Hiệu lệnh giao thông đường bộ (hay hệ thống báo hiệu đường bộ) gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn.
Căn cứ tại khoản 4.1 Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 41:2019/BGTVT quy định, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
Thứ nhất, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Thứ hai, hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Thứ ba, hiệu lệnh của biển báo hiệu.
Thứ tư, hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Ví dụ: Xe máy tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ nhưng Cảnh sát giao thông có hiệu lệnh đi thì xe được đi. Ô tô đi trên đường gặp biển báo chỉ cấm xe đạp. Nhưng đồng thời, cắm biển cấm toàn bộ phương tiện thì ô tô không được đi vào.
Như vậy, hiện nay, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông) là cao nhất, mọi phương tiện đều phải tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông trên đường.
Điều 8 Quy chuẩn này khẳng định lại một lần nữa quy định này như sau: Người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Không chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát giao thông bị phạt như thế nào?
Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng; Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu thực hiện hành vi trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Đối với người đi bộ, phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
Đối với người điều khiển, dẫn dắt súc vật, điều khiển xe súc vật kéo, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Tuệ Minh