Năm nào cũng thế, cứ đến độ này, bạn bè từ Việt Nam thư từ hỏi han, nhắc nhở "sắp Tết rồi đấy". Ừ, sắp Tết rồi còn gì. Cơ thể đã rũ rượi khô khốc ra như khăn vắt kiệt nước, các ngăn hân hoan trong tim đã rót đầy ắp hội hè trong hơn một tháng qua. Liệu có còn chỗ trống nào để chứa thêm háo hức, còn sức để chuẩn bị "ăn" một cái Tết nữa không?
Cuối tháng 11 dương lịch, năm nào cũng thế, gia đình tụ họp, con cái ở xa tấp nập về, cùng mừng Lễ Tạ Ơn. Với người xa quê hương, đây lại là một dịp lễ lạt ý nghĩa nhiều hơn nữa. Tạ ơn trời đất, tạ ơn lòng hiếu khách của xứ lạ quê người, để gia đình có một nơi chốn yên bình sinh sống lúc xa quê. Gần một tháng sau đấy là Lễ Giáng Sinh. Con cái lại bay về sum họp, mua sắm, gói quà, trang trí cây thông, dịp để thể hiện tình yêu thương cho nhau, gửi nhau những tấm thiệp mừng, có khi kèm trong đấy là ...tiền lì xì.
Tặng nhau những món quà biết là người nhận sẽ rất thích, đang mong chờ. Sắm sửa áo quần mới, giày đẹp, nước hoa thơm thoang thoảng. Bọn con trai sẽ đi cắt tóc. Bọn con gái sẽ ghé tiệm gội đầu, làm móng, chuyện mà khi ở Việt Nam có thể làm hằng tuần, nhưng ở bên này chỉ làm khi có dịp đặc biệt nào đấy.
Bếp núc ấm lửa suốt suốt, tiếng cười nói nhộn nhịp, những món ăn quen thuộc ngon lành trông đợi: gà tây đút lò, bò đút lò, bò nấu rượu, tôm hùm nướng phô mai, súp hành kiểu Pháp, rau củ quả nướng, hấp với bơ tỏi. Bánh fruit cake. Rượu rót đầy ly, vui ngập ngời ánh mắt.
No say rồi vẫn còn thức đến sáng, chơi với nhau những trò chơi vui nhộn, đánh bài, đánh cờ. Ông bà, cha mẹ, con cái sum vầy. Ngủ muộn, dậy muộn, chờ mở quà ngày mới. Không khí lễ hội cũng chẳng khác gì mấy với Tết ta của Việt Nam. Cả năm làm việc để dành mua sắm quà cáp cho một dịp này.
Và chỉ một tuần sau đấy, là Tết tây.
Ở bên này, mọi người đón Tết tây không chú trọng vào truyền thống gia đình như Lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Tết tây là một ngày lễ dành cho riêng bản thân nhiều hơn cho mọi người. Trong tuần lễ đấy, bọn trẻ sẽ hẹn hò với bạn bè, sẽ cùng nhau đặt tiệc ở một nhà hàng nào đấy, hoặc ăn uống ở nhà một bạn rồi kéo nhau đi "bars hopping", nhảy nhót từ quán này sang quán khác, suốt mấy ngày như thế. Có khi sẽ đặt vé bay đến một xứ xa, hay một thành phố ở tiểu bang khác, có khi mỗi năm sẽ đi một chỗ mới.
Chào năm mới ở một nơi khác lạ. Đến cuối cùng sẽ tụ lại một nơi để cùng nhau nâng ly, xem pháo bông, chờ đón thời khắc giao thừa, người ta sẽ ôm nhau, giữ nhau ấm áp, hôn nhau, chúc tụng nhau những lời tốt đẹp để bước sang năm mới. Kiss the person you hope to keep kissing, Hôn người mình sẽ hôn mãi mãi. Nụ hôn giao thừa này còn có ý nghĩa mang lại sự may mắn che chở cho người khác trong thời khắc mong manh từ năm cũ bước sang năm mới.
Dù ở thành phố nào, đúng khi tiếng chuông điểm nửa đêm, người ta thích tràn ra đường, ăn mặc đẹp, uống champagne, và ngân nga theo bài "Auld Lang Syne". Auld Land Syne nếu dịch sát nghĩa, sẽ là "những ngày xưa cũ", nhưng ý lại tương tự như bắt đầu một câu chuyện cổ tích: "ngày xửa, ngày xưa...".
