách nói của bà Phó Chủ lễ là người Mỹ đã cải sang đạo Hindu cùng cô em Trợ lý báo chí cho Thầy, nói tiếng Anh cực hay và vô cùng xinh đẹp./.
Đại sứ Phạm Sanh Châu