Xác nhận độc thân gặp khó khăn
Mới đây, thông tin trên báo chí có đăng tải về câu chuyện đi xác nhận tình trạng độc thân của anh S.
Theo đó, năm 2008, khi còn độc thân, anh S. đứng tên mua một mảnh đất. Công chứng viên yêu cầu anh S. nộp giấy xác nhận độc thân để hoàn tất thủ tục mua bán. Sau đó, anh S. đã nộp đủ giấy tờ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mảnh đất trên.
Đến đầu năm 2019, anh S. muốn bán đất. Dù hồ sơ mua đất vẫn còn lưu và vợ anh S. cũng xác nhận tài sản này có trước khi anh kết hôn, nhưng anh S. vẫn bị yêu cầu nộp xác nhận độc thân từ thời điểm anh mua đất trở về trước mới được hoàn tất thủ tục bán.
Như vậy, dù đã kết hôn 10 năm nhưng anh S. vẫn phải làm giấy xác nhận độc thân. Không chỉ dừng lại ở đó, việc làm giấy chứng nhận độc thân của anh S. còn gặp nhiều khó khăn khác do anh từng nhập hộ khẩu nhiều nơi ở TP.HCM như quận Tân Phú, quận 12 và tỉnh Bình Thuận... Và anh S. phải mất nhiều ngày, đến từng nơi mình đã cư trú để xác nhận tình trạng độc thân.
Từ câu chuyện xác nhận tình trạng độc thân này, không ít người dân từng đi xác nhận tương tự cũng phàn nàn về việc có quá nhiều quy trình, thủ tục phải làm để xác nhận tình trạng độc thân. Nếu không nói là mất khá nhiều thời gian chờ đợi.
Chia sẻ với PV báo điện tử Người Đưa Tin, anh Trần Giang (Hà Nội, quê gốc Tuyên Quang) cho biết: “Cách đây 1 năm, tôi có ra một phường ở Hà Nội để xác nhận tình trạng độc thân chuẩn bị kết hôn. Khi đó tôi được cán bộ tư pháp hộ tịch có hướng dẫn phải truy cập vào trang dịch vụ công trực tuyến, sau đó đăng ký các thao tác, điền thông tin cá nhân, ảnh, chứng minh nhân dân… Tất cả thao tác này được thực hiện trên máy tính. Tiếp đó, mới lên phường để làm thủ tục, nếu thiếu bất cứ giấy tờ nào thì phải đi xin đủ không thì phải chờ.
Tôi thấy thương nhất là những người già, người lớn tuổi họ không biết sử dụng máy tính, còn cán bộ của phường thì ít không thể ngồi làm cho từng người được. Hôm đó, tôi đi làm phải ngồi chờ cả tiếng đồng hồ, chưa kể người già bức xúc vì phải chờ lâu và họ cũng không biết điền thao tác trên máy tính. Biết là làm theo quy định nhưng nhìn chung là rắc rối và tốn nhiều thời gian”.
Tương tự anh Giang, chị Nguyễn Thị L. (Hà Nội) cũng phàn nàn: “Trong một lần tôi muốn bán mảnh đất mà trước đó thuộc quyền sở hữu của cá nhân tôi. Dù chồng tôi cũng đã xác nhận mảnh đất đó có trước hôn nhân, nhưng vẫn bắt tôi phải về nơi cũ xác nhận, trong khi đó tổ trưởng tổ dân phố ngày xưa thì đã nghỉ hưu rồi. Tôi phải loay hoay mãi mới làm được thủ tục xác nhận độc thân để bán đất”.
Nguyên tắc là nguyên tắc
Liên quan đến vấn đề xác nhận tình trạng độc thân, một cán bộ tư pháp hộ tịch đang công tác tại một phường ở Hà Nội thông tin: “Nếu trước đó anh có tài sản và muốn bản tài sản mua trước hôn nhân thì anh vẫn phải xác nhận tình trạng hôn nhân ở phường. Vẫn là thời điểm đủ tuổi đăng ký kết hôn đến trước ngày kết hôn. Còn nếu chuyển khẩu ở rất nhiều nơi thì anh phải tự chứng minh tình trạng hôn nhân của mình ở những nơi ở trước. Người dân phải tự đi từng nơi xin, bởi có liên thông với nhau nên chúng tôi không thể nào nắm được việc này.
