Bọn mình bắt đầu kỳ nghỉ ba tuần dịp Giáng sinh và năm mới.
Mọi người hỏi bố mẹ có sang chơi không?
Bà ngoại hiện sống ở Hà Nội thì luôn nghĩ và trả lời rằng: “Có công việc giúp được gì con cháu mới sang, chứ ai tự nhiên chỉ sang chơi”.
Thế nhà em gái nay sống ở Mỹ có sang chơi không? Ở đấy, mọi người lại chẳng được nghỉ phép nhiều như châu Âu.
Hồi còn ở nhà tại Hà Nội, mỗi năm mình nghỉ Tết hai tuần, nghỉ hè một tuần, thấy thế là nhiều. Nghỉ thêm nữa cũng chả biết làm gì. Thế mà bây giờ ở thành phố Stockholm, nghỉ hè, nghỉ đông đều dài, nhưng cũng chỉ thấy vừa đủ. Người Thụy Điển khéo cân bằng cuộc sống riêng với công việc. Mọi thứ ở mức “lagom” (vừa đủ) là được. Nhưng có lẽ thế mà nước này không sản sinh ra nhiều cá nhân xuất chúng như Mỹ hay Nhật chăng? Thay vào đó, người ta khuyến khích tinh thần làm việc theo nhóm, cùng hỗ trợ lẫn nhau.
Năm ngoái, mình còn ngạc nhiên khi một chị kể cảm giác ấm áp trong tim khi thấy những bông tuyết đầu mùa rơi. Nhưng năm nay, sau cả tháng dài lê thê với mưa phùn, rét mướt, ban ngày nhờ nhờ tranh sáng, tranh tối, thì chính mình cũng tự thay đổi, mà thấy ấm áp trong lòng khi thấy tuyết phủ kín cành cây, mái nhà, mà thấy trời đất sáng láng, dù thiếu vắng mặt trời, mà tự cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh vật mùa đông. Theo một cách tự nhiên, mình không tránh được cách nghĩ chung của cộng đồng mình sống.
Có nghiên cứu chỉ ra là dân Bắc Âu thường mệt mỏi vào mùa đông vì thiếu nắng. Ánh sáng mặt trời giúp đồng hồ sinh học của cơ thể hiểu đến lúc nào cần thức giấc vào buổi sáng. Việc thức dậy khi trời vẫn còn tối và về nhà khi trời đã lại tối sau một ngày dài bộn bề công việc là trái tự nhiên. Chính vì thế nên người ta cảm thấy mệt và thiếu động lực.
Đọc đến đây mình mới vỡ lẽ tại sao ở đây nghỉ phép hàng năm dài thế. Chẳng qua là để bù đắp thiếu hụt ánh sáng mà thôi. Còn nếu không được nghỉ dài, chắc hẳn bạn đang được hưởng đầy đủ ánh mặt trời rồi.
Giáng sinh nhà mình thường đến nhà ông bà nội. Nhà chồng mình là gia đình đa ngôn ngữ: Tiếng Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, tiếng Pháp, Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Việt. Không có một thứ tiếng chung nào cho tất cả mọi người. Người lớn thường dùng tiếng Anh. Trẻ con thì phải đợi đến khi học tiếng Anh, mới nói chuyện trực tiếp được với nhau.
Bởi vì lớn lên ở môi trường khác nhau nên chúng thích nghi với hoàn cảnh sống khác nhau. Nếu đứa sinh ở Stockholm (Thụy Điển) rất thích ngồi xe trượt tuyết dưới trời -10 độ C, thì đứa sinh ở Nice (Pháp) chỉ chơi hơn chục phút là đòi vào nhà vì lạnh. Ngược lại, cậu có nước da rám nắng của dân sống gần biển, còn cô em họ có làn da trắng đặc trưng của người Bắc Âu.
Những đứa trẻ cùng huyết thống mỗi năm gặp nhau một lần vào dịp Giáng sinh, để cùng sống trong tình yêu thương gia đình, mặc dù giờ đây chúng đã khác nhau về màu da, ngôn ngữ và cả văn hoá.
Chúc mừng Giáng sinh!
Hyvää Joulua!
God Jul!
Mùa đông ở đây lạnh. Mà ở trường bọn trẻ hằng ngày vẫn ra ngoài chơi. Nên chúng cần quần áo khoác, giày, mũ, găng tay không thấm nước, chống gió mà vẫn thoáng khí, để không bị ướt khi chơi nhiều giờ với tuyết, nhưng vẫn không bị bí khi ra mồ hôi. Mỗi bộ quần áo trùm ngoài thế này giá khoảng 100-200 EUR tuỳ nhãn hiệu, cộng thêm giày, mũ, găng tay loại tốt nữa, trở thành một khoản kha khá mà bố mẹ phải “đầu tư” mỗi khi đông đến, vì thường trẻ chỉ sử dụng được một mùa.
Có hãng đã nghĩ ra cách thiết kế quần áo để có thể nới đầu gối quần thêm được 3-4cm, nói cách khác là tăng được thêm một cỡ, để trẻ có thể sử dụng bộ quần áo được hai mùa.
Như vậy bạn thấy tính tiết kiệm của người Thụy Điển không dừng ở mức độ cá nhân nữa, mà đã trở thành hệ thống rồi.
Hồi mình chuyển sang đây sống, là vào tháng 3, cuối mùa đông. Trong túi đồ mẹ chồng mang cho mình, có đôi tất len bà tự đan. Từ bấy đến giờ, chắc mình có đến hơn chục đôi tất len thế này, vì cứ đến đầu đông bà lại đan tất cho cả nhà. Mình nhớ ngày nhỏ, mẹ ruột mình cũng hay đan. Mình với em gái có chiếc áo len mẹ đan, trên ngực áo còn có chữ P-T viết tắt của Phương Thảo, Phương Thuận.
Sống xa quê không phải là lựa chọn tối ưu. Nhưng trong cái “thi thoảng chạnh lòng” này mình tự thấy may mắn khi sống ở Thụy Điển, vì nó “vừa vặn” với mình, với suy nghĩ và lối sống của mình, hoặc là mình phải thích nghi để “vừa vặn” với nó. Kiến trúc Scandinavian tối giản nghiêng về tiện ích, không xa hoa. Lối sống “lagom” vừa đủ, không phô trương. Xã hội Việt Nam khi mình còn nhỏ đã từng như vậy.
Bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi xa lạ không hề dễ dàng, nhưng mình không cảm thấy phải gồng mình, có lẽ vì đã gặp lại những điều giản dị thân thương nhất từ thời thơ ấu, như chiếc áo hay đôi tất mẹ đã từng đan...
Lê Phương Thảo