Những người lớn cũng thế, có khi họ sẽ tụ tập ở nhà, hoặc nhà bạn bè, cùng nhau ăn uống, trò chuyện, xem chương trình thể thao đặc biệt trong ngày đấy và chờ đến giờ đón giao thừa. Một cách thong thả nhẹ nhàng hơn. Không trông đợi gì nhiều. Chỉ cảm nhận được thời gian cứ qua vun vút, gói gọn từng năm một, hết một năm, vẫn còn khoẻ còn vui là mừng.
Năm nay, đã đón giao thừa bằng cách ngâm mình trong bồn tắm, nước nóng bốc khói thơm ngát mùi oải hương, với một khay nhỏ gồm nhiều loại cheese và bánh, hạt, trái cây, kèm một chai vang đỏ. Nghe Aretha Franklin hát...Sau đó, xuống nhà, hôn con mừng năm mới. Tặng con môt ly tràn đầy tình yêu thương, lòng tử tế, từ những ngày xưa đến tận bây giờ, và mãi về sau.
Và năm nào cũng vậy, gần hết năm, người ta lại lôi danh sách những việc muốn thực hiện trong năm mới ( của năm cũ) ra, xem đã làm được gì, còn gì chưa thực hiện. Gạch xoá, thay đổi, thêm vào bớt đi, thành một danh sách "New Year's resolutions " của năm sắp đến.
Đàn bà, lúc nào cũng có mục "giảm cân, bớt mua sắm" trong danh sách. Đàn ông, bao giờ cũng có "tập thể dục, bỏ hút thuốc, bớt nhậu". Cộng thêm mấy chục danh mục từ năm này qua năm khác chưa bao giờ hoàn tất. Thằng con hỏi "năm nay resolutions của mẹ là gì?", trả lời con " là không làm bất kỳ một resolution nào nữa cả".
Qua hết đêm giao thừa, ngày đầu năm, sẽ kéo nhau ra hàng quán, cafe sáng, ăn brunch, và rủ nhau đi vào các Shopping malls, mua sắm những món hàng đầu tiên cho năm mới, không chỉ là tập quán quen thuộc, mà còn là vì ngày này, các nơi rầm rộ náo nhiệt giảm giá vô cùng hấp dẫn.
Không như Tết ta, là thời gian mọi người thực hiện những phong tục tập quán từ xưa truyền lại, cúng bái tổ tiên, giữ gìn và truyền bá những gì xưa cũ - Vừa qua, xem được một tranh hoạt hình rất khôi hài, vẽ hình 2 người ngoài hành tinh, người này hỏi người kia "người ở trái đất làm gì mà rộn rã thế"? Người kia trả lời "à, họ ăn mừng việc hành tinh của họ đã quay được đúng một vòng" - Tết tây, xem ra, là một dịp để mọi người tự kiểm lại bản thân, đặt ra mục đích mới, hoặc bỏ hết đi các mục đích. Họ mừng vì vẫn còn được thở được vui sau mấy trăm ngày hùng hục sống. Những gì đã qua, có thể vẫn sẽ gặp ở năm mới, nhưng rồi cũng sẽ qua. Những gì chưa đến, có thể là niềm mong đợi, hoặc là điều người ta đang tránh né, sẽ đến.
Chỉ còn vài tuần ngắn ngủi nữa là lại Tết: Tết ta. Sẽ sắp ngâm măng khô, kho với thịt. Sẽ làm hũ dưa món,tôm khô củ kiệu. Nấu bát sáo măng. Mua bánh chưng bánh tét. Sẽ có một nồi canh khổ qua, ăn cho những khó khăn khổ cực trôi qua hết. Mấy thằng con đứa nào cũng sợ món này, bảo đắng khó ăn, nhưng cũng ráng mỗi đứa ăn một bát, bọn nó bảo nhau ăn canh này cho "the pain goes away". (Nỗi đau buồn tan biến - PV)
Sẽ có chậu cúc đại đoá thơm ngát nhà, óng ánh trong nắng. Có phong bao lì xì. Và nghe Ly Rượu Mừng. Đêm giao thừa sẽ nghe hương trầm cứ thoang thoảng khắp nhà.
Đấy, đã vừa qua cả bao nhiêu hội hè miên man như vậy rồi, và khám phá ra, lúc nào cũng thế, nôn nao vẫn còn những ngăn để dành riêng cho cái Tết ở quê nhà, vẫn quen thuộc nhất, vẫn làm cho mình xúc động nhất.
Chị Đẹp - Lê Phương Thảo