Ở Hà Nội hiện nay, muốn xác nhận tình trạng độc thân thì phải đăng ký trên cổng dịch vụ công trực tuyến đầy đủ, trong trường hợp đầy đủ hồ sơ, giấy tờ thì cán bộ hộ tịch sẽ tiếp nhận hồ sơ và làm luôn, 3 ngày sau đến lấy. Còn thiếu giấy tờ gì thì sẽ phải bổ sung. Nếu không đủ giấy tờ thì sẽ mất thời gian để xác minh, bổ sung giấy tờ. Vấn đề ở đây bắt buộc phải làm như vậy, chúng tôi làm theo đúng quy định, nếu không muốn rắc rối thì ở những nơi ở trước anh phải giữ cái giấy đó lại, photo lại dùng cho những lần sau nữa” .
Cũng trao đổi thêm với PV, luật sư Bùi Hoài Thanh (Hội Luật gia Việt Nam) cho biết, có thể khẳng định trường hợp như của anh S. nêu trên không phải trường hợp cá biệt, rất may mắn là dù phải mất nhiều thời gian và đi nhiều nơi để xác nhận thông tin thì anh S. vẫn thực hiện được quyền của mình.
“Trong nhiều trường hợp khác, thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã và đang khiến cho người dân gặp rất nhiều khó khăn để thực hiện quyền hợp pháp của mình thậm chí nhiều trường hợp đi vào “bế tắc”.
Ví dụ như trường hợp khai nhận thừa kế của gia đình anh H., bố mẹ anh H. là ông Đ. và bà T. có 4 người con, người con cả của ông bà mất năm 25 tuổi, khi mất chưa lập gia đình. Năm 2017 ông Đ. chết, đến năm 2019 bà T. chết đều không để lại di chúc. Anh em của anh H. làm thủ tục khai nhận thừa kế đối với di sản của ông Đ. và bà T. nhưng không thể thực hiện được vì bị yêu cầu chứng minh tình trạng hôn nhân của người anh cả đã mất.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiểu là loại giấy tờ cá nhân cam kết về tình trạng hôn nhân của mình: Độc thân, đã ly hôn, đã kết hôn... khi muốn thực hiện một giao dịch hoặc một thủ tục nào đó như: Đăng ký kết hôn, thế chấp vay vốn ngân hàng, các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất... mục đích là để thuận lợi cho việc quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra.
Việc cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được quy định tại Nghị định số 123/2015 ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch và Thông tư số 15/2015 ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp. Điều 21 của Nghị định 123/2015 quy định: Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”, luật sư Bùi Hoài Thanh thông tin.
Nói về thủ tục làm giấy xác nhận độc thân, luật sư Bùi Hoài Thanh cho hay: “Người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân nộp Tờ khai theo mẫu quy định (Theo mẫu ban hành theo Thông tư số 15/2015 của Bộ Tư pháp) Tại UBND xã phường nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã có vợ hoặc chồng nhưng đã ly hôn hoặc người vợ hoặc chồng đã chết thì phải xuất trình hoặc nộp giấy tờ hợp lệ để chứng minh; nếu thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 37 của Nghị định này thì nộp bản sao trích lục hộ tịch tương ứng.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu. Nếu người yêu cầu có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân là phù hợp quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký cấp 01 bản Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho người có yêu cầu. Nội dung Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi đúng tình trạng hôn nhân của người có yêu cầu và mục đích sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân cấp xã được yêu cầu tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu về tình trạng hôn nhân của người đó trong thời gian thường trú tại địa phương.
Như vậy, trường hợp của anh S. cũng đã được nhà làm luật dự liệu và đưa vào quy định tại khoản 4 Điều 22 của Nghị định 123/2015, người đã thường trú ở nhiều nơi khác nhau có quyền yêu cầu UBND xã nơi đăng ký thường trú xác minh tình trạng hôn nhân của mình tại các nơi mình đã thường trú trước đấy. Tuy nhiên, nhiều người dân không biết quyền của mình nên đúng như anh S đã làm, họ phải mất hàng tuần để quay lại tất cả nhưng nơi đã thường trú để xin xác nhận của từng nơi”.
Luật sư Bùi Hoài Thanh nhấn mạnh, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân thì việc cải cách các thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa và áp dụng khoa học công nghệ là yêu cầu tất yếu.
Hiện nay, có quá nhiều các loại giấy tờ được quy định, áp dụng để quản lý người dân kể từ khi sinh ra đến lúc chết đi: Khai sinh, hộ khẩu, chứng minh dân nhân (căn cước công dân), đăng ký kết hôn, chứng tử. Việc hợp nhất các loại giấy tờ này trong quản lý hành chính đã và được triển khai thí điểm tại Việt Nam qua việc cấp mã số định danh cá nhân…