Thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông
Thứ tự ưu tiên của hiệu lệnh giao thông được quy định cụ thể tại QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT.
Cụ thể, khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
Thứ nhất, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Thứ hai, hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Thứ ba, hiệu lệnh của biển báo hiệu.
Thứ tư, hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Ví dụ xe máy tham gia giao thông đang dừng đèn đỏ nhưng cảnh sát giao thông có hiệu lệnh đi thì xe được đi.
Như vậy, hiện nay, hiệu lệnh của người điều khiển giao thông (cảnh sát giao thông mặc sắc phục theo quy định; người được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông) là cao nhất, mọi phương tiện đều phải tuân thủ theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông trên đường.
Ngoài ra, Điều 8 quy chuẩn này khẳng định lại một lần nữa quy định này như sau: Người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Không chấp hành hiệu lệnh giao thông bị phạt bao nhiêu tiền?
Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu.
Theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP mức xử phạt đối với người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Người điều khiển xe còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.
Hiện nay, mức xử phạt trên cũng áp dụng với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường
Lỗi không tuân thủ biển báo, vạch kẻ đường được quy định trong 100/2019/NĐ-CP với tên gọi đầy đủ là “Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường”. Mức phạt lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường được quy định như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng. Nếu gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (trước đây phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng). Nếu gây tai nạn giao thông thì còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.
Lưu ý, khi đi qua đường ngang, cầu chung, hầm đường sắt, mức phạt đối với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường được quy định riêng. Cụ thể:
Đối với người đi bộ bị phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng.
Đối với xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
Đối với ô tô, các loại xe tương tự xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Hiệu lệnh của CSGT được thể hiện thế nào?
Hiệu lệnh của người điều khiển được thể hiện bằng tay, cờ, gậy hoặc đèn tín hiệu ánh sáng điều khiển giao thông. Để thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông, người điều khiển giao thông ngoài sử dụng các phương pháp nêu trên còn dùng thêm còi.
Hiệu lệnh bằng tay của CSGT
Tay giơ thẳng đứng để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở các hướng đều phải dừng lại.
Hai tay hoặc một tay dang ngang để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía trước và ở phía sau người điều khiển phải dừng lại; người tham gia giao thông ở phía bên phải và bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng.
Cánh tay trái người điều khiển gập đi gập lại sau gáy để báo hiệu người tham gia giao thông bên trái người điều khiển đi nhanh hơn hoặc cánh tay phải người điều khiển gập đi gập lại trước ngực để báo hiệu người tham gia giao thông bên phải người điều khiển đi nhanh hơn.
Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển ở vị trí ngang thắt lưng và đưa lên, xuống báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển đi chậm lại.
Bàn tay trái hoặc phải của người điều khiển giơ thẳng đứng vuông góc với mặt đất báo hiệu người tham gia giao thông ở bên trái hoặc bên phải người điều khiển dừng lại.
Tay phải giơ về phía trước để báo hiệu cho người tham gia giao thông ở phía sau và bên phải người điều khiển dừng lại; người tham gia giao thông ở phía trước người điều khiển được rẽ phải; người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được đi tất cả các hướng; người đi bộ qua đường phía sau lưng người điều khiển giao thông được phép đi.
Tay trái giơ về phía trước lặp đi lặp lại nhiều lần, song song với tay phải báo hiệu người tham gia giao thông ở phía bên trái người điều khiển được rẽ trái qua trước mặt người điều khiển.
Hiệu lệnh bằng còi của CSGT
Một tiếng còi dài, mạnh là ra lệnh dừng lại.
Một tiếng còi ngắn là cho phép đi.
Một tiếng còi dài và một tiếng còi ngắn là cho phép rẽ trái.
Hai tiếng còi ngắn, thổi mạnh là ra hiệu nguy hiểm đi chậm lại.
Ba tiếng còi ngắn thổi nhanh là báo hiệu đi nhanh lên.
Thổi liên tiếp tiếng một, nhiều lần, mạnh là báo hiệu phương tiện dừng lại để kiểm tra hoặc báo hiệu phương tiện vi phạm.
Các hiệu lệnh khác
Cầm đèn ánh sáng có mặt đỏ giơ cao hướng về phía phương tiện đang chạy tới: Dừng xe.
Người điều khiển chỉ gậy chỉ huy giao thông vào hướng xe nào thì xe ở hướng đó phải dừng lại.
Người tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm chỉnh hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, kể cả trong trường hợp hiệu lệnh trái với tín hiệu của đèn điều khiển giao thông, biển báo hiệu hoặc vạch kẻ đường.
Hoàng Mai